Thỏa thuận đường sắt cao tốc Nhật – Thái gặp khó khăn

05:30' - 16/03/2018
BNEWS Việc Thái Lan và Nhật Bản không đạt thỏa thuận về triển khai dự án đường sắt không phải là điều đáng ngạc nhiên nếu xét trong bối cảnh rộng hơn của chính trị Thái Lan và chính sách đầu tư Nhật Bản.

Một chuyến tàu shinkansen tại ga JR Nagoya Station ở thành phố Nagoya, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Đây là nhận định được đăng trên tạp chí The Diplomat. Tham vọng ngoại giao của Nhật Bản để cạnh tranh với Trung Quốc trong việc duy trì vị thế của họ ở Thái Lan có nguy cơ bị đe dọa sau khi thỏa thuận về dự án đường sắt cao tốc hợp tác giữa chính phủ Nhật Bản và Thái Lan đứng trước bờ vực đổ vỡ. 

Tin tức báo chí về việc Nhật Bản từ chối lời kêu gọi đầu tư vào dự án tàu cao tốc của Thái Lan đã trở thành tâm điểm dư luận ở Bangkok, và vượt ra ngoài vấn đề này, nó có thể dẫn đến một quỹ đạo khó lường hơn đối với quan hệ song phương. Tuy nhiên, việc tập trung vào những góc độ đó đã che giấu một vấn đề cơ bản: sự trục trặc này có ý nghĩa gì đối với cả hai bên?

 Nhật Bản và Thái Lan từ lâu đã thảo luận về những cơ hội kinh doanh, trong đó Nhật Bản được mời đầu tư dự án đường sắt cao tốc theo kiểu Shinkansen từ thủ đô Bangkok đến thành phố Chiang Mai ở phía Bắc nước này. 

Thỏa thuận này được đánh giá là cách tính toán chiến lược của Nhật Bản để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Lan. Đáng chú ý là Trung Quốc cũng đang có kế hoạch tài trợ xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc từ Bangkok đến tỉnh Khorat. 

Tuy nhiên, cho đến nay, thỏa thuận Trung - Thái vẫn chưa hoàn tất, và điều đó chỉ ra một vấn đề lớn hơn, nghiêm trọng hơn liên quan đến sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với sự ổn định chính trị của Thái Lan.

 Ngày 7/2, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith đã có cuộc họp với Noriyoshi Yamagami - Phó Tổng cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản.

Tuy nhiên, những thông tin tiết lộ sau cuộc họp cho thấy Nhật Bản không muốn đáp ứng yêu cầu của Thái Lan về việc thành lập một liên doanh. Thay vào đó, Nhật Bản nhất quyết đòi Thái Lan đầu tư toàn bộ dự án, trong khi Nhật Bản sẽ cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp để hỗ trợ xây dựng.

 Theo quan điểm của Thái Lan, việc đầu tư chung với Nhật Bản là điều tốt hơn vì chính phủ quân sự Thái Lan đã phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế kể từ khi họ giành được quyền lực sau đảo chính vào năm 2014. 

Ông Arkhom thông báo với các phương tiện truyền thông rằng việc tìm kiếm đầu tư chung của Nhật Bản là một cách để giảm thiểu nợ cho chính phủ Thái Lan. Ước tính chi phí ban đầu của dự án là 13,5 tỷ USD.

 Về phần mình, Nhật Bản đã có những lý do riêng để bác bỏ đề xuất đầu tư của Thái Lan. Về mặt kỹ thuật, thiết kế của tàu cao tốc Shinkansen ở Thái Lan có thể sẽ bị thay đổi. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã chỉ thị rằng tốc độ tối đa của tàu phải giảm từ 300 km/giờ xuống còn 180 đến 200 km/giờ, chủ yếu để tiết kiệm chi phí xây dựng.

 Trong khi đó, Nhật Bản lập luận rằng sẽ không có hiệu quả về chi phí nếu đầu tư vào hệ thống tàu chậm hơn. Ngoài ra, việc bỏ một số trạm ga tàu có thể làm giảm vốn đầu tư của dự án.

Nhật Bản nhìn nhận các thay đổi này trên phương diện thua lỗ vì không thu hút được những hành khách tiềm năng sống gần những trạm bị hủy. Nói rộng hơn, Nhật Bản có thể nhận thức được rằng những thay đổi này có thể dẫn đến việc tàu Shinkansen của họ bị mất thương hiệu là một trong những tàu hỏa nhanh nhất thế giới.

 Một mối quan tâm sâu sắc khác là tình hình chính trị bất ổn đang diễn ra ở Thái Lan. Nhật Bản đã theo dõi chặt chẽ cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan và đôi khi khai thác nó vì những lợi ích riêng của họ.

Điển hình như việc Nhật Bản đã để ngỏ kênh liên lạc với chính quyền quân sự Thái Lan nhằm duy trì ảnh hưởng của họ, một phần để đối trọng lại sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng mà Trung Quốc đang cố gắng tạo dựng ở Thái Lan.

 Tuy nhiên, trong những tháng qua, "nhiệt độ" chính trị ở Thái Lan đã tăng lên. Chính phủ đã lần thứ tư hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử, gây lo lắng cho các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả Nhật Bản, về tình hình chính trị bất ổn. Việc trì hoãn cuộc bầu cử đã thúc đẩy các nhà hoạt động vì dân chủ chống lại sự trì hoãn này. 

 Vài năm trở lại đây, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu lo lắng về những bất trắc chính trị ở Thái Lan, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi vương vị. Cái gọi là mô hình Thailand + 1 đã được khởi xướng để tạo ra sự lựa chọn thay thế cho đầu tư của Nhật Bản để tránh phải phụ thuộc duy nhất vào thị trường Thái Lan. Hiện nay, Nhật Bản vẫn đang thực hiện mô hình này bằng cách tìm kiếm các địa điểm đầu tư thay thế trong khu vực.

 Chính trị đã làm phức tạp hóa dự án đường sắt này quá lâu, và có thể sẽ tiếp tục như vậy. Việc quản lý kém ngân sách quốc gia ở Thái Lan giữa những thực tế chính trị này cũng đã đặt việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên xuống vị trí thấp hơn trong danh sách ưu tiên. Trong bối cảnh rộng hơn này, việc Nhật Bản rút khỏi dự án có thể được coi là một quyết định hợp lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục