Thông tin về hoạt động chế tạo của Trung Quốc chi phối thị trường dầu

17:06' - 31/08/2023
BNEWS Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch 31/8, sau khi Trung Quốc công bố số liệu cho thấy hoạt động chế tạo của nước này giảm tháng thứ 5 liên tiếp.

Trong khi đó, giới đầu tư thận trọng chờ đợi báo cáo về chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ, được công bố vào cuối ngày để tìm định hướng về lộ trình lãi suất của Mỹ.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 10/2023 (sẽ hết hạn vào ngày 31/8), giảm 9 xu Mỹ (0,1%), xuống 85,77 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 11/2023 giảm 10 xu Mỹ (0,1%), xuống 85,14 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 10/2023 hạ 6 xu Mỹ (0,1%), xuống 81,57 USD/thùng.

Một cuộc khảo sát chính thức từ Chính phủ Trung Quốc cho thấy, hoạt động sản xuất của Trung Quốc tiếp tục nằm trong vùng âm vào tháng 8/2023, làm dấy lên lo ngại về sự yếu kém của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này đã tăng từ mức 49,3 trong tháng 7/2023 lên 49,7 vào tháng 8/2023, nhưng vẫn dưới mức 50, ngưỡng phân định giữa suy giảm và tăng trưởng.

 

Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, cho biết triển vọng nguồn cung dầu của Mỹ thắt chặt đã hỗ trợ giá "vàng đen" trong phiên trước, nhưng xu hướng tăng đã bị chặn lại bởi lo ngại về nhu cầu tiêu thụ. Ông Yeap cho biết: “Nhìn chung, giá dầu chịu sự chi phối của các yếu tố trái chiều trong phiên này, trong khi tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước khi báo cáo về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, dự kiến được công bố vào cuối ngày, cũng tạo sức ép giảm lên giá dầu". PCE là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tính tới thời điểm hiện tại, giá dầu đang có xu hướng chứng kiến một tuần tăng, với dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung dầu thô thắt chặt hơn dự kiến, trong khi cuộc đảo chính quân sự ở Gabon, một thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cũng làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu thô.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đã điều chỉnh giảm mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xuống 2,1% trong quý II, từ mức 2,4% được báo cáo vào tháng trước và dữ liệu công bố hôm 30/8 cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền lương khu vực tư nhân đã chậm lại đáng kể trong tháng Tám năm nay.

ANZ Research cho biết: “Số liệu kém lạc quan về kinh tế Mỹ có thể trở thành tin tốt, bởi dữ liệu này làm giảm kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất khác của Fed”. Lãi suất cao hơn làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu và gây áp lực giảm cho giá mặt hàng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục