Thị trường việc làm tại Nga ngày càng khắc nghiệt

10:25' - 15/03/2016
BNEWS Báo Độc lập (Nga) dẫn kết quả các điều tra xã hội cho thấy, tại nước này, cứ hai người, có một người muốn thay đổi việc làm, song không muốn phải đối mặt với nguy cơ mất luôn việc làm cũ.
Thị trường việc làm tại Nga ngày càng khắc nghiệt. Ảnh minh họa: Reuters

Hơn một nửa người lao động Nga (53%) cảm nhận rõ mức lương của họ thấp hơn so với năm 2015, trong khi đòi hỏi từ phía người sử dụng lao động ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, người lao động Nga đều đang cố tăng thu nhập bằng các việc làm thêm, trong khi phải nỗ lực hơn để giữ được việc làm hiện tại của mình.

Điều tra cũng ghi nhận, mặc dù quan tâm tìm kiếm việc làm mới, song hầu như người lao động cũng không kịp, hoặc không dễ thay đổi công việc, bởi những vị trí khuyết người giờ rất hiếm hoi. Khoảng 17% số người được hỏi cho biết rất khó để có thể tìm được việc làm đúng chuyên môn.

Và chỉ có 9% số người được hỏi cho rằng người lao động có nhiều lựa chọn hơn trước khi tìm kiếm việc làm. Đây là kết quả điều tra được hãng tuyển dụng nhân sự Kelly vừa tiến hành trong hai tháng đầu năm nay.

Kết quả điều tra cũng cho biết, khoảng 45% số người được hỏi nói rằng họ phải dành ba tháng để tìm được việc làm, trong khi 35% số khác phải mất tới nửa năm và 20% còn lại mất gần một năm. Các vòng tuyển dụng người lao động cũng trở nên khó khăn hơn với những đòi hỏi khắt khe.

Trung bình một người lao động phải trải qua 5 vòng tuyển dụng mới có thể được nhận việc làm, còn đối với việc cất nhắc ứng viên vào các trọng trách mới, họ sẽ phải trải qua bảy hoặc thậm chí nhiều hơn các vòng thử thách, kiểm tra nghiệp vụ. Trong khi đó, theo một quan chức nhân sự, hiện nay các nhà tuyển dụng không vội vàng lựa chọn các ứng cử viên và hết sức cảnh giác với những lao động bị sa thải.

53% số nhân viên được hỏi cho biết mức lương của họ giảm so với năm 2015. Hơn nữa, tình trạng nợ lương đã không còn là chuyện xa lạ. Bị nợ lương, nhiều gia đình Nga cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nguồn thu không đủ trang trải các nhu cầu thiết yếu.

Thống kê cho biết, tại tỉnh Ryazan, khoảng 44% số người được hỏi thừa nhận lương của họ không đủ sống. Người dân phải dùng tiền tiết kiệm, hoặc phải nhờ vả sự giúp đỡ của người thân, để trang trải cuộc sống.

Tờ báo trên dẫn lời một quan chức Nga cho rằng hiện "thất nghiệp vẫn chưa hẳn là tình trạng phổ biến, cho dù 25% số người được hỏi cho biết bạn bè họ có những người đã bị mất việc làm".

Tình trạng mất việc làm tuy chỉ xuất hiện ở những nhóm người nhất định, như người lao động chân tay, lao động có tay nghề thấp, và các nhân viên khối hưởng lương ngân sách, nhưng đây quả là một thực trạng đáng buồn ở xứ sở Bạch Dương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục