Thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa

11:41' - 16/06/2022
BNEWS Sáng 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa với 477/480 đại biểu tán thành, chiếm 95,78% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

 

Theo đó, Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định tại khoản 4 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14) và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% quy định tại các điểm b, c, d, g, h, i và q khoản 1 Điều 35 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14 so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.

Tỉnh Khánh Hòa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho Tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tỉnh được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 (không áp dụng quy định tại khoản 16 Điều 5 của Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 1/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022) khi xây dựng dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh hòa quyết định cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Về quản lý đất đai, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển mục đích sử dụng và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Việc thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm được quy định: Đối với dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị, khu dân cư nông thôn mới; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và có quy mô từ 300 ha trở lên, căn cứ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành danh mục các dự án được tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản này.

Căn cứ danh mục dự án quy định tại điểm a khoản này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai ban hành thông báo tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất. 

Thông báo tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất được gửi đến từng người sử dụng đất và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư.

Trên cơ sở thông báo tại điểm b khoản này, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về đất đai được phép triển khai việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất.

ANgười sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai ban hành thông báo thu hồi đất và sử dụng kết quả điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản này để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quyết định thu hồi đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định sử dụng ngân sách địa phương thực hiện các nội dung quy định tại điểm c khoản này và ban hành trình tự, thủ tục thực hiện quy định tại khoản này.

Đáng chú ý, đối với phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa, về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh quản lý, trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh giao khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản trên biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư trong nước trong khu vực biển ngoài 6 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý; đồng thời, miễn tiền sử dụng khu vực biển trong 15 năm và giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển cho thời gian còn lại đối với diện tích khu vực biển được giao để thực hiện dự án nuôi trồng thuỷ sản trên biển của tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước có hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển ngoài 6 hải lý, khu vực nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý. 

Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của tổ chức là nhà đầu tư trong nước từ dự án nuôi trồng thuỷ sản trên biển ngoài 6 hải lý, khu vực nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý.

Bên cạnh đó, miễn tiền sử dụng khu vực biển trong 15 năm đối với diện tích khu vực biển được giao để thực hiện dự án nuôi trồng thuỷ sản trên biển của tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước có hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển từ 3 hải lý đến 6 hải lý.

Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 17%, miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập của tổ chức là nhà đầu tư trong nước từ dự án nuôi trồng thuỷ sản trên biển từ 3 hải lý đến 6 hải lý. 

Trong khả năng cân đối ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thủy sản và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển.

Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tổ chức, cá nhân không được hưởng ưu đãi quy định tại điểm b và điểm c khoản này trong trường hợp vi phạm các quy định về giao khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản trên biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo quy định của pháp luật có liên quan.

Nghị quyết cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa để bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh trực tiếp quản lý. 

Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa được tiếp nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ.../.

Xem thêm:

>>Sáng nay, Quốc hội thông qua Chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 vùng Thủ đô

>>Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục