Thiếu lao động - trở ngại của ngành bán dẫn Mỹ

05:30' - 24/10/2023
BNEWS Mỹ đang trải qua thời kỳ bùng nổ trong sản xuất chất bán dẫn sau khi Đạo luật CHIPS và Khoa học được thông qua, nhưng tiến trình này có thể bị cản trở do tình trạng thiếu lao động trong ngành.

Theo báo cáo hồi tháng 7/2023 của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn và Oxford Economics, sẽ có 85.000 việc làm kỹ thuật mới trong ngành bán dẫn vào năm 2030. Tuy nhiên, báo cáo này cũng ước tính gần 80% số việc làm đó có thể không được lấp đầy. Và điều quan trọng nhất là 1/3 lực lượng lao động trong ngành bán dẫn là người sinh ra ở nước ngoài - có nghĩa là các rào cản nhập cư đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động.

 

Vào tháng Bảy năm nay, công ty sản xuất chip TSMC của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), vốn dự kiến mở nhà máy đầu tiên ở bang Arizona (Mỹ) vào năm 2024, đã thông báo rằng "gã khổng lồ" ngành bán dẫn sẽ bị trì hoãn thêm một năm nữa kế hoạch này do thiếu nhân công chuyên môn.

Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết: “Mặc dù chúng tôi đang nỗ lực cải thiện tình hình, bao gồm cử kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm từ Đài Loan đến đào tạo công nhân lành nghề địa phương trong thời gian ngắn, chúng tôi dự kiến lịch sản xuất công nghệ xử lý N4 sẽ được đẩy lùi đến năm 2025”.

Nhiều công nhân lành nghề sinh ra ở nước ngoài đã học ở Mỹ, nhưng luật nhập cư hiện hành khiến họ khó ở lại đây định cư. Todd Schulte, Chủ tịch tổ chức vận động cải cách tư pháp hình sự và nhập cư FWD.us nói: “Thật quá khó để tưởng tượng rằng chúng ta có thể xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai nếu không cải cách luật nhập cư”.

Một phân tích mới của FWD.us cho thấy khoảng 5.000 sinh viên quốc tế tại Mỹ sẽ tốt nghiệp trong năm học tới với bằng cấp cao trong các lĩnh vực kỹ thuật và khoa học máy tính liên quan đến chất bán dẫn. Ít nhất 4.000 sinh viên trong số đó đã bày tỏ mong muốn ở lại Mỹ. Ông Schulte nói: “Nếu bạn cần xây dựng những nhà máy bán dẫn này thì phải sở hữu một lượng nhân công nhất định. Lực lượng lao động cần thiết đó có thể ở Mỹ, hoặc ở những nơi khác trên thế giới. Điều đó có nghĩa là cần có một hệ thống nhập cư cho phép nước Mỹ đáp ứng các nhu cầu kinh tế ở giữa thế kỷ 21”.

Hệ thống nhập cư cũ kĩ

Chính phủ Mỹ cấp thị thực H-1B (loại thị thực tạm trú cho phép chủ doanh nghiệp tuyển dụng và thuê những chuyên gia người nước ngoài làm việc tại Mỹ trong một khoảng thời gian nhất định. Còn gọi là thị thực định cư Mỹ theo diện lao động) cho khoảng 65.000 cá nhân đủ điều kiện mỗi năm, cộng thêm 20.000 thị thực cho những người có bằng thạc sĩ. Giới hạn đó đã được áp dụng từ năm 2006. Theo Hội đồng Di trú Mỹ, nếu Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) “nhận được nhiều đăng ký hơn số thị thực hiện có, cơ quan này sẽ tiến hành bốc thăm để xác định ai có thể nộp đơn yêu cầu thị thực H-1B. Ngoài việc giới hạn số lượng thị thực, các rào cản nhập cư khác bao gồm thời gian xử lý chậm, các quy định và thủ tục giấy tờ cũng như chi phí xin thị thực cao cũng tác động tới nhu cầu nhập cư vào Mỹ. Báo cáo tháng 3/2023 từ Envoy Global, một nhà cung cấp dịch vụ nhập cư toàn cầu, cho thấy 94% các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tài trợ visa làm việc cho công dân nước ngoài nếu họ gặp ít thách thức hơn, trong khi 80% công ty chuyển nhân viên sang làm việc từ xa bên ngoài nước Mỹ do các vấn đề liên quan đến thị thực.

Ông Schulte nói: “Lần cuối cùng chúng tôi có một bản cập nhật thực sự quan trọng cho hệ thống nhập cư hợp pháp của mình là vào năm 1990. Đó là trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và trước sự ra đời của mạng lưới toàn cầu (World Wide Web). Nó cũng ra đời trước sự trỗi dậy của các nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và tầng lớp trung lưu toàn cầu".

Không có lựa chọn

Việc đại tu hệ thống nhập cư của Mỹ sẽ không chỉ giúp ích cho ngành công nghiệp bán dẫn, mà các nghiên cứu còn cho thấy nó cũng sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Theo Boundless, một công ty công nghệ nhập cư, người nhập cư đã phải trả hơn 330,7 tỷ USD tiền thuế thu nhập liên bang ở Mỹ vào năm 2019 và tổng cộng hơn 492 tỷ USD tiền thuế nói chung. Greg Wright, Phó giáo sư kinh tế tại Đại học California ở Merced, nói với Yahoo Finance: “Câu chuyện đáng quan tâm hơn là trong thập kỷ qua, lý do duy nhất khiến dân số Mỹ tăng lên là do nhập cư”.

Ông nói thêm: "Trên khắp thế giới phát triển, dân số đang giảm dần, đặc biệt là ở miền Nam châu Âu và Nhật Bản. Có những quốc gia thực sự gặp phải những vấn đề với sự suy giảm dân số và sự đảo ngược của kim tự tháp nhân khẩu học. Đó có thể là tình trạng già hóa dân số. Mỹ thực sự chưa gặp phải vấn đề đó, mà chỉ là do vấn đề nhập cư”.

Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, từ năm 2005 đến năm 2022, dân số nhập cư của Mỹ đã tăng gần 30%, lên hơn 46 triệu người. Tính đến năm 2022, người Mỹ gốc nước ngoài chiếm 13,9% tổng dân số. Trong khi đó, người Mỹ bản địa ngày càng có ít con hơn, nhiều người lớn tuổi không còn trong lực lượng lao động, càng làm gia tăng khoảng cách lao động trong nước.

Ông Wright nói: “Tình trạng này đã đến giai đoạn đỉnh điểm, và mọi người sẽ nhận ra rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc nới lỏng chính sách nhập cư”. Ông Schulte cảnh báo rằng , nếu không cải tổ hệ thống nhập cư, những lao động tài năng sẽ chọn những nơi khác ngoài nước Mỹ để sống và làm việc, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, một ngành đang ngày càng có nhu cầu lao động cao hơn.

Sau khi Đạo luật CHIPS và Khoa học có hiệu lực, các công ty đã đầu tư 210 tỷ USD vào hơn 50 dự án bán dẫn mới tính đến cuối năm ngoái. Ông Schulte nói: “Chúng ta sẽ không thể thu hút được những tài năng hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới nữa. Điều đó đã xảy ra trong một thời gian dài. Nhưng nếu nhìn vào những gì các nền kinh tế cạnh tranh với Mỹ đã làm thì chúng ta sẽ thấy họ đã hiện đại hóa luật nhập cư, hệ thống nhập cư, theo cách cố gắng thu hút người lao động có tay nghề từ các quốc gia khác”.

Mỹ là quê hương của 7 trong số 10 công ty bán dẫn hàng đầu thế giới tính theo vốn hóa thị trường, bao gồm cả công ty hàng đầu là Nvidia. TSMC đứng thứ hai, trong khi Samsung của Hàn Quốc đứng thứ tư. Ông Schulte nói: “Rõ ràng hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn phát triển  khoa học thực sự có khả năng mang tính cách mạng - trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu y sinh, năng lượng sạch, nền kinh tế không carbon. Đây là những thứ có khả năng thay đổi thế giới trong nhiều thập kỷ tới theo những cách khác nhau”.

Theo ông Schulte, câu hỏi quan trọng là liệu Mỹ có thể thiết kế một hệ thống nhập cư cho phép nước này sở hữu lực lượng lao động đủ mạnh để dẫn đầu thế giới về giáo dục và đổi mới hay không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục