Thời trang hàng hiệu đổ bộ vào thị trường Việt Nam

16:12' - 20/02/2017
BNEWS H&M, Zara, Uniqlo...- những thương hiệu thời trang bình dân nước ngoài nhưng được người tiêu dùng Việt ưa chuộng, đang có kế hoạch xâm chiếm thị trường Việt Nam bằng cách mở những cửa hàng chính thức.

Zara - thương hiệu thời trang bình dân của Tây Ban Nha mở cửa hiệu đầu tiên hồi tháng 9 năm ngoái tại Việt Nam đã tạo nên một cơn sốt không hề nhỏ trong giới thời trang Việt Nam. Thương hiệu này chọn TP Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên đặt cửa hiệu và ngay trong những ngày đầu tiên bán hàng, rất đông khách đã xếp hàng chờ đến lượt mua. Nhiều ngôi sao giải trí Việt Nam cũng đến "săn đồ" càng khiến cơn sốt trở nên nóng hơn.

Các thương hiệu thời trang nước ngoài ngày càng được giới trẻ Việt ưa chuộng. Ảnh minh họa.

Mức giá các sản phẩm của Zara trong khoảng 80 - 100 USD, khá phù hợp với thu nhập của người Việt. Nhiều sản phẩm chỉ tương đương hoặc rẻ hơn giá hàng Trung Quốc trong nước hay hàng Việt Nam có thương hiệu.
Sự xuất hiện của cửa hàng Zara đầu tiên ở Việt Nam đã đáp ứng đúng nhu cầu của người dân Việt Nam khi trước nay, họ phải mua hàng Zara xách tay qua các shop bán hàng online thay vì được mua sắm trực tiếp. Nay được trực tiếp chọn đồ, thử và mua với giá gốc, người tiêu dùng chắc hẳn sẽ phấn khích hơn.
Không chỉ Zara mà các dòng thời trang bình dân khác như Uniqlo (Nhật Bản), H&M (Thụy Điển) cũng được người Việt rất chuộng. Các shop bán hàng thời trang online bùng nổ thường gian qua cũng là nhờ nhận được nhiều đơn hàng (order) của người tiêu dùng Việt.
Lý giải việc nhiều người Việt mê thời trang hàng ngoại bình dân, chị Linh, chủ một shop online chuyên nhận đặt hàng Zara, Mango qua Facebook cho biết, một chiếc áo phông mác hàng Zara hay Mango giá đặt về Việt Nam trên dưới 200.000 đồng gồm cả chi phí vận chuyển, công đặt, rẻ hơn nhiều hàng Trung Quốc bán ở các shop thời trang.
Bên cạnh vấn đề giá cả thì tính độc đáo và hấp dẫn của món hàng cũng khiến người Việt, đặc biệt là giới trẻ mê mẩn dòng thời trang bình dân của nước ngoài. Anh Văn Hào, một bạn trẻ tại Hà Nội cho biết, những dòng thời trang của châu Âu rất quan tâm ứng dụng các xu hướng thời trang của thế giới. Do đó, các sản phẩm rất thời thượng, hợp "mốt", không cầu kì, đơn giản nhưng trẻ trung, hiện đại.
Trong khi đó, dòng sản phẩm của Uniqlo (Nhật Bản), tuy không chạy theo các xu hướng thời trang nhưng lại thiên về tính tiện dụng, đi vào các dòng sản phẩm cơ bản như quần jeans, áo phông. Một số dòng sản phẩm mang tính sáng tạo của hãng như áo giữ nhiệt, áo lông vũ siêu nhẹ, chống thấm nước... rất được ưa chuộng tại Việt Nam.
Anh Tuấn Cường, một du học sinh Việt Nam tại Nhật cho biết, Uniqlo ở Nhật chỉ là dòng thời trang bình dân. "Không hiểu sao ở Việt Nam mọi người lại ưa chuộng vậy?", anh Cường thắc mắc.
Giải thích điều này, chị Phương Thu, người chuyên bán hàng Uniqlo online cho biết, hàng Uniqlo có nhiều phân khúc giá. Áo phông, sơ mi khoảng 300-400 nghìn đồng, tương đương với hàng trong nước. Còn các dòng sản phẩm áo khoác, lông vũ thì có giá trên 1 triệu đồng/sản phẩm. Giá cao hơn nhưng cũng chất lượng hơn. Hãng thường xuyên nghiên cứu các công nghệ mới để ứng dụng vào sản phẩm. Chẳng hạn như dòng sản phẩm lông vũ siêu nhẹ, chống thấm nước khó có hãng nào trong nước cạnh tranh được.
Chính những lý do trên đã khiến các dòng sản phẩm bình dân ở nước ngoài nhưng lại rất được ưa chuộng ở Việt Nam như vậy. Nắm bắt cơ hội này, các hãng thời trang ngoại đang có kế hoạch tổng tấn công thị trường Việt Nam.
Zara, sau thành công của cửa hàng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh đang có ý định mở thêm các cửa hàng khác, tuy nhiên hãng vẫn còn khá úp mở thông tin này. Trong khi đó, thương hiệu H&M (Tây Ban Nha) đã xác nhận thông tin mở cửa hàng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, sau đó là 2 cửa hàng tại Hà Nội trong năm 2017. Hãng Uniqlo (Nhật Bản) cũng lấp lửng về việc sẽ chính thức mở cửa hàng tại thị trường Việt Nam.
Nếu cuộc đổ bộ này diễn ra nhanh chóng và rộng khắp, các thương hiệu thời trang trong nước chắc chắn sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt. Và điều đó sẽ đặt ra yêu cầu với thời trang Việt Nam phải không ngừng cải tiến chất lượng và mẫu mã nếu không muốn thua ngay trên sân nhà và để thị phần rơi vào tay đối thủ ngoại.

>>> Triệt phá đường dây trộm cắp, tiêu thụ hàng trăm đôi giày hàng hiệu

>>> Mua bán hàng hiệu phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục