Thông tuyến huyện, bảo đảm quyền lợi cho người khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế

16:26' - 20/01/2016
BNEWS Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định từ 1/1/2016, mở thông tuyến khám, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam). Nguồn: baohiemxahoi.gov.vn

Tạo điều kiện thuận lợi trong việc khám chữa bệnh cho người tham gia Bảo hiểm y tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định từ 1/1/2016, mở thông tuyến khám, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh.

Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã trao đổi với báo giới.

Phóng viên: Thưa ông, chủ trương thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến huyện đã triển khai được gần một tháng, ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn cũng như những kết quả đạt được trong quá trình triển khai? 

- Ông Phạm Lương Sơn: Thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế nhằm thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, mở rộng quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh.

Theo đó, từ năm 2016, người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế phạm vi tuyến xã, phòng khám đa khoa khu vực hoặc các bệnh viện huyện có thể lựa chọn bất kỳ một cơ sở khám chữa bệnh nào để đi khám mà không cần giấy chuyển tuyến.

Nói một cách ngắn gọn, là thông các cơ sở y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh. Còn trên phạm vi toàn quốc, nếu người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh ban đầu ở bệnh viện tuyến huyện nào cũng được đảm bảo quyền lợi theo quy định của Luật trong phạm vi mức hưởng mà không phải có giấy chuyển tuyến.

Có thể nói gần một tháng qua, việc khám chữa bệnh thông tuyến khá thuận lợi, người dân cũng đã được thụ hưởng quyền lợi đầy đủ hơn. Có thể thấy số lượt khám chữa bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh tuyến quận, huyện, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng lên rõ rệt.

Theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng người đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015. Chúng tôi thấy chưa có dư luận phàn nàn về việc không đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

Bên cạnh đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đang tích cực phối hợp với ngành Y tế để có thông tin kịp thời về các cơ sở khám chữa bệnh được thông tuyến, về các quyền lợi được hưởng và có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, để vừa đảm bảo quyền lợi của người bệnh nhưng cũng ngăn chặn được hiện tượng lạm dụng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế có thể xảy ra.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định từ 1/1/2016, mở thông tuyến khám, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa: TTXVN

Phóng viên: Vậy việc quản lý thẻ bảo hiểm y tế hiện nay được đặt ra như thế nào, thưa ông? 

- Ông Phạm Lương Sơn: Việc phân thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo quy định mới của Bộ Y tế tại Thông tư 40/2015/TT-BYT (quy định việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế), khi đó vai trò của Sở Y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh rất quan trọng trong xác định nhu cầu, khả năng có thể cung cấp được dịch vụ ban đầu, từ đó có thể tính được số lượng thẻ tối đa mà mỗi cơ sở có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ được.

Đối với các cơ sở tuyến huyện, người dân có quyền lựa chọn bất kỳ một bệnh viện tuyến huyện nào để khám chữa bệnh mà không cần giấy chuyển tuyến, điều đó có nghĩa là chúng ta phải nghĩ tới chuyện làm sao kiểm soát được chi phí đó.

Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được Chính phủ chỉ đạo và quyết liệt thực hiện xây dựng phần mềm giám định cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Một trong những nội dung đó là có thể kiểm soát được toàn bộ quá trình lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh để thông qua đó ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, nhưng đồng thời cũng để đảm bảo điều trị cho người bệnh tốt hơn, ngăn ngừa việc có thể có tác dụng không mong muốn nếu sử dụng thuốc quá liều hoặc kháng thuốc trong tương lai gần.

Phóng viên: Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế có phải là tiền đề để năm 2021 thực hiện thông tuyến tỉnh không, thưa ông? 

- Ông Phạm Lương Sơn: Đây là chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời của Chính phủ. Có thể nói trong năm 2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế đã quyết tâm thực hiện chỉ đạo đó.

Đến thời điểm này, về cơ bản, hai ngành đã thống nhất với nhau về danh mục dùng chung (thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật), về phân công trong việc liên thông dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trước mắt, trong năm 2016, việc thông tuyến huyện cũng là tiền đề để năm 2021, khi thực hiện quy định thông tuyến tỉnh trên phạm vi cả nước, chúng ta đã có đầy đủ cơ sở dữ liệu và công cụ để có thể đảm bảo được việc thông tuyến một cách thuận lợi nhất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông! 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục