Thỏa thuận thương mại Nhật-Mỹ: Ai giành phần thắng?

05:30' - 11/10/2019
BNEWS Tiến sĩ Rajaram Panda, Nghiên cứu viên cao cấp của Quốc hội Ấn Độ, mới đây có bài phân tích trên Eurasia Review đánh giá về thỏa thuận thương mại Nhật-Mỹ.

Theo nội dung bài viết, mặc dù mối quan hệ Nhật Bản-Mỹ đã trải qua một số sóng gió trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump với trọng tâm chính sách "Nước Mỹ trên hết", nhưng không thể phủ nhận rằng khía cạnh an ninh vẫn là mối quan hệ hàng đầu. Chiếc ô hạt nhân là một khía cạnh quan trọng khác trong mối quan hệ song phương.
 Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi (trái) và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer (phải) tại cuộc gặp ở Washington, DC, Mỹ, ngày 1/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên mặt trận kinh tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tăng thuế với trọng tâm là lĩnh vực ô tô. Một số vấn đề gây tranh cãi đã được giải quyết khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ký thỏa thuận thương mại song phương quan trọng với ông Trump vào ngày 25/9 bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Tuy nhiên, các quy định của thỏa thuận đang được giải thích khác nhau ở cả hai nước.

Trong khi Chính phủ Nhật Bản hoan nghênh thỏa thuận thương mại, các nhà sản xuất ô tô lại kêu gọi các quan chức chính phủ cần làm nhiều hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp và ngành công nghiệp chủ chốt này. Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản là mục tiêu chính của Mỹ và các quan chức trong ngành hy vọng sẽ loại bỏ thuế quan tự động, nhưng Nhật Bản chỉ có thể giữ chúng ở mức 2,5% và một lời hứa sẽ không áp mức thuế cao hơn đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ. Thỏa thuận thương mại còn bao gồm các vấn đề nông nghiệp, công nghiệp và kỹ thuật số.

Tổng thống Trump không hài lòng khi Mỹ có thâm hụt thương mại với Nhật Bản rất lớn và do đó ông Trump đã đe dọa mức thuế cao hơn cùng sử dụng các biện pháp khác. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu vào năm 2018, sau khi ông Trump chỉ trích Nhật Bản về vấn đề này. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô không hài lòng về cách thức đàm phán.

Chủ tịch tập đoàn ô tô Toyota, Akio Toyoda, người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã gặp Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Isshu Sugawara và các quan chức hàng đầu phàn nàn về môi trường kinh doanh khắc nghiệt, trong khi ngành ô tô phải đối mặt với thách thức cực kỳ khó khăn trước việc đồng yen tăng giá, những tác động có thể từ việc gia tăng thuế bán hàng sắp tới và những bất ổn khác.

Ông Sugawara đã thúc giục Chính phủ thấu hiểu tình hình nghiêm trọng và hỗ trợ thêm để giúp ngành công nghiệp ô tô tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển như một ngành công nghiệp chiến lược. Mặc dù vậy, ông Sugawara vẫn cảm thấy rằng thỏa thuận này sẽ giúp đảm bảo thương mại tự do, công bằng và thúc đẩy môi trường thuận lợi trong lĩnh vực ô tô và phụ tùng ô tô giữa hai nước.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, là mục tiêu của Tổng thống Trump kể từ khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017 nhằm thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương. Theo số liệu của Mỹ, sự mất cân bằng thương mại kéo dài nhiều năm đã tăng vọt lên 67,6 tỷ USD vào năm 2018, điều mà ông Trump muốn điều chỉnh.

Do đó, Tổng thống Trump đã tìm kiếm thỏa thuận để giảm thâm hụt thương mại với Nhật Bản, đòi hỏi tiếp cận thị trường lớn hơn đối với thịt bò, thịt lợn, lúa mỳ và các sản phẩm sữa của Mỹ. Nông dân Mỹ đã gặp bất lợi ở thị trường Nhật Bản khi các hiệp định thương mại gần đây giúp hạ thuế quan Nhật Bản đối với hàng nhập khẩu từ các nước thành viên.

Mặc dù hai bên đã đạt được thỏa thuận cơ bản vào cuối tháng Tám, nhưng ô tô vẫn là một điểm gây tranh cãi lớn. Nhật Bản lo ngại Tổng thống Trump có thể áp thuế quan mới đối với ô tô, vốn chiếm một lượng đáng kể xuất khẩu sang Mỹ. Nhật Bản cũng đã thúc đẩy để loại bỏ mức thuế ô tô và phụ tùng 2,5% hiện nay. Theo Thủ tướng Abe, ông đã hỏi ông Trump và giành được sự trấn an rằng thỏa thuận này không cho phép tăng thêm thuế quan tự động.

 Trong khi đó, phản ứng của Phòng Thương mại Mỹ về thỏa thuận trên vừa tích cực vừa tiêu cực, vừa ca ngợi thỏa thuận thương mại, nhưng lại muốn đòi hỏi nhiều hơn nữa. Phòng Thương mại Mỹ cũng muốn có một thỏa thuận toàn diện bao gồm các dịch vụ và các rào cản pháp lý. Trong khi thừa nhận rằng thỏa thuận sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy doanh số bán hàng ở cả hai bờ Thái Bình Dương, song Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant đặt hy vọng nhiều hơn nữa. Phòng kêu gọi Chính quyền giữ vững cam kết đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện, tiêu chuẩn cao với Nhật Bản nhằm giải quyết đầy đủ các ưu tiên thương mại, bao gồm dịch vụ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và các rào cản pháp lý đối với thương mại.

Trên một số góc độ, thỏa thuận này có thể coi là một chiến thắng cho Tổng thống Trump và thể hiện chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết", đồng thời tìm cách xoa dịu những người nông dân Mỹ đang phải gánh chịu những tác độnng từ việc ông Trump rút Mỹ khỏi TPP. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng nên vui mừng vì Nhật Bản thoát khỏi mối đe dọa về thuế quan tự động cao hơn mà ông Trump có thể áp đặt vì lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Tokyo đã thất bại trong việc bảo đảm việc loại bỏ các khoản thuế hiện có của Mỹ đối với ô tô và phụ tùng ô tô của Nhật Bản, một thỏa thuận mà họ đã đạt được theo TPP.

Thỏa thuận sẽ mở ra thị trường mới cho 7,2 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ, trong đó có lúa mỳ, lúa mạch, thịt bò và thịt lợn. Tổng thống Trump tuyên bố đây là một chiến thắng lớn đối với nông dân, chủ trang trại và người trồng trọt Mỹ. Ông cam kết sẽ tiếp tục đàm phán với Nhật Bản về một thỏa thuận toàn diện, bao gồm cả thương mại dịch vụ.

Thỏa thuận này được hiểu là một đề xuất có lợi cho cả hai bên. Một tuyên bố chung có chữ ký của hai nhà lãnh đạo lưu ý rằng thỏa thuận sẽ tăng cường mạnh mẽ thương mại song phương, ổn định và cùng có lợi giữa hai quốc gia. Sau khi các thủ tục trong nước được hoàn thành, thỏa thuận dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2020.

Nông dân Mỹ, những người cảm thấy thiệt thòi so với các đối thủ nước ngoài do khuôn khổ đa đảng, bao gồm TPP sửa đổi, có tên gọi là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hy vọng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế đối với thịt bò và thịt lợn của Mỹ. Trong khi đó, người tiêu dùng Nhật Bản sẽ có quyền tiếp cận thịt, lúa mỳ, rượu vang và các sản phẩm khác có giá rẻ hơn của Mỹ được nhập khẩu theo thỏa thuận thương mại. Mỹ giảm thuế nhập khẩu đối với 40 triệu USD hàng nông sản của Nhật Bản và nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu miễn thuế đối với thịt bò của nước này.

Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu thịt bò Mỹ ngay lập tức từ 38,5%, hiện được tính xuống 26,6%, đặt mức ngang bằng với Australia và các thành viên khác trong CPTPP. Thuế quan đối với nhập khẩu thịt bò Mỹ có thể sẽ được giảm thêm trong các giai đoạn xuống còn 9%. Thuế quan tự động đã được chú ý trong các cuộc đàm phán song phương, vì cả hai quốc gia đều có ngành công nghiệp xe hơi lớn, với xuất khẩu ô tô chiếm khoảng 1/3 thương mại Nhật Bản với Mỹ.

Thủ tướng Abe có những ràng buộc trong nước của riêng mình và không thể đơn phương chấp thuận bất kỳ yêu cầu nào của Tổng thống Trump. Nhật Bản bị hạn chế cam kết nhượng bộ lớn hơn so với những thỏa thuận thương mại tự do hiện có, vì họ đấu tranh để bảo vệ lợi ích của nông dân trong nước. Nhật Bản dường như đã giành được những nhượng bộ của Mỹ đối với gạo, một lĩnh vực nhạy cảm về chính trị đối với đất nước này, trong việc không đưa ra hạn ngạch miễn thuế đối với gạo Mỹ.

Báo chí Nhật Bản vẫn có chỉ trích về thỏa thuận mà Thủ tướng Abe đạt được với Tổng thống Trump. Ví dụ, tờ Mainichi Nhật Bản trong một bài xã luận cho rằng thỏa thuận thương mại không phải là một điều có lợi, vì nội dung của thỏa thuận còn cách xa để coi đó là chiến thắng của Nhật Bản. Bài xã luận quan sát rằng Nhật Bản đồng ý giảm thuế đối với thịt bò và thịt lợn của Mỹ xuống mức tương tự như trong TPP, mặc dù Mỹ đã rút khỏi Hiệp định đó, và coi như một chiến thắng lớn đối với nông dân và người trồng trọt của Mỹ.

Tổng thống Trump đang ưu tiên chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020, vì ông biết rằng các trang trại và nhà máy ô tô tập trung ở các bang có xu hướng tiến hành bầu cử. Vào tháng 9/2018 khi các cuộc đàm phán bắt đầu và ông Trump đã quá vội vàng để giành được thỏa thuận có lợi cho Mỹ. Với những động thái chính sách khó lường của Tổng thống Trump, nguy cơ thuế quan bổ sung không hoàn toàn được loại bỏ.

Ngay cả tờ Asahi Shimbun trong một bài xã luận cũng bày tỏ nghi ngờ về những gì cảm thấy từ một thỏa thuận thương mại một chiều và sự từ chối chấp nhận yêu cầu của Thủ tướng Abe rằng đó là một thỏa thuận giành chiến thắng trong một trận đấu.

Thủ tướng Abe có thể suy luận từ tuyên bố chung rằng cả hai quốc gia sẽ không áp dụng các biện pháp chống lại tinh thần của các điều khoản trong thỏa thuận. Điều này có thể khiến ông nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump sẽ không áp dụng thuế quan bổ sung đối với ô tô Nhật Bản và các sản phẩm liên quan. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng ông Trump sẽ tôn trọng tinh thần đó như một đoạn tương tự đã được đưa vào một tuyên bố chung cả hai bên đã ký một năm trước. Thủ tướng Abe sẽ gặp khó khăn trong việc giải thích tác động của thỏa thuận thương mại đối với người dân Nhật Bản, các trang trại và cộng đồng doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục