Thiệt hại do thiên tai ở châu Phi tăng gấp đôi mức trung bình 10 năm qua

07:00' - 30/04/2024
BNEWS Theo báo cáo hàng quý của công ty bảo hiểm Mỹ Gallagher Re về thiên tai và khí hậu, châu Phi đã chịu ảnh hưởng nặng khi liên tiếp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan trong 3 tháng đầu năm 2024.

Hạn hán, lũ lụt và bão nhiệt đới đã gây ra hậu quả tàn khốc cho người dân và cơ sở hạ tầng.

 

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn báo cáo của Gallagher Re chỉ ra rằng so với các khu vực khác, châu lục này đang phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng hơn do những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu. Mặc dù thiệt hại kinh tế trên phạm vi toàn cầu ở mức tương đối vừa phải trong quý I/2024 (ước tính khoảng 43 tỷ USD) nhưng "gánh nặng" với châu Phi vẫn ở mức cao.

Cụ thể, tổng cộng, thiệt hại kinh tế trực tiếp liên quan đến thiên tai chỉ riêng ở châu Phi trong quý đầu tiên của năm 2024 ước tính khoảng 1 tỷ USD. Số tiền này, mặc dù chỉ là tạm tính nhưng đã tăng gần gấp đôi mức trung bình 10 năm trong cùng thời kỳ. Các công ty bảo hiểm đã phải trả hơn 375 triệu USD để bồi thường các tổn thất được bảo hiểm, cao hơn 20% so với mức thông thường.

Theo báo cáo của Gallagher Re, sự gia tăng chi phí này phần lớn là do ảnh hưởng liên tục của hiện tượng thời tiết El Nino mở đường cho các hiện tượng cực đoan trên khắp lục địa. Thiệt hại nặng nề nhất là lũ lụt ở CHDC Congo cũng như các cơn bão Belal và Gamane lần lượt ở Ấn Độ Dương và Madagascar.

Dù vậy, hạn hán mới là mối quan tâm chính của nhiều nước châu Phi. Sự bất thường về lượng mưa đã chứng minh cho quy mô của vấn đề, với 80 đến 90% bề mặt lục địa ghi nhận lượng mưa thiếu hụt lên tới 100% so với định mức theo mùa. Tình trạng này đe dọa an ninh lương thực, khả năng tiếp cận nguồn nước và sinh kế của hàng triệu người. Hơn nữa, tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn với sự chuyển dịch được dự đoán sang giai đoạn La Nina trong những tháng tới.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là miền Nam châu Phi, nơi đã hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng vào năm 2023, cũng như vùng Sừng châu Phi. Ở Zimbabwe và Zambia, thu hoạch ngô giảm mạnh, đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người. Tại Zambia, hạn hán được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi gần 1 triệu ha ngô bị thiệt hại. Tại Ethiopia, Somalia và Kenya, sự kết hợp giữa hạn hán và xung đột vũ trang đang đẩy một bộ phận dân cư vào tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Tình trạng thiếu nước cũng khiến nhiều gia súc chết.

Bên cạnh đó, lũ lụt cũng tiếp tục tàn phá. Tại CHDC Congo, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 238 người vào tháng 1/2024, trong khi gây thiệt hại kinh tế đáng kể ở Nam Phi. Những thực trạng này phản ánh rõ tính người dân và cơ sở hạ tầng ngày càng dễ bị tổn thương trước các hiểm họa khí hậu.

Bão nhiệt đới là một mối đe dọa lớn. Lốc xoáy Belal đổ bộ vào đảo Reunion vào tháng 1 với sức mạnh kỷ lục đã khiến các công ty bảo hiểm phải chi hơn 100 triệu USD để khắc phục thiệt hại. Tại Madagascar, Bão Gamane đã khiến 19 người thiệt mạng và 20.000 người phải sơ tánvào cuối tháng 3.

Xu hướng lịch sử chỉ ra rằng lục địa này phải chịu một phần chi phí kinh tế liên quan đến thiên tai một cách không cân xứng. Tình trạng này đặt ra câu hỏi về khả năng hấp thụ các cú sốc trong tương lai của thị trường bảo hiểm châu Phi.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực và nhân đạo đang nổi lên này, các chuyên gia cho rằng các nước châu Phi phải khẩn trương tăng cường năng lực để thích ứng với biến đổi khí hậu, bằng cách mở rộng đầu tư vào các chương trình quản lý tài nguyên nước bền vững và khả năng phục hồi của nông nghiệp. Những chuyên gia khác nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đánh giá lại các mô hình phát triển, khuyến nghị rằng cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, ít carbon, ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và kiên cường hơn trước các cú sốc khí hậu.

Các chuyên gia tin rằng để đáp ứng những thách thức này, một cách tiếp cận đa chiều là cần thiết. Theo đó, cần phải tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng và cơ sở hạ tầng trước thiên tai bằng cách đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm, lập kế hoạch khẩn cấp và có các biện pháp thích ứng. Đồng thời, việc phát triển các thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm vững mạnh để hỗ trợ các nỗ lực tái thiết cũng là điều cần thiết.

Cuối cùng, các chính sách khí hậu đầy tham vọng và sự phối hợp ở cấp lục địa là rất cần thiết để hạn chế các tác động trong tương lai của biến đổi khí hậu. Điều này liên quan đến việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và thực hiện các chiến lược giảm thiểu và thích ứng phù hợp với thực tế địa phương.

Đợt bùng phát các hiện tượng thời tiết cực đoan mới trong quý đầu tiên của năm 2024 cho thấy sự cấp bách của việc xem xét lại một cách cơ bản các chiến lược phát triển và quản lý rủi ro ở châu Phi. Hành động phối hợp và quyết liệt của các chính phủ, tổ chức tài chính và khu vực tư nhân sẽ là điều cần thiết để đáp ứng thách thức lớn này và duy trì lợi ích kinh tế và xã hội của lục địa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục