Thiết lập địa chỉ nhận biết sản phẩm an toàn thực phẩm

21:17' - 05/11/2015
BNEWS Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh lựa chọn một số doanh nghiệp đã thiết lập chuỗi an toàn để tổ chức kiểm tra, chứng nhận và công bố với công chúng nhân dân việc nhận biết sản phẩm an toàn thực phẩm.


Cần xử lý nghiêm vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị toàn quốc Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 5/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị, bước đầu 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh lựa chọn một số doanh nghiệp đã thiết lập chuỗi an toàn để tổ chức kiểm tra, chứng nhận và công bố với công chúng.

Đồng thời, chịu trách nhiệm với nhân dân việc nhận biết sản phẩm an toàn thực phẩm. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đảm bảo an toàn thực phẩm là yêu cầu bức thiết của nhân dân.

Nhiệm vụ của ngành là bằng mọi cách phải đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân dân. Bên cạnh công tác đấu tranh phát hiện vi phạm cũng cần “mở lối” cho những người làm tốt, doanh nghiệp chân chính tiêu thụ sản phẩm.

Thông qua cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2016 sẽ phải chấn chỉnh tình hình, có những hành động quyết liệt giải quyết căn bản các vấn đề làm ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi… Qua đó, rút kinh nghiệm duy trì sự cao điểm này và nâng cao hơn nữa trong những năm tiếp theo. 
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, để triển khai nhiệm vụ trong đợt cao điểm này và lâu dài, quan trọng nhất là cần có một guồng máy thực hiện. Vì vậy, lực lượng chính, nòng cốt, trung tâm thực hiện trên địa bàn là các chi cục, sở phải có sự phối hợp chặt chẽ với các lực lưọng các ngành khác cùng đấu tranh để tìm ra những đường dây buôn bán chất cấm. 
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho hay, việc sử dụng chất cấm không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà đây còn là hành vi gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng. Vì vậy, cần đấu tranh với những hành vi sản xuất lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm này như đấu tranh với buôn bán, sử dụng chất ma túy. 
Ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan từ quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên sử dụng, mua bán sản phẩm ở những nơi bày bán sản phẩm với nhãn mác và xuất xứ rõ ràng. 
Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng, quan trọng nhất là cơ quan nhà nước quyết liệt trong kiểm soát để ngăn chặn. Đồng thời hướng dẫn cho người dân những quy trình sản xuất tốt, thiết lập kênh phân phối nông sản an toàn, chỉ rõ địa chỉ an toàn để người tiêu dùng biết và mua sản phẩm an toàn. 
Số liệu giám sát an toàn thực phẩm nông thủy sản trên diện rộng 9 tháng cho thấy, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm an toàn thực phẩm còn cao.

Một số chỉ số an toàn thực phẩm chưa có cải thiện so với năm 2014: trên 1% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng/vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng./. 
Bích Hồng/Bnews/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục