Thúc đẩy hợp tác PPP trong xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt
Xử lý nước thải, chất thải rắn tại đô thị và các khu công nghiệp đang là một vấn đề cấp bách, gây nhiều khó khăn và bức xúc cho xã hội trong thời gian dài và rất cần những giải pháp khắc phục theo hướng bền vững. Phương thức hợp tác đối tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn đang được xem là hướng đi triển vọng, với nguồn lực dồi dào và sự tham gia tích cực của khối tư nhân để cùng Nhà nước cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường đô thị.
Với mong muốn tổ chức một diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án xử lý nước thải, chất thảo rắn nhằm giúp các cơ quan quản lý Nhà nước và khối tư nhân có thêm những thông tin và sáng kiến để thực hiện việc hợp tác công – tư hiệu quả, giúp tận dụng nguồn lực xã hội cho mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường đô thị tại Việt Nam, ngày 5/7 tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: "Mô hình hợp tác công - tư trong xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải và chất thải rắn tại Việt Nam".
Khai mạc tọa đàm, Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, theo báo cáo của các sở tài nguyên và môi trường ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các khu đô thị vào khoảng 38.000 tấn/ngày. Chất thải công nghiệp thông thường ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm. Chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 1 triệu tấn/năm.
Trên cả nước, hiện có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt gồm 381 lò đốt chất thải, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp; trong đó, có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Với lĩnh vực xử lý nước thải, Việt Nam có khoảng hơn 40 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đang được vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926 nghìn m3/ngày đêm, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đối với lượng nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt mới chỉ đạt khoảng 13% ...
Trước áp lực ấy, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 đã đặt ra mục tiêu cụ thể: đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định phải đạt 95%. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong vòng 10 năm tới sẽ cần nguồn đầu tư rất lớn từ 10-20 tỷ USD. Thêm nữa, cần tìm hiểu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ; đồng thời nâng cao vai trò cộng đồng, thực hiện xã hội hoá nhằm phát huy mọi nguồn lực tham gia quản lý nước thải và chất thải rắn để ngày càng tốt hơn. Trước đây, việc triển khai hợp tác công - tư trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn chưa có nhiều, có một số dự án thực hiện theo mô hình BT và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá là chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Do đó, tại cuộc tọa đàm, Ts. Vũ Tiến Lộc bày tỏ mong muốn, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước cũng là đại diện ký kết các hợp đồng đối tác công – tư tại các địa phương, cùng với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; các tổ chức độc lập có kinh nghiệm và nhiều năm có quan tâm, nghiên cứu, hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực này cùng chia sẻ quan điểm, đóng góp ý kiến để xây dựng các hướng dẫn chi tiết cho hoạt động đầu tư theo phương thức hợp tác đối tác công - tư trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn...Chia sẻ về chính sách của Nhà nước đối với hợp tác công tư trong lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn đô thị, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, để thực hiện Chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực xử lý nước thải và xử lý chất thải; nhất là việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, xã hội hóa các công trình, dự án đang gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được tình hình thực tế; giá dịch vụ xử lý nước thải, chất thải rắn còn thấp, trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý yêu cầu kinh phí cao, liên tục; cơ chế huy động nguồn lực từ tư nhân vẫn chưa phát huy hiệu quả, thiếu các cam kết, hỗ trợ cụ thể để tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông thoáng và an toàn cho nhà đầu tư…
Thêm nữa, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhập khẩu một số loại còn chưa phù hợp với thực tế chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam cũng chưa được phân loại tại nguồn. Trong khi đó, các địa phương hiện cũng đang áp dụng các giá xử lý khác nhau cho các phương pháp xử lý khác nhau.
Do đó, theo ông Hiền, Nhà nước cần xây dựng chiến lược, quy hoạch hợp lý về phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở và hình thành một khung pháp lý rõ ràng cho PPP; trong đó có các cơ chế, chính sách về tín dụng, phí dịch vụ, đất đai,... để thu hút đầu tư của tư nhân; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, đi kèm với hướng dẫn chi tiết đối với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn đô thị; xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh hình thức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư, ưu tiên đấu thấu quốc tế; hạn chế tối đa tình trạng chỉ định thầu.
Ngoài ra, đối với nhà đầu tư được lựa chọn qua đấu thầu, Nhà nước và nhà đầu tư cần thương thảo các nội dung quan trọng, đặc biệt là phân chia trách nhiệm, cơ chế phối hợp. Ông Hiền cũng cho biết thêm, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đã ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, nhà đầu tư có thể sử dụng làm căn cứ để xác định đầu tư loại hình công nghệ phù hợp với đặc thù chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam.
Đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ông Đoàn Tiến Giang, Chuyên gia về Hợp tác công - tư (PPP) thuộc Dự án AEO cũng chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và một số mô hình hợp tác công tư hiệu quả trong xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải và chất thải rắn tại Việt Nam.
Theo đó, muốn khắc phục những vấn đề khó khăn trong hợp tác công - tư ở lĩnh vực này cần tập trung giải quyết vấn đề về tài chính hay đảm bảo chắc chắn về nguồn cung, lượng điện tái chế và khắc phục những vướng mắc, phức tạp về hợp đồng. Quan trọng nhất là sự phát triển của công nghệ cũng có thể dẫn đến nhiều giải pháp hiệu quả hơn trong tương lai./.
- Từ khóa :
- Nhà nước
- VIAC
- PPP
- Hợp tác Công - Tư
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Chùm ảnh thi công cao tốc PPP Diễn Châu - Bãi Vọt
11:00' - 28/06/2022
Dự án PPP-hợp tác công tư cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài khoảng 50 km đi qua địa phận 2 tỉnh Nghệ An (44,4km) và Hà Tĩnh (4,9km). Khởi công từ tháng 5/2021 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm thi công.
-
Kinh tế Việt Nam
Đi tìm căn nguyên khiến nhà đầu tư chưa mặn mà với dự án PPP
13:22' - 21/06/2022
Từ khi Luật PPP có hiệu lực, hình như phương thức này chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư, mặc dù dư địa cho huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư các dự án công cùng nhà nước còn rất lớn.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Lĩnh vực giao thông vận tải rất khó kêu gọi đầu tư PPP
16:25' - 09/06/2022
Đối với ngành giao thông có những dự án lớn lên tới 7.000 tỷ đồng, do vậy, việc huy động PPP sẽ rất lớn, rất khó. Do đó, đầu tư PPP trong lĩnh vực giao thông cần rà soát để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội thống nhất chủ trương xây 3 cây cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi
10:26'
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương thực hiện 3 cây cầu qua sông Hồng nêu trên bằng nguồn vốn ngân sách.
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng và phát triển 42 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm
08:30'
Nam Định chú trọng nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao...
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
08:12'
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra: dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
-
Kinh tế Việt Nam
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
08:11'
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
-
Kinh tế Việt Nam
Dự kiến, năm 2024 có khoảng 4 tỷ USD vốn FDI đổ vào thành phố Cảng
08:11'
Theo UBND thành phố Hải Phòng, đến nay, thành phố thu hút 1.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với số vốn 32,2 tỷ USD, chiếm 7% vốn FDI toàn quốc.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana
07:44'
Trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21/11, tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana.
-
Kinh tế Việt Nam
“Hàng rào” bảo vệ và kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng
20:24' - 21/11/2024
Bộ Xây dựng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, đồng thời tăng cường giám sát để chống gian lận thương mại và kiểm soát chất lượng.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia
20:19' - 21/11/2024
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, chiều 21/11, tại Trụ sở Nghị viện Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia Dato’ Awang Bemee Awang Ali Basah.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Campuchia
19:43' - 21/11/2024
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao hai nước tiến hành hội đàm.