900 tỷ đồng vốn ưu đãi cho vay hơn 26.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách

22:09' - 21/01/2021
BNEWS Hơn 26 nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi là thông tin được chia sẻ tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình diễn ra chiều 21/1.

Ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh nhận định, hoạt động tín dụng chính sách của ngân hàng trong năm qua đã góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội cần đẩy mạnh hoạt động nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách giai đoạn 2021-2025; tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả chính sách tín dụng trên địa bàn; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách tín dụng.

Mục tiêu là đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu được vay vốn. Các đoàn thể nhận ủy thác cần thực hiện nghiêm hợp đồng ủy thác đã ký với ngân hàng chính sách xã hội tỉnh - ông Thìn nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Đức Cường - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết, năm 2020, trước tác động của dịch COVID-19, ngân hàng đã được UBND tỉnh bổ sung thêm 10 tỷ đồng, 3/8 huyện, thành phố trong tỉnh bổ sung thêm 1,7 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn UBND các cấp ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội trong năm lên 38,7 tỷ đồng đạt 258% kế hoạch tăng trưởng năm 2020.

Cùng đó, doanh số cho vay đạt gần 900 tỷ đồng với trên 26 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ đến cuối năm 2020 đạt trên 2,6 nghìn tỷ đồng.

Thời gian tới, Ngân hàng chính sách xã hội sẽ phân bổ kịp thời nguồn vốn và thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2021; tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là với hoạt động giao dịch xã trên địa bàn phụ trách của các thành viên Ban đại điện; kịp thời phát hiện những sai sót để chỉnh sửa, khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban giảm nghèo xã, phường, thị trấn, tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như hiệu quả sử dụng vốn của hộ vay, đảm bảo an toàn nguồn vốn của nhà nước.

Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của tỉnh, giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,57% cuối năm 2019 xuống còn 1,87% cuối năm 2020; thu hút và tạo việc làm cho trên 3 nghìn lao động, đầu tư cho gần 1 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; đầu tư xây dựng, sửa chữa gần 30 nghìn công trình hợp vệ sinh và công trình nước sạch.

Đặc biệt, hoạt động tín dụng này đã góp phần giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn; giảm thiểu bất ổn xã hội, tạo niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương. 

Tại hội nghị, ông Lương Văn Tuấn - Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình đề xuất, đối với một số chương trình cho vay đã hết thời hạn và một số chương trình cho vay mới, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cần lên kế hoạch triển khai để các đơn vị phối hợp; đồng thời, tuyên truyền để người dân nắm được và có kế hoạch vay vốn; triển khai, áp dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng các điểm giao dịch./.

>>>Vốn tín dụng chính sách giúp trên 3.000 hộ thoát nghèo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục