Thông tin về việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017

20:28' - 01/03/2018
BNEWS Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết, việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là việc thường niên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.
Chiều 1/3/2018, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2018.

Chiều 1/3, tại Họp báo Chính phủ, liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận tăng đột biến, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết, việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là việc thường niên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước .

Theo quy định của Thủ tướng, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư tiếp tục được thực hiện theo Quyết định số 174, Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư liên quan.

Trong năm 2017, số lượng đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng nhiều hơn so với năm trước do thời gian kết thúc nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư kéo dài thêm 6 tháng so với năm 2016.

Trong 6 tháng đó, số lượng ứng viên tiếp tục tích lũy đủ điều kiện để đạt tiêu chuẩn cũng được tăng lên nên họ đủ điều kiện và nộp hồ sơ tăng lên, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng giải thích.

Theo Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, 6 tháng đó các nhà khoa học làm được thêm rất nhiều, có thể tăng thêm các bài báo, bảo vệ thêm được một vài đề tài tiến sỹ, thời gian đó giúp cho lượng ứng viên có đủ tiêu chuẩn và đăng ký nhiều hơn.

Lý do thứ hai là số lượng ứng viên có khả năng đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn tăng lên do trước đây Chính phủ có đề án cho cán bộ giảng dạy trong các trường đại học đi học nước ngoài từ ngân sách nhà nước, đó là những người được đào tạo bài bản, tích lũy được các điều kiện tiêu chuẩn về bài báo khoa học, các công trình nghiên cứu, số giờ giảng dạy…

Thứ ba, trong thời gian gần đây, nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo của giáo dục đại học, nhiều cơ sở giáo dục đại học rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng giảng viên cùng với sự nỗ lực cố gắng của bản thân nên đã tích lũy được nhiều điều kiện, tiêu chuẩn để có thể tham gia xét tuyển chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Về chất lượng, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho rằng, so với năm 2016, chất lượng có tăng lên. Mặc dù theo quy chế hiện nay, việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí nước ngoài chưa phải là yêu cầu bắt buộc nhưng trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều ứng viên đã có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Ông dẫn chứng, nếu như năm 2016 chỉ có 2.510 bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thì năm 2017 đã có tới 5.316 bài, tăng gấp 2,1 lần. Năng lực ngoại ngữ của các ứng viên cũng được cải thiện nhiều.

Theo kết quả xét của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công bố ngày 1/2, tổng số ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư là 1.226/1.537 ứng viên, đạt 79,76%. Tỷ lệ này cũng xấp xỉ các năm trước, không có gì đột biến vì năm 2016 tỷ lệ đạt là 75,51%, Thứ trưởng khẳng định.

Về việc vừa qua dư luận có nhiều ý kiến về kết quả xét tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã yêu cầu Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước và Hội đồng các ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên.

Nếu phát hiện trường hợp nào không đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư thì kiên quyết không công nhận. Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã thành lập tổ công tác kiểm tra hồ sơ ứng viên đăng ký, để đảm bảo tính khách quan trong quá trình rà soát.

Đối với trường hợp có đơn thư sẽ xem xét xử lý theo Luật Khiếu nại tố cáo.

Bổ sung thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, Thủ tướng rất quan tâm đến chất lượng nhà khoa học Việt Nam. Ngay khi có ý kiến về đào tạo đội ngũ tiến sỹ, Thủ tướng đã chấn chỉnh nâng cao chất lượng đào tạo.

Đối với chức danh giáo sư, phó giáo sư, đây là chức danh nghề nghiệp, gắn với hoạt động khoa học, giảng dạy, là đội ngũ rất quan trọng, là niềm tự hào của dân tộc. Sau khi Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên có đủ điều kiện, Thủ tướng đã chỉ đạo ngay Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng rà soát lại toàn bộ các ứng viên như công bố của Hội đồng.

Liên quan đến số lượng ứng viên này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo chính thức. Theo báo cáo trước mắt, có 94 ứng viên chưa đủ đề tài, chưa đủ giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học và Bộ đang tiếp tục rà soát, đánh giá.

“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng làm rất nghiêm túc, đánh giá chất lượng thực chất, ứng viên đủ giờ giảng thì giảng ở đâu, giáo trình nào, hợp đồng giảng dạy ra sao, thỉnh giảng thế nào, có chi tiền hay không chi tiền chứ không phải giảng mà lại bảo là viết một cái giấy để ủng hộ nhà trường không lấy tiền, không có chuyện ấy đâu, như vậy Thủ tướng biết hết, để cho minh bạch. Rồi khả năng ngoại ngữ thế nào, giao tiếp thế nào, nếu chức danh được phong hàm chính thức thì đạt trình độ nào, có tiêu chuẩn hết rồi…”, Người phát ngôn Chính phủ nêu rõ.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại phiên họp Chính phủ sáng 1/3, Thủ tướng cũng nêu vấn đề này, giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước làm nghiêm túc, báo cáo Thủ tướng tại phiên họp thường trực Chính phủ.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc Chính phủ có khuyến khích công chức, lãnh đạo làm hồ sơ xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu: “Chúng ta phải làm theo quy định, nếu lãnh đạo đó đủ điều kiện thì làm hồ sơ ứng viên để báo cáo Hội đồng, được tham gia, nhưng phải đi vào thực chất, chất lượng”./.

Xem thêm:

>>>Rà soát, bảo đảm chất lượng bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư

>>>Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2016

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục