Thiết lập mạng lưới liên kết trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa

15:46' - 20/12/2018
BNEWS Nghệ An với nguồn nguyên liệu phong phú, địa hình, địa chất đa dạng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển bền vững chuỗi các giá trị về sản phẩm tre, lâm sản.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Ngày 19/12, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Nghệ An (VCCI Nghệ An) tổ chức hội thảo “Thiết lập mạng lưới liên kết trong kinh doanh và ứng dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp”.

Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Phát triển toàn diện và bền vững chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam (SCBV)” và dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh toàn diện trong chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ và thuỷ sản giai đoạn 2018 – 2022”.

Từ đó, nhằm mục đích nâng cao chất lượng cho các sản phẩm ngành tre và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các bên áp dụng công nghệ sáng tạo trong quản lý và sản xuất kinh doanh tham gia vào chuỗi giá trị tre.

Các diễn giả tham gia hội thảo dưới góc độ của nhà sản xuất, của người mua hàng, của người bán lẻ đã chia sẻ rất nhiều thông tin hữu ích cho doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp cụ thể nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm tre.

Đại diện VNPT Nghệ An trình bày tại Hội thảo. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Nghệ An với nguồn nguyên liệu phong phú, địa hình, địa chất đa dạng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển bền vững chuỗi các giá trị về sản phẩm tre, lâm sản nói chung và lâm sản ngoài gỗ nói riêng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng tại Việt Nam, việc nâng cao chuỗi giá trị nông sản là điều tất yếu cần phải thực hiện nếu các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước muốn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

Chuỗi giá trị không chỉ theo nghĩa hẹp mà còn được hiểu theo nghĩa rộng hơn đó là phải có sự tham giá của nhiều thành phần khác nhau như người sản xuất, người chế biến, thương nhân, người cung cấp dịch vụ,…Để tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm hoàn thiện, các đối tượng tham gia chuỗi phải có sự phối hợp đồng đều và chặt chẽ với nhau, nhưng tại Nghệ An nhiều doanh nghiệp có thể hoạt động tốt chuỗi giá trị theo nghĩa hẹp mà chưa thật sự hiệu quả trong chuỗi giá trị theo nghĩa rộng.

Theo ông Phan Duy Hùng, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam chi nhánh Nghệ An cho rằng, để chuỗi giá trị có thể phát triển bền vững cũng như sản phẩm làm ra đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng và yêu cầu của thị trường, cần có các hỗ trợ cần thiết, kịp thời để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập một cách ổn định và bền vững cho người nông dân.

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu – Đại học Thương mại đề xuất, phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản cần nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị; quy trình thành lập mạng lưới liên kết trong kinh doanh, cách thức vận hành mạng lưới khi tham giá.

Ông Thịnh cũng đề cập đến lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa và quy trình truy xuất nhãn mác sản phẩm. Theo đó, việc truy xuất không chỉ giúp người tiêu dùng biết được nguồn gốc sản phẩm, tạo dựng lòng tin người tiêu dùng, giúp đẩy mạnh xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm, đây là điều kiện bắt buộc nếu sản phẩm muốn "vươn tầm".

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu – Đại học Thương mại, trình bày tại Hội thảo. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Bà Thái Thị Hồng Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Nghệ An cũng cũng cho hay, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 30 sản phẩm thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Kết quả là sản phẩm của bà con nông dân được tiêu thụ mạnh hơn, khẳng định chất lượng, thương hiệu, uy tín và mang lại hiệu quả kinh tế. Dự kiến trong năm 2019 sẽ có khoảng 10 sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn; trong đó, có một số sản phẩm thuộc vùng dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Cũng tại hội thảo, các nhóm sản xuất, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất tre cũng có cơ hội chia sẻ những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình sản xuất sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường. Các doanh nghiệp đã có những đề xuất cụ thể với các cơ quan quản lý để hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngành tre trong thời gian tới được hiệu quả và thiết thực.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Con Cuông Nghệ An chia sẻ, mặc dù Công ty được nhà nước giao quản lý điện tích rừng và đất rừng là 9.037,84ha, diện tích rừng trồng nguyên liệu tra, luồng khá lớn nhưng do trên địa bàn huyện Con Cuông chưa có các nhà máy chế biến lớn, công nghệ hiện đại để sản xuất các mặt hàng từ tre, mét có giá trị kinh tế cao dẫn đến giá trị của cây mét, luồng hiện nay vẫn còn thấp.

Cùng đó, chưa khuyến khích được sự đầu tư thâm canh của người dân và các đơn vị trồng rừng trên địa bàn. Cũng do giá trị thấp nên hiện nay đang có xu hướng người dân phá bỏ cây luồng để thay thế bằng cây keo nguyên liệu khiến diện tích rừng trồng luồng đang giảm dần hàng năm.

Ông Nguyễn Ngọc Anh đề xuất, ngoài diện tích tre luồng công ty hiện có thì công ty muốn đứng ra liên kết với các vùng trên địa bàn xây dựng chứng chỉ cho vùng nguyên liệu. Sau đó, làm đơn vị vệ tinh cung cấp, bán nguyên liệu đảm bảo cho các đơn vị sản xuất hàng hóa năm trong chuỗi liên kết để các đơn vị có thể xuất khẩu ra nước ngoài và các thị trường khó tính, từ đó tạo nên chuỗi liên kết hiệu quả, bền vững trong sản xuất kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục