Thị trường tiền tệ trong nước ra sao sau quyết định tăng lãi suất của Fed?

18:43' - 29/07/2022
BNEWS Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tiếp tục tăng mạnh lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm. Động thái này có thể sẽ tác động lớn đến thị trường tiền tệ trong nước.

Về lý thuyết, động thái này có thể sẽ tác động lớn đến thị trường tiền tệ trong nước. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

*Ổn định vĩ mô

Trước những quan ngại về việc Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lãi suất và tỷ giá trong nước, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá. Từ đó, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán ngoại tệ can thiệp với các hình thức phù hợp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, qua đó đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời duy trì thanh khoản VND dồi dào trên thị trường để hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất VND, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Phạm Chí Quang, tỷ giá USD/VND hiện nay tăng khoảng 2% so với cuối năm 2021 là phù hợp với điều kiện, diễn biến thị trường trong, ngoài nước. Đồng thời phù hợp với mục tiêu xuyên suốt của điều hành chính sách tiền tệ là góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

"Trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô dự trữ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường", ông Phạm Chí Quang cho biết thêm.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân, bao gồm nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 4 Fed điều chỉnh lãi suất cơ bản. Trước đó, hồi tháng 3/2022, Fed đã lần đầu nâng lãi suất cơ bản lên thêm 0,25 điểm phần trăm, lên phạm vi từ 0,25-0,5% sau 4 năm lãi suất giữ ở mức gần 0%.

Sang đến tháng 5, Fed lại tiếp tục tăng lãi suất thêm tới 0,5 điểm phần trăm, đẩy lãi suất tham chiếu tại Mỹ lên mức từ 0,75-1%. Ngày 15/6, Fed thông báo quyết định tăng lãi suất với mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm sau khi lạm phát tăng đột biến vào tháng 5, với mức tăng 0,75 điểm phần trăm đưa lãi suất cơ bản của ngân hàng lên từ 1,5-1,75%. Và đến ngày 27/7, Fed lại một lần nữa tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, lên phạm vi từ 2,25-2,5%.

Mặc dù các đợt tăng lãi suất nhanh chóng của Fed đã kìm hãm thị trường nhà ở, kìm hãm giá trị cổ phiếu và thúc đẩy sự gia tăng nhẹ của việc sa thải lao động, nhưng vẫn chưa tạo ra tác động đáng kể đến vấn đề lạm phát. Nhiều dự báo cho rằng Fed sẽ còn nâng lãi suất nhiều lần nữa trong năm 2022.

Đánh giá về ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất đối với thị trường tiền tệ trong nước, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng biến động mới này ít nhiều có thể có những tác động lên dòng tiền đầu tư.

Cụ thể, đồng USD tăng giá có thể sẽ làm đảo chiều dòng vốn đầu tư toàn cầu từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển, hút USD về Mỹ và nhiều quốc gia khác. Chưa dừng ở đó, nhà đầu tư ở các nước có đồng tiền mất giá so với đồng USD phần nào cũng sẽ bị ảnh hưởng và từ đó, tác động lên các quyết định đầu tư của họ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, từ 2 năm nay trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng, giữ tiền trong tài khoản chờ mua vào, nên mức độ co hẹp dòng vốn này không đáng lo ngại.

"Ngoài ra, tuy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới vào Việt Nam có thể giảm nhưng các nhà đầu tư hiện hữu sẽ vẫn tiếp tục đầu tư để kết thúc quá trình xây dựng, chuyển sang khai thác sinh lời. Vì thế, hoạt động đầu tư từ nước ngoài sẽ tiếp tục được đẩy mạnh giải ngân, giúp giảm áp lực tăng giá của đồng USD và áp lực lạm phát trong nước", ông Thịnh nhận định.

Còn đối với các ngân hàng có hoạt động huy động vốn trên thị trường quốc tế, việc lãi suất tăng cao cũng sẽ khiến các ngân hàng gặp khó trong việc trả nợ các khoản vay hiện hữu và việc vay mới cũng không dễ dàng. Dù vậy, vị chuyên gia đánh giá hoạt động huy động vốn quốc tế của ngân hàng Việt hiện không quá nhiều nên ảnh hưởng sẽ không quá lớn.

*Điều hành linh hoạt

Báo cáo mới đây của Phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (EVS) cho thấy lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã tăng trong khoảng 30-70 điểm cơ bản từ đầu năm tới nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhanh tới hơn 8,04% trong 6 tháng đầu năm.

Điều này không quá khó hiểu khi lãi suất huy động từ tổ chức và dân cư đã nhích lên đáng kể so với năm 2021 dưới áp lực tăng lãi suất toàn cầu và tỷ giá VND trong thời gian qua.

EVS kỳ vọng xu hướng lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì trong nửa cuối năm 2022 trong khi lãi suất cho vay có thể giảm từ 25-50 điểm cơ bản nhờ gói cấp bù lãi suất 2% của Chính phủ.

Trong khi đó, báo cáo Triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam 6 tháng cuối năm 2022 của Trung tâm giải pháp và giao dịch Ngân hàng Shinhan (Shinhan Bank S&T Center) nhận định: Tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tăng trong năm 2022 do những lo ngại lạm phát gây nên bởi các chính sách thắt chặt tiền tệ sớm hơn dự kiến của Fed và giá nguyên liệu thô tăng.

Tuy nhiên sẽ giảm dần vào cuối năm và duy trì quanh mức 23.000 đồng nhờ các chính sách kích thích kinh tế, kích cầu trong nước, sự phục hồi của ngành du lịch và dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào.

"Xuất khẩu giảm do tốc độ tăng trưởng thấp ở Trung Quốc và Mỹ, vốn là các đối tác thương mại lớn, là yếu tố gây nên sự tăng vọt của tỷ giá hối đoái", Shinhan dự báo.

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến từ làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từng kiến nghị cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi 2022-2023; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu...

Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực, việc đánh giá nghĩa vụ nợ nước ngoài khi Fed tăng lãi suất nhằm có những cảnh báo kịp thời đối với doanh nghiệp cũng là điều rất cần thiết. Đồng thời, cần tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vay nợ nước ngoài nhiều.

Trong cuộc họp ngày 28/7 ngay sau động thái tăng lãi suất của Fed, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả; điều hành tỷ giá, lãi suất ổn định hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục chống đô la hóa, vàng hóa hiệu quả; bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vào sản xuất kinh doanh, phát triển bất động sản khu công nghiệp, nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; tiếp tục rà soát, giảm thuế, phí, lệ phí, các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường hợp tác công tư, khơi thông mọi nguồn lực, thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, lấy nguồn lực nhà nước kích hoạt, dẫn dắt mọi nguồn lực hợp pháp khác, góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng.

Mặt khác, các bộ, ngành, cơ quan liên quan còn triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Đặc biệt kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng chiến lược, thiết yếu cho sản xuất và đời sống.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục