Thu hút sự tham gia của tư nhân trong các dự án đầu tư công

14:21' - 30/08/2019
BNEWS Việc phát triển, thúc đẩy kêu gọi thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP là một giải pháp hiệu quả giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt vốn để đầu tư phát triển.

Ngày 30/8, tại Tp. Hồ Chí Minh, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo đầu tư cơ sở hạ tầng tại Tp. Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu hình thức tài trợ đầu tư tư nhân cũng như cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) tại Tp. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ cuộc khảo sát do JICA phối hợp với Deloitte và Nippon Koei thực hiện từ tháng 3/2019, với sự hợp tác của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) của thành phố, tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách là 326.556 tỷ đồng (16,2 tỷ USD).

Trong khi đó, khả năng cân đối từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được 52% nhu cầu đầu tư, tương ứng là 171.896 tỷ đồng (7,4 tỷ USD). Nếu tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016-2020 thì quy mô lên đến 78,86 tỷ USD, nhưng nguồn đầu tư từ ngân sách thành phố cũng chỉ đáp ứng được 8%.

Do vậy, việc phát triển, thúc đẩy kêu gọi thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP là một giải pháp hiệu quả giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt vốn để đầu tư phát triển, nhất là đối với các dự án đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn trong bối cảnh thâm hụt ngân sách có chiều hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, hình thức này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước tham khảo kinh nghiệm quản lý của khu vực tư nhân, học tập trình độ công nghệ, kỹ thuật và khả năng quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình...

Để huy động nguồn lực theo PPP trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thành phố, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, Tp. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện khung pháp lý về quản lý đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư; huy động từ nguồn lực đất đai, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để tạo vốn góp của nhà nước tham gia vào các dự án PPP.

Đồng thời, xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư theo hình thức này cũng như triển khai một số dự án PPP tiên phong (xử lý nước thải, y tế) thông qua việc thu phí, hoàn trả chi phí đầu tư dự án từ nguồn thu dịch vụ công…

Kết quả khảo sát dữ liệu phát triển hạ tầng và dịch vụ công tại Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, Tp. Hồ Chí Minh hiện có 23 dự án PPP mở rộng đang được triển khai thực hiện trên địa bàn; trong đó, chỉ có một dự án (dự án chống ngập lụt theo mô hình xây dựng, chuyển giao BT) đủ điều kiện theo các quy định trong Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Hiện, có 3 phương pháp huy động vốn được cho phép trong các dự án PPP theo hình thức sử dụng nguồn lực tư nhân, gồm dự án PPP, dự án đầu tư trực tiếp và xã hội hóa.

Trong tổng số 294 dự án Tp. Hồ Chí Minh đang kêu gọi đầu tư, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 10 dự án tiềm năng. Đó là những dự án được đánh giá có thể thực hiện trong ngắn hạn, có tính cấp bách, khả thi cao và được coi là sẽ hấp dẫn nhà đầu tư trong tương lai như: dự án bệnh viện Nguyễn Tri Phương, xây mới bệnh viện chấn thương chỉnh hình, bãi đậu xe ngầm tại sân vận động Hoa Lư, dự án xử lý rác thải thành năng lượng tại Phước Hiệp (Củ Chi)…

Ông Hashimoto Hidenori, đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết, ngoài hình thức tài trợ không hoàn lại (ODA) truyền thống, JICA hiện có một công cụ tài chính khác để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng với sự tham gia của khu vực tư nhân. Đó là chương trình tài trợ đầu tư khu vực tư nhân (PSIF) thông qua việc cho vay hoặc góp vốn.

Đối với hình thức cho vay, các đối tác có thể vay số tiền từ 10-150 triệu USD tùy theo từng dự án, tuy nhiên khoản vay tối đa từ JICA tương đương với nhà đồng tài trợ lớn nhất hoặc 70% tổng chi phí dự án. Thời gian cho vay có thể lên tới 20 năm, với thời gian ân hạn tối đa 5 năm và kỳ trả nợ 6 tháng/lần. Còn với hình thức góp vốn, JICA sẽ tham gia với tư cách nhà đầu tư thiểu số, góp vốn tối đa 25% trên tổng vốn góp.

Tại Việt Nam, đã có một số dự án được hỗ trợ theo hình thức PSIF. Chẳng hạn như: dự án xây dựng trường dạy nghề tư nhân tại Tp. Hồ Chí Minh do công ty Esuhai đầu tư; khu công nghiệp phức hợp cho thuê lại tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch III tỉnh Đồng Nai; nâng cấp chuỗi giá trị cà phê để hỗ trợ các hộ nông dân cá thể và hỗ trợ đẩy mạnh quản lý trang trại, do Công ty Olam đầu tư và Ngân hàng Phát triển châu Á đồng tài trợ./.

>> Tp. Hồ Chí Minh đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục