Thiếu liên kết, doanh nghiệp sẽ khó thu lợi từ CPTPP

12:49' - 28/11/2018
BNEWS Liên kết các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng là bài toán căn cơ để giải quyết vấn đề. Đây vốn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt trong các năm qua.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, thiếu liên kết, doanh nghiệp sẽ khó thu lợi từ CPTPP. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo CPTTP: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam do Tạp chí Điện tử doanh nhân Việt Nam tổ chức ngày 28/11, tại Hà Nội.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, thách thức với doanh nghiệp đã được nhắc đến rất nhiều, nhưng thác thức lớn nhất hiện nay là doanh nghiệp phải tự nhận diện được các thách thức và cơ hội của hội nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) cho chính doanh nghiệp mình. Bởi nếu không nhận thức đầy đủ thì doanh nghiệp không thể tự đổi mới mình, có tầm nhìn và phương thức để ứng phó.

“Nhiều ý kiến khẳng định vai trò của cơ quan nhà nước, nhưng chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp phải nhận thức đầy đủ. Việc một doanh nghiệp đơn lẻ tự mình đứng vững trong CPTPP là khó.

Do vậy, liên kết các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng là bài toán căn cơ để giải quyết vấn đề. Đây vốn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt trong các năm qua. Các doanh nghiệp vẫn “đơn thương độc mã” trong hội nhập”, ông Thịnh nói.

CPTPP cho chúng ta nhiều cơ hội khi các quốc gia đưa mức thuế suất về 0%, giảm thiểu hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận được các công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất hơn. Tuy nhiên, tự thân doanh nghiệp khó có thể giải quyết giải quyết.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho rằng, đối với ngành da giày, chủ yếu gia công xuất khẩu nên tính chủ động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế, khách hàng chủ động tìm đến doanh nghiệp.

Vấn đề tầm nhìn và xây dựng chiến lược vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp. Việc cần làm là tiếp cận thông tin, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính thống, kết nối net-working. Nếu doanh nghiệp không liên kết với nhau thì không thể tiếp cận các thông tin được.

Một điểm nữa, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng: “Khi miếng bánh thị phần mở rộng, mà cơ sở hạ tầng không đáp ứng được thì chúng ta cũng không được chia phần. Ngành da giày, túi xách hướng đến đẩy kim ngạch lên gấp 2 lần (20%) khi tham gia CPTPP”.

Vì vậy, về phía cơ quan nhà nước, cần xem xét lại cơ sở hạ tầng, logistics. Khi xuất khẩu thì các vị thế logistics là rất quan trọng, bà Xuân kiến nghị.

Tham gia CPTPP, Việt Nam lần đầu tiên cam kết cắt giảm 100% dòng thuế, cam kết với hoạt động mua sắm công, cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Đặc biệt, lần đầu tiên cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở tiêu chuẩn Trips+, và nhiều cam kết quan trọng khác.

Theo ông Phạm Mạnh Cổn, Giám đốc Cty Eltek Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập, phải khẳng định doanh nghiệp tự nâng cao nội lực là rất quan trọng, kết nối với nhau.

Nhưng hiện nay các doanh nghiệp trong nước còn rất yếu, họ ít trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau, ít nhất là trong ngành, lĩnh vực của mình. Nếu k tự đoàn kết được thì không chỉ khó trong xuất khẩu, mà cả thị trường trong nước, cũng sẽ khó có thể chiếm lĩnh.

Theo Bộ Công Thương, hiện 6 nước đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP đầu tiên gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Hiệp định sẽ có hiệu lực với 6 nước này vào ngày 30/12/2018.

Việt Nam phê chuẩn CPTPP vào ngày 12/11/2018 và thông báo cho New Zealand vào ngày 15/11/2018. Hiệp định này sẽ có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14/1/2019.

CPTPP hứa hẹn mang đến cho Việt Nam cơ hội kết nối tốt nhất, động lực để cải cách thể chế mạnh mẽ, thu hút đầu tư và xuất khẩu. Việc thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường sự chủ động sẽ giúp doanh nghiệp phát triển.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục