Thời cơ vàng cho doanh nghiệp công nghệ

13:54' - 10/04/2021
BNEWS Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số được nhận định là “thời cơ vàng” cho các công ty công nghệ như Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT).

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số được nhận định là “thời cơ vàng” cho các công ty công nghệ như Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT). Ảnh: FPT

Tổng Giám đốc FPT, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết, dịch bệnh COVID-19 đặt ra thách thức chưa từng có cho các doanh nghiệp, nhưng lại là cơ hội rất lớn bởi tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia đều thực hiện chuyển đổi số.
Theo dự báo của IDC - Hãng cung cấp dữ liệu thị trường về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, đầu tư vào chuyển đổi số vẫn đang tăng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) dự báo đạt 15,5% trong giai đoạn 2020 - 2023 và dự kiến sẽ đạt 6.800 tỷ USD khi nhiều công ty đang tận dụng các chiến lược đầu tư hiện có với sự trợ giúp của công nghệ để trở thành doanh nghiệp số tương lai.
IDC cũng đưa ra dự báo, tới năm 2022, có tới 65% GDP toàn cầu sẽ đến từ số hóa. Cuối năm 2022, có 70% các tổ chức và doanh nghiệp sẽ tăng tốc chuyển đổi số, nhằm chuyển đổi quy trình hoạt động hiện tại để tăng cường tương tác với khách hàng, cải thiện năng suất lao động và nâng cao năng lực phục hồi của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, việc triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 trên phạm vi toàn cầu sẽ góp phần củng cố sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam cũng như quốc tế trong thời gian tới đây, kéo theo chỉ báo tăng trưởng cho ngành công nghệ thông tin.
Theo dự báo của Fitch Solutions - đơn vị nghiên cứu vĩ mô và là công ty liên kết của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings, thị trường công nghệ thông tin Việt Nam bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin, phần mềm, phần cứng và thiết bị sẽ tăng trưởng khoảng 17% vào năm 2021, đạt 7,3 tỷ USD. Việc ứng dụng các dịch vụ phần mềm và cơ sở hạ tầng đám mây sẽ là một xu hướng nở rộ.
Trước những nhận định đầy khả quan của ngành công nghệ thông tin, năm 2021, FPT cũng tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng bền vững với doanh thu tăng 16,4 % và lợi nhuận trước thuế tăng 18 %; đồng thời tiếp tục đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức 20% trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Đây cũng là mức tăng trưởng bền vững FPT mong muốn duy trì trong dài hạn, đặc biệt khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên số, thời cơ vàng cho các công ty công nghệ như FPT, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT nhận định.
Nhận thấy cơ hội lớn từ chuyển đổi số, lãnh đạo FPT khẳng định sẽ tiếp tục theo đổi mục tiêu dài hạn Top 50 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030.
Đồng thời, FPT xác định chuyển đổi số tiếp tục là trọng tâm trong chu kỳ phát triển tiếp theo và hứa hẹn mang về nguồn thu bền vững trong dài hạn.
Chiến lược này được xây dựng dựa trên tiềm năng rộng lớn của thị trường chuyển đổi số toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, cũng như những thế mạnh khác biệt và kết quả tăng trưởng của FPT trong năm 2020.
Năm 2020, dịch vụ chuyển đổi số mang về cho FPT 3.219 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 31% so với năm 2019. Năm 2021, doanh nghiệp tiếp tục tập trung cung cấp các giải pháp công nghệ mới, chuyển đổi số toàn diện với mục tiêu thách thức tăng trưởng 50%. Đồng thời, chú trọng phát triển các giải pháp Made by FPT, với tăng trưởng doanh thu đặt 50% và có thêm ít nhất 10 sản phẩm, giải pháp mới mỗi năm.
Dù vậy, giới đầu tư cho rằng, doanh thu chuyển đổi số của FPT chủ yếu là thị trường nước ngoài, doanh thu chuyển đổi số ở Việt Nam còn thấp.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng giám đốc FPT cho biết, doanh thu chuyển đổi số  của FPT chủ yếu đến từ nước ngoài, thị trường trong nước trong năm vừa qua mức độ quan tâm cao lên nhưng để hiện thực hóa thành những hợp đồng ghi nhận doanh thu vẫn cần phải có thời gian.
Do đó, ghi nhận doanh thu chuyển đổi số cho thị trường trong nước vẫn còn khiêm tốn. Năm nay, FPT vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu chuyển đổi số từ 30-40%, chủ yếu từ thị trường nước ngoài.
Đối với thị trường trong nước, FPT vẫn đang đẩy mạnh làm việc với các công ty VNR 500 (Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam). Theo ông Phương, mức độ chi tiêu cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các doanh nghiệp này đang cao hơn bao giờ hết sau đại dịch.
Ông Phương thông tin, FPT đã triển khai thành công tư vấn chuyển đổi số cho Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tuy giá trị hợp đồng không lớn nhưng đây là thành công bước đầu, đánh dấu mốc quan trọng tư vấn liên quan đến chuyển đối số cho một doanh nghiệp được coi là “vua” trong lĩnh vực tôm của Việt Nam.
Đối với hợp đồng lớn quy mô trên trăm triệu USD ở thị trường nước ngoài. Chẳng hạn như hợp đồng tại thị trường Mỹ, ông Phương cho biết, FPT dự kiến mỗi năm ghi nhận khoảng 40-50 triệu USD, doanh số 150 triệu USD, mức doanh thu này có thể kéo dài khoảng 3 năm.
Chuyển đổi số là xu hướng của thế giới, là cơ hội rõ ràng đối với FPT, xong cũng không ít thách thức từ các đối thủ cạnh tranh lớn. Giới đầu tư từng lo ngại và đặt câu hỏi với ban lãnh đạo FPT về  lợi thế cạnh tranh của FPT với các công ty cùng ngành đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, những rủi ro cho mảng kinh doanh này.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, ông Trương Gia Bình cho biết, Trung Quốc những năm gần đây tập trung phát triển lĩnh vực chuyển đổi số ở trong nước, cho nên ông không thấy hiện diện của các tập đoàn Trung Quốc tại thị trường quốc tế. Trung Quốc có lợi thế đối với đối với thị trường Nhật Bản, nhưng chính phủ Nhật đã nhiều năm đưa ra chính sách chính sách “China plus One” (Trung Quốc + 1).
Vậy thì chỉ còn lại các công ty công nghệ của Ấn Độ, mà cái khó của các công ty Ấn độ là do quy mô lớn nên họ phải duy trì doanh thu lớn và khó tập trung thực hiện mảng chuyển đổi số, do mảng chuyển đổi số có giá trị hợp đồng thực hiện không lớn.
“Dù gì thì chuyển đổi số vẫn là lĩnh vực khá mới, cho nên tất cả các tập đoàn trên thế giới không thể ký những hợp đồng hàng tỷ USD. Trong khi đó, FPT có những lợi thế riêng và có thể tập trung để thực hiện mảng chuyển đổi số”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT nói.
Không những thực hiện chuyển đổi số cho các doanh nghiệp khác. Đối với các dự án chuyển đổi số nội bộ đã giúp FPT tiết kiệm 170 tỷ đồng chi phí, hỗ trợ việc điều hành với các báo cáo được trích xuất theo thời gian thực, giúp giảm 98% thời gian thực hiện các báo cáo so với trước đây.
Chuyển đổi số nội bộ còn giúp tăng năng suất lao động cho FPT. Đơn cử, lĩnh vực dịch vụ viễn thông tăng 25% năng suất lao động của đội ngũ kỹ thuật viên chăm sóc khách hàng.
Chuyển đổi số giúp giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc, đơn cử tỷ lệ nhân viên nghỉ việ trong mảng dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài giảm từ 27,2% trong năm 2019 xuống còn 17,5% trong năm 2020.
Theo FPT, trong năm 2020, doanh nghiệp này đã có 31 dự án chuyển đổi số nội bộ liên quan đến tự động hóa, số hóa quy trình nghiệp vụ; quản lý chăm sóc khách hàng; quản lý nhân sự…. được triển khai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục