Thỏa thuận "đình chiến" giữa Mỹ và Trung Quốc: Lo ngại vẫn hiện hữu

05:30' - 20/05/2025
BNEWS Kênh CNBC cho biết, ngay khi các biện pháp thuế quan được chính phủ hai nước Mỹ và Trung Quốc điều chỉnh, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã nhanh chóng tăng lượng đặt hàng từ các nhà máy Trung Quốc.

Thời báo Hoàn cầu nhận định sự nới lỏng tạm thời động thái áp thuế nhập khẩu lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ tăng cường nhập khẩu hàng Trung Quốc để dự trữ. Tuy nhiên, những lo ngại về tình trạng bất ổn sau 90 ngày "đình chiến" vẫn hiện hữu, trong khi các quốc gia khác cũng đang cân nhắc chiến lược đàm phán với Mỹ. 

Bắt đầu từ 12:01 ngày 14/5 (giờ Bắc Kinh) và 00:01 cùng ngày (giờ miền Đông của Mỹ), Trung Quốc và Mỹ đã đồng thời điều chỉnh các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa của nhau. Theo tuyên bố chung từ cuộc đàm phán kinh tế thương mại Trung-Mỹ tại Geneva, Mỹ hủy bỏ 91% các mức thuế bổ sung và đình chỉ 24% “thuế quan đối ứng”, trong khi Trung Quốc cũng hủy bỏ 91% thuế quan trả đũa và đình chỉ 24% các biện pháp tương ứng.

Các doanh nghiệp Mỹ tăng cường nhập khẩu hàng để dự trữ 

Theo hãng tin AFP (Pháp), tuyên bố chung tại Geneva đánh dấu bước giảm đáng kể các mức thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, làm dịu căng thẳng thương mại tạm thời. Trang tin của kênh truyền hình CNBC (Mỹ) cho biết, ngay khi các biện pháp thuế quan được điều chỉnh, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã nhanh chóng tăng lượng đặt hàng từ các nhà máy Trung Quốc. Các nhà bán lẻ và giám đốc hậu cần Mỹ dự báo một đợt nhập khẩu tăng đột biến từ Trung Quốc. 

 
Ông Blaicher, Phó Chủ tịch ITS Logistics tiết lộ nhiều khách hàng đã chuẩn bị hàng nghìn container hàng hoá ở Trung Quốc, sẵn sàng vận chuyển chúng sang Mỹ ngay khi thuế quan được nới lỏng. CNBC nhận định các công ty vận chuyển sẽ tái phân bổ năng lực sang tuyến xuyên Thái Bình Dương, vốn bị cắt giảm trước đó. Công ty phân tích dữ liệu Xeneta dự báo giá cước vận chuyển từ Trung Quốc đến Bờ Tây Mỹ sẽ tăng 20% trong vài tuần tới. Ông Sand, chuyên gia phân tích trưởng của Xeneta, nhấn mạnh: “90 ngày tới là cơ hội tốt nhất để tích trữ hàng hóa. Mặc dù thuế quan hiện tại vẫn cao, nhưng việc quản lý rủi ro sẽ là ưu tiên hàng đầu”. 

Tờ Nikkei Asian Review cho hay, các nhà bán lẻ Mỹ, từ đồ chơi đến quần áo, đã nối lại đơn hàng với nhà cung cấp Trung Quốc ngay sau tuyên bố chung. Một chủ nhà máy ở Trung Quốc chia sẻ điện thoại của ông liên tục nhận yêu cầu giao hàng nhanh từ Mỹ. Ông Hart, Tổng Giám đốc Viahart - công ty đồ chơi giáo dục tại Texas, cho biết công ty đang cố gắng nhập tối đa hàng hoá Trung Quốc trong 90 ngày. Ông Matthew Shea, Tổng Giám đốc Liên đoàn Bán lẻ Mỹ nhận định việc điều chỉnh thuế quan mang lại sự hỗ trợ ngắn hạn cho các nhà bán lẻ Mỹ chuẩn bị hàng hóa cho kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, tránh nguy cơ kệ hàng trống vào tháng 11 tới, nếu tranh chấp thương mại Mỹ - Trung bị kéo dài. 

Một số doanh nghiệp thương mại nước ngoài của Trung Quốc cũng đã bắt đầu làm thêm giờ. Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), tại Dương Châu (Giang Tô), một doanh nghiệp đã nhận được 5 email từ khách hàng Mỹ trong một buổi sáng sớm, cũng như các đơn đặt hàng mới trị giá hơn 5 triệu nhân dân tệ (693.529,37 USD). Tại Đông Quản thuộc tỉnh Quảng Đông, do lượng hàng hóa vận chuyển đến Mỹ tăng đột biến, nhân viên của một công ty hậu cần đã phải làm việc theo cường độ “3 ca”.

Các doanh nghiệp Mỹ lo lắng về những gì sẽ xảy ra sau 90 ngày

Hãng thông tấn AFP cho biết, dù thuế quan giảm đáng kể, các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn lo ngại Washington có thể thay đổi chính sách sau 90 ngày. Bà Anna Buck, Giám đốc điều hành (CEO) một công ty đồ chơi ở Mississippi phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc, chia sẻ: “Lựa chọn duy nhất là giữ đầu óc tỉnh táo”. Với bà, 90 ngày giống như “thời gian hoãn thi hành án” do thời gian đặt hàng, sản xuất và vận chuyển kéo dài. Mặc dù lạc quan thận trọng về khả năng tiếp tục đàm phán, bà Buck vẫn lo ngại mức thuế 30% hiện tại vẫn quá cao đối với các doanh nghiệp nhỏ. Bloomberg trích lời ông Lamar, Tổng Giám đốc Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ, cảnh báo mức thuế 30% sẽ làm tăng chi phí tiêu dùng trong mùa tựu trường và Giáng sinh 2025.

Bà Swonk, nhà kinh tế trưởng của KPMG, nhấn mạnh các nhà bán lẻ và người tiêu dùng Mỹ sẽ tiếp tục chịu gánh nặng chi phí, với doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng lớn nhất do biên lợi nhuận thấp. Ông Lamar kêu gọi Chính phủ Mỹ đạt thỏa thuận dài hạn với Trung Quốc để mang lại sự ổn định. Ông Luck, Giám đốc dự án kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ, nêu rõ nếu thuế bổ sung không được hủy bỏ vĩnh viễn, Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ “suy thoái kinh tế”. Ông nói: “Doanh nghiệp Mỹ vẫn cảm thấy bất ổn khi quyết định mua hàng và đầu tư dài hạn”. 

Trang tin Newsweek của Mỹ dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, dù thời hạn 90 ngày mang lại cơ hội tích trữ hàng, nhưng tranh chấp chưa được giải quyết. Ông John Kennedy, Giám đốc dự án kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ lo ngại: “Chính sách của Mỹ có thể tiếp tục thay đổi trong những tháng tới”. 

Nhiều quốc gia đang lên kế hoạch đàm phán với Mỹ

Sau khi Trung Quốc và Mỹ đạt được sự đồng thuận tạm thời về vấn đề thuế quan và ra tuyên bố chung, các quốc gia và khu vực khác cũng đang cân nhắc về cách tiến hành đàm phán thuế quan với Mỹ. Hãng tin Reuters cho biết, ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Ủy viên Thương mại nhận định: “Căng thẳng Trung-Mỹ giảm là tín hiệu tích cực, nhưng mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa của Trung Quốc vẫn cao, làm méo mó hệ thống thương mại”.

Mạng tin tức chính trị của Mỹ đưa tin, chỉ vài giờ sau khi Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích dữ dội Liên minh châu Âu (EU). Bài báo cho biết, mặc dù EU đã nhiều lần nỗ lực đàm phán với Washington để hủy bỏ các mức thuế bổ sung nhưng vẫn chưa có đột phá nào được thực hiện. Brussels trước đó đã cảnh báo về việc áp thuế trả đũa đối với 95 tỷ euro hàng hóa của Mỹ nếu các cuộc đàm phán đi vào bế tắc.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản viết: “Sự đồng thuận về thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến ưu tiên của Mỹ trong các cuộc đàm phán với Nhật Bản giảm đi”. Theo Kyodo, có quan điểm trong Chính phủ Nhật Bản cho rằng, “các cuộc đàm phán (Nhật Bản-Mỹ) cho đến nay đã xây dựng được nền tảng, do đó việc cắt giảm thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có tác động hạn chế đến các cuộc đàm phán Nhật Bản-Mỹ trong tương lai”. 

Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng nếu cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc lắng xuống, khả năng Mỹ phải nhượng bộ Nhật Bản sẽ giảm đi. Một quan chức chính phủ cho biết: “Khả năng Nhật Bản tận dụng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc để hưởng lợi đã giảm đi” và Mỹ có thể sẽ có thái độ cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán với Nhật Bản.

Ngày 13/5, Chính phủ Ấn Độ đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dự kiến áp thuế trả đũa lên một số hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Ấn Độ để đáp trả việc nước này áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm của Ấn Độ. Bloomberg cho biết động thái này diễn ra ngay sau thỏa thuận Trung-Mỹ. Ông Goyal, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, đang có chuyến thăm Mỹ từ ngày 17-20/5 để đàm phán. Hindustan Times nhận định đây là lần đầu Ấn Độ trả đũa thuế quan Mỹ. Ông Srivastava, người sáng lập Sáng kiến Nghiên cứu Thương mại Toàn cầu tại New Delhi, cho rằng động thái này thể hiện lập trường cứng rắn của Ấn Độ trong việc bảo vệ lợi ích kinh tế theo quy tắc WTO. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục