Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Công khai, minh bạch việc kiểm tra nồng độ cồn

16:11' - 22/02/2023
BNEWS Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Từ uống rượu, bia dẫn đến nhiều hành vi vi phạm khác.

Trước những băn khoăn trên mạng xã hội về việc xác định chính xác các ngưỡng vi phạm nồng độ cồn, tại Hội nghị thông tin công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đầu năm 2023 của lực lượng Cảnh sát Giao thông diễn ra sáng 22/2, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) khẳng định, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã thực hiện hết sức công khai, minh bạch và đảm bảo không xử lý sai. Việc tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn đang được Chính phủ, nhân dân rất ủng hộ.

 

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Từ uống rượu, bia dẫn đến nhiều hành vi vi phạm khác.

Kế hoạch 299/KH-BCA-C08 của Bộ Công an đã “đánh trúng” nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Đợt cao điểm đã hạn chế rất nhiều tai nạn giao thông, các vụ gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, nổi bật là dịp Tết Quý Mão 2023 không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến vi phạm nồng độ cồn.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông thực hiện chuyên đề đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Trước khi thực hiện kế hoạch, Cảnh sát Giao thông đã làm tốt công tác điều tra cơ bản, điều tra từng tuyến đường, nhà hàng, đối tượng, sau đó bố trí lực lượng ở những điểm đó và thường xuyên thay đổi các điểm chốt, phương thức tuần tra kiểm soát để ngăn chặn các hiện tượng chống đối, né tránh chốt.

Liên quan đến những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội về việc người tham gia giao thông ăn hoa quả, uống siro, sử dụng thuốc đau răng… nhưng vẫn có nồng độ cồn và bị xử lý, Thiếu tướng Đức cho rằng, điều này không thể xảy ra.

Vị Phó Cục trưởng này phân tích, máy đo nồng độ có hai chế độ là định tính và định lượng. Cảnh sát Giao thông đo định tính, xác định người điều khiển vi phạm nồng độ cồn mới tiến hành đo nồng độ theo các chỉ số để xác định hàm lượng.

“Lực lượng Cảnh sát Giao thông không thể xử lý sai trường hợp không có nồng độ cồn được”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh.

Về thông số quy định của Bộ Y tế và thông số đo của lực lượng Cảnh sát Giao thông có khác nhau, Thiếu tướng Lê Xuân Đức giải thích, Bộ Y tế căn cứ vào chỉ số nồng độ cồn trong máu. Bản thân con người sinh ra, trong máu đã có một lượng men nhất định để giải quyết vấn đề tiêu hóa, đây là nồng độ cồn bình thường. Lực lượng Cảnh sát Giao thông đo qua hơi thở, phải có định tính trước, khi định tính được mới đo bằng định lượng, chỉ số theo từng mức quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, do đó không thể sai được.

Về việc các hội nhóm đi livestream hoạt động kiểm tra nồng độ cồn của Cảnh sát Giao thông, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho hay, thực hiện quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã công khai kế hoạch trên trang web của Cục, Công an các địa phương. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang cấp cho lực lượng Cảnh sát Giao thông theo quy định của Bộ Công an. Người dân được giám sát, kiểm tra những gì pháp luật quy định, cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của các máy móc, phương tiện.

“Chúng tôi quan niệm rằng, sự phản ánh, giám sát của người dân đối với cán bộ, công chức, trong đó có lực lượng Công an nhân dân là việc làm bình thường. Những hình ảnh đẹp của Công an nhân dân, những nỗi vất vả, khó khăn của Cảnh sát Giao thông được người dân ghi lại và phản ánh trên báo chí là niềm cổ vũ, động viên chúng tôi ngày càng làm tốt hơn. Và những hình ảnh người dân đóng góp, đó là những bài học để chúng tôi đúc rút kinh nghiệm để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn”, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục