Thị trường trầm lắng, giá thép tiếp tục xu hướng giảm

10:15' - 15/05/2017
BNEWS Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa cho biết, tình hình sản xuất, bán hàng các mặt hàng thép có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là tiêu thụ thép xây dựng sụt giảm.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa cho biết, tình hình sản xuất, bán hàng các mặt hàng thép có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là tiêu thụ thép xây dựng sụt giảm.

Thép trong nước lao đao bởi thép giá rẻ. Ảnh: TTXVN.

Các nhà máy thép ở cả thị trường phía Bắc và phía Nam hoạt động trầm lắng hơn so với tháng trước. Một số nhà máy gặp khó khăn và tiềm ẩn kinh doanh lỗ trong thời gian tới.

Cùng với đó, giá thép tiếp tục có xu hướng giảm và điều này càng khiến cho sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất ngày càng gay gắt hơn trong việc duy trì thị phần.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, sản xuất thép xây dựng của các thành viên hiệp hội trong tháng 4/2017 đạt hơn 730.000 tấn, tăng nhẹ 3,6% so với cùng kỳ nhưng đã giảm 14,26% so với tháng trước. Việc tiêu thụ thép xây dựng đạt hơn 635.000 tấn, giảm 14% so với cùng kỳ 2016 và giảm 20% so với tháng trước.

VSA cũng cho biết, nhìn chung, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong 4 tháng đầu năm 2017 có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2016. Nhưng mức tăng trưởng bán hàng chỉ đạt 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng dự báo hồi đầu năm 2017 là khoảng 10%.

Cùng với sự tăng trưởng chậm của thị trường, giá thép cũng đang tiếp tục đà giảm. Giá thép trong nước tháng 4 đã giảm tiếp khoảng từ 400-700 đồng/kg so với cuối tháng 3. Hiện giá bán thép cuối tháng 4 ở mức khoảng từ 10.600 – 10.800 đồng/kg (giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm 10% thuế VAT) và tiếp tục có xu hướng giảm.

Trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, giá thép phế giảm từ 20-25 USD/tấn, còn mức 255-265 USD/tấn. Giá phôi thép giảm 5-10 USD/tấn từ ngày 10/4 đến 14/4. Từ ngày 24/4 tiếp tục giảm mạnh từ 20-25 USD/tấn và hiện còn giữ mức 390 -400 USD/tấn phôi thép.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, các doanh nghiệp đang tiếp tục các chính sách chiết khấu và bảo lãnh giá, điều này làm cho thị trường thép trong nước thêm khó khăn. Cùng với đó, thép cuộn ngoại nhập với giá rẻ cũng gây khó khăn cho các nhà sản xuất nội địa.

Hiệp hội Thép khuyến nghị các doanh nghiệp cần giữ ổn định thị trường; bãi bỏ chính sách bảo lãnh giá, giảm và hạn chế các chính sách hỗ trợ bán hàng.

Các doanh nghiệp cần thường xuyên trao đổi thông tin với nhau và báo cáo với hiệp hội để cùng phối hợp… giữ vững môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

Đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa các nhà sản xuất với nhau, tạo chuỗi liên kết đồng bộ bền vững giữa các nhà sản xuất ở khâu luyện và cán thép.

Hiệp hội sẽ tiếp tục phân tích và cung cấp thông tin phản ánh về việc nhập khẩu ồ ạt thép dài, thép cuộn hợp kim, đánh giá những tác động về việc áp thuế, thông tin về phôi thép để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, tránh tình trạng đầu cơ của các nhà thương mại./.

>> Các chuyên gia "hiến kế" nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thép

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục