Thu hút đầu tư theo hợp đồng PPP tạo nguồn lực phát triển hạ tầng

16:19' - 07/07/2022
BNEWS Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư theo hợp đồng đối tác công - tư (PPP) là giải pháp huy động vốn hiệu quả để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao thông qua hình thức Hợp đồng đối tác công – tư” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ngày 7/7.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư  Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, hình thức hợp đồng đối tác công – tư có vai trò rất quan trọng trong triển khai các dự án cũng như thúc đẩy kinh tế xã hội. Các quốc gia trong

khu vực như Philippines, Indonesia, Thái Lan cũng đang đẩy nhanh quá trình sửa đổi các quy định và hình thức PPP hiện có để thu hút đầu tư tư nhân qua hình thức PPP hấp dẫn hơn.

 

Trong xu hướng đó, Việt Nam cũng ngày càng hoàn thiện hơn về khung pháp lý để thu hút đầu tư qua hình thức PPP nhằm huy động nguồn vốn phát triển hạ tầng và dịch vụ công hiệu quả.

Ông Trương Trọng Nghĩa, Trọng tài viên VIAC phân tích, quy mô nền kinh tế Việt Nam chưa lớn, khả năng tích lũy hạn chế nhưng ngân sách nhà nước phải dành 5,7% GDP để đầu tư cơ sở hạ tầng, cao nhất ở Đông Nam Á và cao hơn Ấn Độ. Còn theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ vào khoảng 480 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030.

Trong bối cảnh đó, việc duy trì đầu tư ở mức độ cao cho kết cấu hạ tầng ảnh hưởng đến bảo đảm cân đối vĩ mô, đến phát triển chung của toàn nền kinh tế. Đồng thời, việc đầu tư lớn cho kết cấu hạ tầng dẫn đến gây áp lực đối với trần nợ công cao. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay giá rẻ như hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giảm cũng gây áp lực lên vấn đề nợ công. Vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp thu hút đầu tư tư nhân nhằm giúp thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng với các quốc gia khác.

Từ năm 2021, Chính phủ đã ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025. Theo đó, có 157 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 thuộc các lĩnh vực hạ tầng: giao thông; khu công nghiệp, khu kinh tế; năng lượng; công nghệ thông tin; hệ thống xử lý rác, nước thải; giáo dục và y tế; văn hóa, thể thao, du lịch; ngành nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Đáng chú ý trong số 34 dự án hạ tầng giao thông có 23 dự án kêu gọi đầu tư PPP.

Tuy nhiên, ông Trương Trọng Nghĩa nhận định, đầu tư PPP còn nhiều bất cập và đang có dấu hiệu chững lại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này; trong đó, hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP ở Việt Nam không được xây dựng riêng biệt mà lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch phát triển quốc gia, ngành, địa phương; một số chỉ tiêu định hướng trong chiến lược, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng chưa phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực; trong đó có PPP.

Quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hầu hết đều không có sự tham gia đóng góp hoặc có tham gia nhưng chỉ mang tính thủ tục từ các bên nhà đầu tư, nhà tài trợ, cộng đồng. Cho đến nay vẫn chưa có một kế hoạch chiến lược, trung và dài hạn cho PPP, do đó việc triển khai PPP chưa có định hướng rõ ràng dẫn đến tư duy ngại khó, các dự án cơ sở hạ tầng chưa có thứ tự ưu tiên.

Mặt khác, hệ thống cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn đã được cụ thể hóa trong đồ án quy hoạch xây dựng, nhưng vấn đề là thiếu sự liên kết vùng trong quy hoạch, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng sử dụng chung chưa được nghiên cứu đầy đủ. Tại các địa phương, hầu hết chưa có kế hoạch PPP cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trừ một số thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh có lập kế hoạch trung hạn nhưng nhìn chung chất lượng quy hoạch dự án chưa cao.

Cũng theo ông Trương Trọng Nghĩa, dù Luật Đầu tư PPP 2020 đã quy định rõ ràng trình tự chuẩn bị, thực hiện dự án nhưng nhiều thủ tục cụ thể trong quá trình triển khai dự án PPP cũng chịu sự điều chỉnh của các luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng dẫn đến nhiều quy định chồng chéo gây khó khăn thực hiện trong thực tế.

Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, hình thức đối tác công tư là một trong những xu thế nổi bật ở giai đoạn hiện nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và khu vực hóa ngày càng sâu rộng hơn. Các dự án PPP đã được áp dụng rộng rãi để phát triển cơ sở hạ tầng và hiện nay đã trở thành một phương thức ngày càng phổ biến để cung cấp các dịch vụ công khác nhau ở các nước trên thế giới.

Việc triển khai dự án theo hình thức PPP mang đến nhiều lợi ích, trước nhất là sự hỗ trợ của khu vực tư nhân trong tiến trình thực hiện các dự án, giúp tăng cường tính hiệu quả trong việc phân phối, điều hành và quản lý. Không chỉ vậy, mô hình PPP còn giúp đưa vào các nguồn lực bổ sung để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng; tạo nên nhiều hơn các cơ hội tiếp cận và nắm bắt công nghệ tiên tiến từ quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, không thể phủ nhận một thực tế là hiện nay, việc triển khai các dự án PPP vẫn còn một số tồn tại, bất cập khiến các nhà đầu tư cảm thấy lưỡng lự, băn khoăn khi quyết định “chung tay với nhà nước”. Do gặp vướng mắc ở nhiều khâu, từ khâu lựa chọn dự án, thông tin dự án, thủ tục hành chính cho đến các cơ chế, nên nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài cũng dần cân nhắc hơn, cẩn trọng hơn khi chọn đầu tư vào các dự án PPP. Nhiều dự án PPP cũng trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư do thiếu các công cụ chia sẻ rủi ro dự án, giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia thực hiện dự án, nhà đầu tư cũng chưa cảm nhận được sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo ông Châu Việt Bắc, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thu hút nguồn vốn tư nhân để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Việt Nam vốn có nhiều tiềm năng để phát triển các dự án đầu tư theo hình thức này, nếu chúng ta xử lý được những vướng mắc hiện hữu, các dự án theo hình thức PPP sẽ tạo động lực tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Để phát huy những lợi thế mà PPP mang lại, việc cải thiện môi trường đầu tư, khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách là điều hết sức cần thiết và cấp bách. Chúng ta đã xây dựng được một khung khổ pháp lý tương đối phục vụ cho việc triển khai các dự án PPP. Tuy nhiên, qua thời gian vận hành, thực tế cho thấy, nhiều điểm, quy định đã bộc lộ những hạn chế khiến doanh nghiệp cảm thấy không phù hợp.

Chính vì lý do đó, việc điều chỉnh, hoàn thiện khuôn khổ cơ sở pháp lý, rà soát lại khó khăn là rất quan trọng để có thể kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng cho doanh nghiệp, thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư chất lượng. Bên cạnh đó, để bảo vệ cho các bên trong quá trình thực hiện dự án PPP, việc tạo lập cơ chế kiểm soát, chia sẻ rủi ro, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, cũng cần được chú trọng, ông Châu Việt Bắc nêu khuyến nghị./.

Xuân Anh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục