Thời điểm mắc COVID-19 có thể là yếu tố khiến các triệu chứng kéo dài

16:09' - 23/03/2022
BNEWS Thời điểm mắc COVID-19 có thể là một yếu tố khiến một số người gặp phải những triệu chứng dai dẳng hậu COVID-19.

Đây là kết quả nghiên cứu REACT-LC của Đại học Imperial College London (Anh) sắp được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Các nhà nghiên cứu tin rằng việc mắc COVID-19 vào những tháng mùa Đông lạnh có thể là một yếu tố khiến một số triệu chứng kéo dài. Từ đó, nghiên cứu cho rằng nhiều người có thể tránh được hội chứng COVID-19 kéo dài nếu mắc bệnh vào những tháng ấm hơn trong năm.

 

Nghiên cứu dựa trên kết quả cuộc thăm dò thứ nhất được tiến hành từ tháng 9/2020-2/2021 đối với 508.000 người Anh cho thấy 37% trong số những người báo cáo đã mắc COVID-19 có ít nhất một triệu chứng kéo dài 12 tuần sau khi phát hiện mắc bệnh.

Số liệu mới được thu thập thêm từ 100.000 người Anh tham gia nghiên cứu REACT-LC trong tháng 5/2021 cho thấy tỷ lệ này giảm xuống còn 22%. Các tác giả nghiên cứu đặt ra giả thuyết rằng hoạt động giao tiếp xã hội và thể dục ngoài trời trong điều kiện thời tiết ấm hơn giúp tăng khả năng phục hồi, tránh hội chứng COVID-19 kéo dài.

Tác giả nghiên cứu, Giáo sư Helen Ward cho biết triệu chứng được báo cáo phổ biến nhất là mệt mỏi, đồng thời lưu ý những người từng mắc COVID-19 có những triệu chứng bị ảnh hưởng theo mùa. Nghiên cứu cũng cho thấy so với nam giới, phụ nữ có nguy cơ bị ảnh hưởng lâu dài của COVID cao hơn 38% dù ít có nguy cơ biến chứng nặng hơn trong lần mắc đầu tiên.

Kết quả phân tích chi tiết phát hiện ra rằng những triệu chứng kéo dài ít nhất 12 tuần có xu hướng đi theo nhóm. Nhóm thứ nhất gồm những bệnh nhân mắc các triệu chứng hô hấp kéo dài như tức ngực và hụt hơi, khó thở. Nhóm thứ hai có xu hướng mệt mỏi, đau cơ và đau khớp cũng như mất ngủ.

Theo các nhà nghiên cứu, với đa số những người mắc COVID-19, các triệu chứng sẽ giảm dần trong tháng đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bất kỳ triệu chứng nào kéo dài trong 12 tuần, triệu chứng đó sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng. Theo tác giả Ward, điều này cho thấy bệnh nhân đang mắc một số bệnh mãn tính nào đó.

Cuộc thăm dò ban đầu được tiến hành giữa lúc đại dịch lên đến đỉnh điểm khi các biện pháp giãn cách được áp đặt và nhiều người ở nhà. Không loại trừ khả năng kết quả cuộc thăm dò sau đó cho kết quả khác là do mọi người quên đi các triệu chứng kéo dài.

Theo Giáo sư Ward, đa số các ca mắc được ghi nhận từ trước năm 2020, do đó có thể có sai số khi nhớ lại. Ít nhất 50% dân số nước Anh bị cho là mắc COVID-19 có triệu chứng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục