Thu hút FDI tại Tp. Hồ Chí Minh: Dẫn đầu cả nước nhưng tỷ trọng giảm sút

17:09' - 28/12/2017
BNEWS Về năng lực cạnh tranh, các chuyên gia chỉ ra rằng, Tp. Hồ Chí Minh mặc dù vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song xét về tỷ trọng đã giảm sút đáng kể.
Tp. Hồ Chí Minh: Tỷ trọng thu hút FDI giảm sút. Ảnh minh họa: Danh Lam – TTXVN

Tp. Hồ Chí Minh cần có giải pháp để tạo ra sự đột phá về tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế trong những năm tới để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 – 2020).

Đây là nhận định của các chuyên gia tại: “Hội thảo tìm kiếm giải pháp đảm bảo tăng trưởng kinh tế theo Đại hội X” do Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 28/12.

Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thành phố (GRDP) đến năm 2020 bình quân hàng năm từ 8 – 8,5%; trong đó tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP chiếm từ 56 – 58%, tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP bình quân hàng năm từ 35% trở lên.

Phó Giáo sư -Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong hai năm 2016 – 2017 kinh tế Tp. Hồ Chí Minh đã duy trì được mức tăng trưởng kinh tế khá cao, năm 2016 tăng trưởng GRDP đạt 8,05% và năm 2017 ước đạt 8,25%.

Tuy nhiên, nếu phân tích sâu sẽ thấy tăng trưởng kinh tế vẫn chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố trong những năm gần đây có dấu hiệu bị chững lại và mức tăng trưởng kinh tế thời kỳ sau giảm so với thời kỳ trước.

Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao.

Thể hiện qua đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TPF) vào tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp so với bình quân cả nước.

Năm 2016, tỷ lệ đóng góp của TPF vào tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 40% thì tỷ lệ đóng góp TPF vào tăng trưởng kinh tế Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạt 35%.

Tiếp tục đến năm 2017 tỷ lệ đóng góp của TPF vào tăng trưởng kinh tế cả nước đã đạt 44% thì tỷ lệ này của Tp. Hồ Chí Minh chỉ dừng ở 38%. Đến hiện tại, tăng trưởng kinh tế thành phố chủ yếu vẫn dựa vào vốn và lao động (chiếm tới 67,4%).

Về năng lực cạnh tranh, các chuyên gia chỉ ra rằng, Tp. Hồ Chí Minh mặc dù vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song xét về tỷ trọng đã giảm sút đáng kể.

Tỷ trọng thu hút FDI trong tổng vống đầu tư toàn xã hội của thành phố trong 10 năm trở lại đây luôn thấp hơn bình quân cả nước (17,3% so với 24,3%).

Tỷ lệ đóng góp của Tp. Hồ Chí Minh vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước cũng ngày càng giảm.

Nếu như năm 2000, Tp. Hồ Chí Minh chiếm tới 56,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước thì đến năm 2016 tỷ lệ đóng góp xuất khẩu chỉ còn 18%.

Một vấn đề khác là mặc dù đã có nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng trong những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tp. Hồ Chí Minh liên tục bị tụt hạng.

Trong đó, các tiêu chí quan trọng của thể chế kinh tế thị trường như chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý, cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai chỉ đạt điểm trung bình và dưới mức trung bình.

Về sản xuất, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh phân tích, quá trình phát triển kinh tế Tp. Hồ Chí Minh tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử – công nghệ thông tin, cao su – nhựa , chế biến tinh lương thực thực phẩm) và 2 ngành truyền thống (dệt may, da giày) với tỷ trọng chiếm tới 78% giá trị sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho sản xuất sản phẩm đầu cuối lại chưa theo kịp nhu cầu thực tế.

Một khi nền kinh tế sản xuất phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì khó chủ động duy trì tốc độ tăng trưởng và chưa thể phát triển bền vững.

Năm 2018 được xem là thời điểm thích hợp để Tp. Hồ Chí Minh nhìn lại những kết quả đạt được cũng như hạn chế trong nửa đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020 để có định hướng phát triển phù hợp.

Các chuyên gia cho rằng, với mức tăng trưởng của năm 2016 và 2017 nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng cả giai đoạn 2015 – 2020 ở mức cao nhất là 8,5% thì từ nay đến năm 2020, Tp. Hồ Chí Minh phải có giải pháp tạo nên sự đột phá cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh cần thực hiện ngay 3 nhóm giải pháp chính là xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo đó, việc xây dựng cơ chế chính sách phải bám sát vào mục tiêu huy động triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế của thành phố...

Để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông cần thay đổi cơ chế theo hướng minh bạch hơn, hiệu quả hơn trong các dự án xây dựng – chuyển giao (BT), xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) và tạo sự đột phá trong hình thức hợp tác công tư (PPP).

Đối với việc cải cách thủ tục hành chính, cần thực hiện theo hướng tinh gọn đầu mối, tăng cường năng lực hoạt động của cán bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền và cơ quan chức năng.

Cụ thể, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án đô thị thông minh nhằm nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch, xây dựng, giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải…trên nền tảng ứng dụng công nghệ.

Đồng thời, tiếp tục mở rộng ứng dụng quản lý thuế, hải quan điện tử, quản lý rủi ro với thủ tục đơn giản, minh bạch, hiện đại, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển.

Liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, bà Nguyễn Trúc Vân, Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam, Viện Chiến lược phát triển cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc, cần thay đổi tư duy đào tạo, tuyển dụng theo bằng cấp sang coi trọng năng lực hoạt động thực tiễn.

Muốn ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, sản xuất hiệu quả trước tiên cần đào tạo ra lực lượng lao động có khả năng nắm bắt, vận dụng khoa học công nghệ.

Song song đó, cần có cơ chế lương, thưởng tương xứng cho những lao động trình độ cao để thu hút, giữ chân được nhân tài, giúp họ yên tâm cống hiến.

Về sản xuất, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền cho rằng, để đảm bảo tốc độ, chất lượng tăng trưởng cũng như giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam nói riêng, cả nước nói chung, Tp. Hồ Chí Minh cần tăng cường liên kết một cách toàn diện.

Cụ thể, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp của thành phố, kết nối doanh nghiệp thành phố với doanh nghiệp các địa phương khác nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng doanh nghiệp.

Để khắc phục những hạn chế về nguồn vốn, năng lực sản xuất, cần đẩy mạnh việc liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI theo hướng hình thành chuỗi cung – cầu, từng bước tạo ra chuỗi giá trị sản xuất khép kín.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Tp. Hồ Chí Minh cần xây dựng quy hoạch từng ngành cụ thể, định hướng các nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất một cách ổn định, lâu dài, tránh hiện tượng kêu gọi đầu tư dàn trải, trùng lắp gây lãng phí nguồn lực.

Ngoài ra, cần cải thiện hạ tầng phục vụ sản xuất cho doanh nghiệp bằng cách ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, các công trình giao thông, dịch vụ vận tải, viễn thông…giúp quy trình lưu thông hàng hóa diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục