Thu hút FDI giai đoạn mới - Bài 3: Cơ sở quan trọng để thu hút vốn FDI chất lượng cao

14:49' - 18/09/2019
BNEWS Việt Nam là một trong những thị trường phát triển chính yếu ở khu vực châu Á nhờ có điều kiện đầu tư tương đối thuận lợi; trong đó kinh tế đang phát triển với tốc độ cao.

Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 được ban hành mới đây là cơ sở quan trọng để hướng tới thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao.

Dưới đây là những ý kiến của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

* Ông Matt Bleiman, Giám đốc Phát triển Tập đoàn Năng lượng AES (Hoa Kỳ):

AES là một trong những tập đoàn năng lượng lớn của Hoa Kỳ, bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2005 với dự án Nhiệt điện Mông Dương 2 (Quảng Ninh). Hiện AES quan tâm tới việc đầu tư vào chuỗi dự án khí điện và kho cảng khí hóa lỏng tại Sơn Mỹ (Bình Thuận).

Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN

AES xác định Việt Nam là một trong những thị trường phát triển chính yếu ở khu vực châu Á nhờ có điều kiện đầu tư tương đối thuận lợi; trong đó kinh tế đang phát triển với tốc độ cao.

Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, từ đây doanh nghiệp có thể dễ dàng mở rộng hoạt động đầu tư, thương mại ra nhiều quốc gia đang phát triển trong khu vực.

Đó là lý do ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài; trong đó có Hoa Kỳ tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc mở chi nhánh tại Việt Nam.

Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện một cách rất rõ nét trong thời gian qua. Tuy nhiên, một số quy định, cơ chế phối hợp chưa được hài hòa nên hiệu quả thu hút đầu tư chưa như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Đơn cử như trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng tự nhiên nhưng việc thương mại hóa nguồn điện của các dự án này lại rất khó khăn.

Trong định hướng của mình, AES tập trung phát triển các dự án sử dụng nguồn nguyên liệu sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng tự nhiên (mặt trời, gió) và giảm thiểu sử dụng than đá.

Mặt khác, AES cũng mong muốn đầu tư vào các dự án tạo ra giá trị gia tăng cao từ dây chuyền, công nghệ tiên tiến, điển hình như việc đề xuất xây dựng hệ thống cổng nhập khẩu khí ga thiên nhiên, hóa lỏng tại Việt Nam rồi xuất khẩu.

* Bà Võ Nguyễn Trà My - Đại diện truyền thông Công ty DIGI-TEXX Vietnam (100% vốn Cộng hòa Liên bang Đức):

Nền kinh tế Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng với nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, rất nhiều công ty như DIGI-TEXX đã tìm đến Việt Nam như một mảnh đất đầy tiềm năng. Các cơ quan chức năng đã cố gắng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cơ hội để hội nhập và phát triển.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn các chính sách hoặc luật định cần được minh bạch và tinh gọn hơn, đặc biệt là những quy định liên quan đến thuế.

Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao chất lượng lao động (như ngoại ngữ, kĩ năng quản lý và kiến thức công nghệ thông tin) để kịp thời đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay, bởi chính sách đào tạo vẫn chưa sát với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Cuộc cách mạng chuyển đổi số trên toàn cầu đã khiến rất nhiều doanh nghiệp tìm đến những giải pháp số hóa.

DIGI-TEXX đã thành công trong việc cung cấp những giải pháp số tối ưu nhất cho các doanh nghiệp với việc áp dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, robot tự động hóa, hay nhận dạng kí tự quang học, nhận dạng sinh trắc học tự động.

DIGI-TEXX luôn xem Nghiên cứu và phát triển (R&D) là một trong những yếu tố chính quyết định ảnh hưởng đến sự thành công của doanh nghiệp.

Công ty cũng sẽ tăng cường đội ngũ nhân lực chất lượng cao để có thể cung cấp các sản phẩm và dịch vụ số hóa chất lượng cao cho các khách hàng. Những ưu tiên trong Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ giúp DIGI-TEXX sớm hoàn thành kế hoạch của mình.

Ngoài ra, với những ưu tiên này, chúng tôi có kế hoạch mở rộng hợp tác với các công ty trong nước để hỗ trợ thực hiện các dự án xây dựng thành phố thông minh và Chính phủ điện tử cho Việt Nam.

*Ông Takashi Yasue - Giám đốc điều hành Khối hành Chính, Công ty TNHH Becamex Tokyu, thuộc Hiệp hội Doanh Nghiệp Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm tỉnh Bình Dương

Ông Takashi Yasue - Giám đốc điều hành Khối hành Chính, Công ty TNHH Becamex Tokyu, thuộc Hiệp hội Doanh Nghiệp Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm tỉnh Bình Dương

Công ty TNHH Becamex Tokyu là doanh nghiệp Nhật đầu tư về phát triển đô thị tại Việt Nam. Từ năm 2012 đến nay, thành công nhất của doanh nghiệp là có thể xuất khẩu được mô hình phát triển đô thị kiểu Nhật tại Thành phố mới tỉnh Bình Dương bao gồm: phát triển giao thông công cộng Kaze bus theo mô hình Nhật; xây dựng dịch vụ nhà ở và thương mại chất lượng cao cho cư dân và các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại tỉnh Bình Dương; giúp Việt Nam hình thành mô hình đô thị vệ tinh, giảm tải cho các đô thị lớn như Tp. Hồ Chí Minh.

Xưởng thực hành tự động hóa với nhiều robot hiện đại tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Thành phố cũng như cả nước. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Trong 7 năm hoạt động, chúng tôi thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng ngày càng được minh bạch, đơn giản hóa, giúp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài yên tâm rót vốn.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong rằng Việt Nam có thể xem xét nới lỏng các quy định cho nhà đầu tư nước ngoài khi họ muốn đầu tư tại nước khác hoặc đầu tư trở lại quốc gia của họ. Nếu những quy định này được cởi mở hơn, tôi tin chắc rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài không còn e ngại khi đầu tư tại Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động, Becamex Tokyu luôn cố gắng phát triển dự án gắn liền với sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Từ khi bắt đầu xây dựng dự án tại đây, chúng tôi đã cùng với người dân tại Thành phố mới Bình Dương xây dựng nhiều hoạt động làm sạch môi trường; khuyến khích người dân sử dụng xe bus công cộng thay vì xe gắn máy khi di chuyển vào thành phố.

Hiện tại, Bình Dương là đô thị tiên phong tại Việt Nam khi phát triển thành phố theo hướng thông minh và chúng tôi đang hết sức nỗ lực để giúp địa phương phát triển dự án theo xu thế chung như: sử dụng hệ thống thiết bị tiết kiệm năng lượng điện; các dự án phân loại và tái chế rác thải...

Mục tiêu hướng tới là với sự thành của Bình Dương sẽ giúp thành phố này trở thành hình mẫu đô thị điển hình tại Việt Nam trong việc xây dựng phát triển đô thị bền vững như các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

* Bà Lê Hoa, Giám đốc Quan hệ Chính phủ Tập đoàn Cargill (Hoa Kỳ):

Cargill là một trong những Tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới, đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995.

Đến nay tập đoàn đã có 11 nhà máy, thành lập 3 công ty con và mở rộng kinh doanh ra 8 ngành hàng khác nhau, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, nhập khẩu – phân phối thịt bò, sắt thép…

Hiện nay, Cargill đang nộp hồ sơ xin đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất vitamin, thức ăn bổ sung cho chăn nuôi tại Đồng Nai với công suất dự kiến 600.000 tấn/năm phục vụ cho xuất khẩu.

Việt Nam có điều kiện môi trường đầu tư ổn định, được cải thiện theo thời gian và nhiều nguồn lực tốt cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, một số quy định về nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành liên quan tới các sản phẩm nông sản, thực phẩm còn khó khăn và chưa hợp lý nên việc nhập khẩu nông sản nguyên liệu từ Hoa Kỳ phục vụ sản xuất, chế biến trong nước còn hạn chế, hàng hóa của Hoa Kỳ cũng mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu từ các nước khác.

Do đó, chúng tôi đề xuất cần xem xét lại một số quy định trong chính sách nhập khẩu và kiểm tra chuyên ngành, hướng tới tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng hi vọng sẽ có Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, qua đó giảm hàng rào thuế quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam./.

>>> Bài 4: Vượt trở ngại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục