Thời tiết từ tháng 10 đến hết năm 2020 sẽ có những diễn biến phức tạp

22:00' - 23/09/2020
BNEWS Các nghiên cứu chỉ ra rằng, dưới tác động của hiện tượng La Nina quay trở lại, từ tháng 10 đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021, thời tiết các khu vực ở nước ta sẽ có những diễn biến khá phức tạp.

Dự báo từ ngày 24/9-3/10, các khu vực trên cả nước đều có mưa rào và dông rải rác; cục bộ có nơi có mưa vừa, mưa to (mưa tập trung chính vào đêm và sáng). Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Bắt đầu từ tháng 10 cho đến hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.

Trước diễn biến thời tiết phức tạp, các nghiên cứu chỉ ra rằng khi trạng thái khí quyển chuyển sang pha La Nina thì phía Tây Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam xảy ra mưa bão và lũ lụt nhiều hơn so với bình thường, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia về vấn đề này.

Phóng viên: Khi trạng thái khí quyển chuyển sang pha La Nina thì phía Tây Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam xảy ra mưa bão và lũ lụt nhiều hơn so với bình thường. Vậy dự báo thực tế từ nay đến cuối năm về tình hình mưa bão và lũ lụt sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông

Ông Nguyễn Đức Hòa: Hiện tại, ENSO đang chuyển dần sang trạng thái La Nina với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO 3.4 thấp hơn so với trung bình 1,0 độ C trong tuần giữa tháng 9/2020, giảm 0,3 độ C so với tuần đầu tháng 9/2020.

Dự báo, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương (khu vực NINO 3.4) tiếp tục lạnh hơn và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 với xác suất xảy ra khoảng 65-75%, nhưng có cường độ yếu và ít có khả năng kéo dài.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, dưới tác động của hiện tượng La Nina quay trở lại, từ tháng 10 đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021, thời tiết các khu vực ở nước ta sẽ có những diễn biến khá phức tạp. Thực tế, trong các năm La Nina, không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm, nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nhiều hơn so với bình thường và mùa bão thường kéo dài về những tháng cuối năm.

Mưa có xu hướng gia tăng hơn so với trung bình nhiều năm ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ, đáng lưu ý khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong thời kỳ mùa khô khi chịu tác động của La Nina thường xuất hiện nhiều mưa trái mùa hơn.

Dự báo thời tiết, từ tháng 10 cho tới hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.

Trong tháng đầu năm 2021 vẫn có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Chú ý đề phòng các đợt mưa lớn, đặc biệt lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực Trung Bộ, đặc biệt khu vực Trung và Nam Trung Bộ trong các tháng 10 và tháng 11/2020.

Trong những tháng mùa khô 2020-2021, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.

Phóng viên: La Nina sẽ tác động đến nền nhiệt của mùa đông nước ta như thế nào  và dự báo mùa đông 2020 của Việt Nam sẽ như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hòa: Trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phân bố không đồng đều trong các tháng, cụ thể: Từ tháng 10-12/2020 và từ tháng 1-3/2021 nhiệt độ phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Riêng tháng 11/2020 và tháng 12/2020, nhiệt độ toàn quốc phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5-1,0 độ C.

Không khí lạnh có khả năng ảnh hưởng sớm, nền nhiệt trung bình mùa Đông năm 2020-2021 có xu hướng thấp hơn so với mùa Đông năm 2019-2020. Trước dự báo về tình hình thời tiết nguy hiểm hiện nay sẽ không có những giá trị kỷ lục, tuy nhiên, khi hiện tượng thời tiết bất thường, mang tính kỷ lục xảy ra sẽ được cảnh báo, bởi hiện nay không thể dự báo trong giai đoạn quá xa bởi mức độ sai số rất lớn trong dự báo hạn.

Xét về dự báo xu thế cũng chỉ đạt mức độ chính xác khoảng 65-70% đối với dự báo tháng và khoảng 60-65% đối với dự báo mùa đến 6 tháng. Do vậy những hiện tượng thời tiết bất thường như rét đậm - rét hại, nhiệt độ thấp nhất chỉ dự báo trước được trong khoảng 10 ngày, còn dự báo, cảnh báo tuyết cũng chỉ có thể cảnh báo trước được khoảng 1-3 ngày.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục