Tp. Hồ Chí Minh đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

18:29' - 26/06/2019
BNEWS Theo UBND Tp Hồ Chí Minh, kế hoạch đầu tư năm 2019 đã được thành phố bố trí phù hợp với Luật Đầu tư công và các Nghị định có liên quan; phù hợp nguyên tắc, định hướng đã được HĐND thành phố thông qua.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Nhằm hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2019, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc trong việc triển khai các dự án đầu tư công, giải ngân vốn cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư công, thu hút các nguồn lực cho đầu tư công trên địa bàn.
Trong năm 2019, Tp. Hồ Chí Minh được Trung ương giao kế hoạch đầu tư công là hơn 36.788 tỷ đồng; trong đó, cân đối ngân sách địa phương là 34.619 tỷ đồng, vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là 199 tỷ đồng. Hội đồng nhân dân thành phố thông qua kế hoạch đầu tư công là hơn 33.971 tỷ đồng; trong đó, cân đối ngân sách thành phố là hơn 31.000 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là hơn 1.969 tỷ đồng, vốn ODA cấp phát là 1.000 tỷ đồng.
Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, UBND Tp. Hồ Chí Minh giao và thông báo kế hoạch đầu tư công năm 2019 là hơn 33.170 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách thành phố là 31.000 tỷ đồng, vốn Trung ương là 2.168 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương là hơn 1.969 tỷ đồng và vốn ODA cấp phát từ Trung ương là 199 tỷ đồng.
Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, kế hoạch đầu tư năm 2019 đã được thành phố bố trí phù hợp với Luật Đầu tư công và các Nghị định có liên quan; phù hợp đúng nguyên tắc, định hướng đã được HĐND thành phố thông qua.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, kế hoạch giao tập trung cho các công trình chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm; công trình trọng điểm của thành phố, các dự án đầu tư phát triển hạ tầng xã hội: giáo dục đào tạo, y tế; vốn ODA và vốn đối ứng cho các dự án ODA…
Về giải ngân, theo UBND thành phố, tính đến hết ngày 31/5, tổng số vốn đã giải ngân tại Kho bạc Nhà nước thành phố là 4.974 tỷ đồng, đạt 15% tổng kế hoạch vốn do UBND thành phố giao, đạt 13,5% so với chỉ tiêu được Trung ương giao. Dự kiến đến 30/6, Tp.Hồ Chí Minh sẽ giải ngân được 11.017 tỷ đồng, đạt 33,2 % so với kế hoạch của thành phố giao, đạt 30%  so với chỉ tiêu của Trung ương giao.
Giải thích về việc kế hoạch vốn được giải ngân chậm, UBND thành phố cho biết, các nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến giải ngân kế hoạch vốn như: Các chủ đầu tư chưa quyết liệt đẩy nhanh thực hiện, giải ngân vốn vào thời điểm đầu năm do tâm lý chủ quan, tiến độ thực hiện các công trình bị gián đoạn do các đợt nghỉ lễ kéo dài.
Mặt khác, việc bồi thường giải phóng mặt bằng của các đơn vị chủ đầu tư trên địa bàn thành phố còn thực hiện chậm, kéo dài, đôi khi chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, người dân phản ứng quyết liệt và ít hợp tác trong quá trình thực hiện các bước bồi thường như: không cho thực hiện cắm mốc, kiểm kê, kê khai thiệt hại, cung cấp giấy tờ pháp lý nhà, đất…
Để đạt mục tiêu khối lượng giải ngân cả năm là 32.776 tỷ đồng, đạt 98,8% so với kế hoạch của thành phố giao, đạt 90% so với chỉ tiêu của Trung ương giao, UBND thành phố tập trung triển khai các nhóm giải pháp cụ thể, quyết liệt trong thời gian tới.
Cụ thể, đối với chủ đầu tư, UBND thành phố đề nghị đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm thực hiện tiến độ dự án. Lập hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước thành phố khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối quý  hoặc cuối năm.

Mặt khác, thành phố kiên quyết điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để điều chuyển sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao và có khả năng hoàn thành dứt điểm trong năm.
Các chủ đầu tư không yêu cầu nhà thầu ứng trước vốn thực hiện khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ đầu tư, chưa được quyết định đầu tư hoặc chưa bố trí kế hoạch vốn, gây nợ đọng xây dựng cơ bản và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; đồng thời, phải tự cân đối nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng.
Đối với thủ trường các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trong việc giải ngân kế hoạch vốn các dự án, nếu giải ngân dưới 50% (tính đến 31/7/2019) phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu và cá nhân liên quan; giải ngân dưới 90% (tính hết năm 2019) thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54 của Quốc hội cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan.
Cùng với thực hiện kế hoạch vốn đầu tư một cách hiệu quả, Tp. Hồ Chí Minh cũng triển khai các giải pháp để huy động các nguồn lực cho đầu tư, nhất là đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư với các hình thức đa dạng, hiệu quả.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố tăng cường các biện pháp để quản lý nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật; đồng thời tích cực giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực thuế để tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Mặt khác, sử dụng hợp lý nguồn vốn ngân sách nhà nước như một công cụ dể kích thích, kêu gọi đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phục vụ đời sống an sinh xã hội của thành phố.
Thành phố tập trung tà soát lại toàn bộ quỹ nhà tái định cư trên địa bàn, có phương án điều chuyển hoặc bán đấu giá quỹ nhà tái định cư đến nay chưa bố trí được để thu hồi vốn ngân sách tạm ứng, tránh xuống cấp, gây lãng phí; đồng thời, rà soát, kiểm tra tình trạng sử dụng đất công nhằm đảm bảo sử dụng đúng mục đích hiệu quả; tăng cường đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tiếp tục tăng cường thu hồi, đấu giá quyền sử dụng đất phục vụ cho nhu cầu đầu tư trên địa bàn thành phố.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xã hội hóa đầu tư, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố xây dựng môi trường đầu tư ổn định, an toàn, bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp, sở hữu trí tuệ và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Cùng với đó, thành phố khuyến khích thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư để kêu gọi xã hội hóa, tổ chức đấu thầu công khai theo quy định để chọn nhà đầu tư thực hiện; thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực, chủ động tìm kiếm và đề xuất nhà đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào dịch vụ công (hợp tác công tư, kích cầu…); ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong lập, tham mưu, đánh giá, bố trí kế hoạch vốn đầu tư công để rút ngắn thủ tục hành chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án./.
Xem thêm:

>>Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh

>>TP Hồ Chí Minh gặp khó trong triển khai Đề án đô thị thông minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục