Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT

14:11' - 14/06/2019
BNEWS Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, với 92,56% đại biểu tán thành.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế biểu quyết. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Sáng 14/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, với 92,56% đại biểu tán thành. Luật gồm 4 điều.

Theo đó, tại Điều 1 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật quy định dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: Tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Đánh giá rủi ro bảo hiểm là hoạt động nhận diện, phân loại, đánh giá tính chất và mức độ rủi ro, đánh giá việc quản trị rủi ro về con người, tài sản, trách nhiệm dân sự, làm cơ sở tham gia bảo hiểm. Giám định tổn thất bảo hiểm là hoạt động xác định hiện trạng, nguyên nhân, mức độ tổn thất, tính toán phân bổ trách nhiệm bồi thường tổn thất làm cơ sở giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Luật cũng quy định, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm thông qua hoạt động nghiệp vụ, tình hình tài chính, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; áp dụng các biện pháp cần thiết để doanh nghiệp bảo hiểm bảo đảm các yêu cầu về tài chính và thực hiện những cam kết với bên mua bảo hiểm.

Giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thông qua việc chấp hành quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới.

Tại Điều 2 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật quy định, quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này, hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này, hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về quy định chuyển tiếp, Luật quy định, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực, cá nhân, tổ chức đang cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo quy định của Luật. Trường hợp sau 1 năm không đáp ứng các quy định về điều kiện thì cá nhân, tổ chức không được tiếp tục cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện.

Các đơn đăng ký sáng chế, chỉ dẫn địa lý nộp trước ngày 14/1/2019 được tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12. Các hợp đồng sử dụng nhãn hiệu đã ký kết giữa các bên nhưng chưa được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trước ngày 14/1/2019 chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba kể từ ngày 14/1/2019.

Các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý trước ngày 14/1/2019 nhưng chưa giải quyết xong thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 để giải quyết.

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm, pháp luật các nước quy định không giống nhau về độ tuổi của cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Do đó, để bảo đảm tiêu chuẩn thống nhất đối với cá nhân trong và ngoài nước khi tham gia cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm ở nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế, đề nghị Quốc hội cho quy định cả hai điều kiện về độ tuổi và năng lực hành vi dân sự.

Đối với yêu cầu về trình độ chuyên môn của cá nhân cung cấp dịch vụ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tư vấn bảo hiểm với tư cách là một dịch vụ phụ trợ bảo hiểm độc lập có sự khác biệt so với việc tư vấn bán sản phẩm bảo hiểm do đại lý bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện theo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, liên quan tới những vấn đề phức tạp như quản trị rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất…, do đó đòi hỏi cá nhân cung cấp dịch vụ phải có trình độ chuyên môn cao.

Về điều kiện đối với tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc quy định tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải có tư cách pháp nhân là cần thiết để tạo cơ sở cho việc kiểm soát năng lực tài chính của tổ chức này và bảo đảm sự độc lập về tài chính để thực hiện các trách nhiệm phát sinh. Do đó, đề nghị Quốc hội cho phép quy định như trong dự thảo Luật./.

>> Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo: Cơ hội chỉ đến với những người có chuẩn bị

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục