Thu phí rác thải theo khối lượng ở Việt Nam: Bài 1- Các quốc gia thành công đã làm gì?

12:50' - 18/10/2020
BNEWS Tính đến năm 2018, hơn 60% các địa phương ở Nhật Bản đã áp dụng hệ thống thu phí đối với rác đốt được và 50% đối với rác không đốt được từ các hộ gia đình.

 

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2014 (sửa đổi) tiếp tục được trình Quốc hội tại kỳ họp khai mạc cuối tháng 10 năm 2020 có đề xuất chính sách liên quan đến trách nhiệm của người dân trong thu gom, xử lý rác thải.
Thông qua việc áp dụng các chính sách quản lý, công cụ kinh tế linh hoạt, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2014 sửa đổi sẽ tạo sự thay đổi lớn trong nhận thức về quyền, trách nhiệm, cách ứng xử của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, điều chỉnh hành vi của người dân theo hướng có lợi cho môi trường.
Đặc biệt, theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, cách thu phí rác thải theo khối lượng - người xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người hay hộ gia đình như Luật hiện hành áp dụng trong thời gian dài vừa qua.
Thực hiện chính sách này, Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực đã thành công từ nhiều năm trước.
Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm 2 bài viết “Thu phí rác thải theo khối lượng”.
Bài 1- Các quốc gia thành công đã làm gì?
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền, việc xử lý rác thải ở Nhật Bản, Hàn Quốc đã từng là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là do chưa thể phân loại rác thải tại nguồn. Nhưng các quốc gia này đã thực hiện sớm và thành công với chính sách thu phí rác thải theo khối lượng.
Chuyên gia thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản Hideki Wada cho biết: Tại Nhật Bản, hệ thống phí quản lý chất thải rắn/phí vệ sinh gồm hệ thống thu cào bằng, thu phí theo lượng phát thải đã được áp dụng từ những năm 40 và tăng dần đến những năm 60 của thế kỷ trước.

Nhưng vào những năm 70 và 80 của thế kỷ 20, các địa phương có phong trào miễn thu loại phí này. Tuy nhiên, từ những năm 90, việc thu phí dần được áp dụng trở lại, sự thay đổi từ hệ thống thu phí cào bằng sang thu phí theo lượng phát thải từ những năm đầu của thập niên 2000.
Tính đến năm 2018, hơn 60% các địa phương ở Nhật Bản đã áp dụng hệ thống thu phí đối với rác đốt được và 50% đối với rác không đốt được từ các hộ gia đình. Trong cả hai trường hợp trên, 97% là thu phí theo lượng phát thải.
Với bối cảnh như vậy, chính quyền các địa phương đã phải rất cố gắng để đưa vào áp dụng hệ thống thu phí theo khối lượng phát thải vì hệ thống mới này yêu cầu người dân phải chi trả nhiều hơn.

Sự phản đối, thậm chí là biểu tình từ phía người dân không hề nhỏ. Chính quyền các đô thị phải hết sức nỗ lực để giải thích lý do và mục đích áp dụng thu phí theo lượng phát thải cũng như nội dung và cách thức triển khai mô hình một cách chi tiết đến người dân.
Ông Hideki Wada chia sẻ về một trường hợp cụ thể tại thành phố Hino ở vùng Tama thuộc Tokyo. Đây là một trong những thành phố tiên phong áp dụng hệ thống thu phí theo lượng phát thải, đã phải cải tổ hệ thống quản lý chất thải rắn (còn gọi là phong trào Gomi-kaikaku) bằng cách thay đổi hệ thống thu gom tại các thùng cố định thành thu gom rác tại hộ gia đình (thu tại cửa), giới thiệu hệ thống thu phí theo lượng phát thải đến người dân thông qua các túi “trả trước”, giá bán các túi bao gồm một phần chi phí quản lý chất thải rắn vào tháng 10 năm 2000.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thị trưởng thành phố, hơn 600 cuộc họp giải thích, các bài phát biểu tại các địa điểm công cộng với sự tham gia của hơn 30.000 người trên tổng số 168.000 người dân của thành phố đã được tổ chức từ tháng 5 năm 1999 đến tháng 9 năm 2000.

Thị trưởng thành phố cũng tham gia các buổi họp, phát biểu trước nhân dân thành phố. Việc thực hiện các hoạt động giải thích, tuyên truyền đến người dân không chỉ có sự tham gia của các công chức hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, các công chức các ngành khác cũng tham gia một cách tình nguyện nhằm tạo được hiệu quả cao nhất cho việc cải tổ hệ thống quản lý chất thải rắn Gomi-kokukai.
Vấn đề của các hoạt động tuyên truyền, vận động này không phải nằm ở con số các buổi họp, các bài phát biểu được thực hiện mà là sự lãnh đạo quyết liệt của chính quyền thành phố, sự quyết tâm và nỗ lực được thể hiện tới người dân. Kết quả, thành phố đã giảm được 38% lượng chất thải cần xử lý và điều kiện vệ sinh môi trường cũng như mỹ quan đô thị được cải thiện rất nhiều.
Ông Hideki Wada nhấn mạnh, với việc áp dụng thu phí theo lượng phát thải, hệ thống phân loại rác tại nguồn cũng được triển khai một cách hiệu quả hơn, khối lượng rác cần xử lý cũng được giảm thiểu và đóng góp vào việc kéo dài tuổi thọ của các bãi chôn lấp.

 

Theo cựu Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Kim In Wan, việc thu gom, xử lý rác thải ở Hàn Quốc cũng đã từng là vấn đề nghiêm trọng. Nhà nước nhận thức được vấn đề cũng như nỗ lực truyền thông để hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn, tạo điều kiện cho việc tái chế nhưng không đạt hiệu quả sau 4-5 năm thực hiện do người dân không thu được lợi ích, không có động lực.
Năm 1995, Hàn Quốc quyết định ban hành chính sách thu phí chất thải dựa trên khối lượng, trở thành nước đầu tiên trong khu vực Đông Bắc Á áp dụng việc thu phí theo khối lượng ở phạm vi toàn quốc - trước đó Nhật Bản cũng áp dụng mô hình này nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp ở một số thành phố.
Phương thức thu phí được thực hiện thông qua việc bán túi thu gom, với giá tùy theo kích cỡ cụ thể của túi. Chính phủ bắt buộc người dân xả thải trong túi này, riêng rác thải có thể tái chế được thì không cần thu gom vào túi. Tiền bán các túi thu gom chiếm 40% tổng chi phí xử lý rác, Nhà nước bù 60% còn lại. Nhờ thực hiện theo chính sách này, đến nay, lượng rác thải được tái chế ở Hàn Quốc đã nâng lên được 60-70%, tùy từng địa phương.
Ông Kim In Wan chia sẻ, khi mới đưa chính sách vào cuộc sống, ở Hàn Quốc có hai nhóm quan điểm. Cụ thể, việc áp dụng trên phạm vi toàn quốc đi kèm với lo ngại rằng điều này sẽ không khả thi vì có sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị hoặc áp dụng ở khu vực thành thị sẽ kèm với lo ngại vùng này làm, vùng kia không làm dễ dẫn tới không đồng nhất. Sau khi cân nhắc, Hàn Quốc chọn áp dụng trước ở các thành phố lớn, các vùng dân cư tập trung đông kể cả ở nông thôn.

Khi mới triển khai, chính quyền các khu vực đã thực hiện phân ra hai loại túi là tái chế và không tái chế được. Sau 15 năm, có thêm quyết định tách đôi loại túi, trong đó có túi rác thực phẩm chứa thức ăn, đồ nấu nướng vì nếu để chung sẽ gây mùi và thực chất loại rác này có thể chuyển thành phân bón.
Khoảng 3-4 năm sau khi chính sách này được ban hành, hệ thống vận hành tốt ở cả thành thị và nông thôn. Kết quả là chất thải phát sinh giảm 16,6% (1994-2001). Năm 1994 mỗi ngày một người thải ra 1,3 kg rác thải đã giảm xuống còn 1,01kg vào năm 2001. Đồng thời, tỷ lệ tái chế tăng từ 15,7% năm 1994 lên 43,1% năm 2001.
Tại các nước Nhật Bản và Hàn Quốc, chính quyền phải đối mặt với sự phản kháng của người dân lúc ban đầu. Khó khăn lớn nhất ở Hàn Quốc là ban đầu các gia đình tiếc tiền nên họ không muốn dùng túi thu gom mà dùng túi khác, tránh camera theo dõi ở các điểm thu gom hoặc xả rác ra các khu vực đất trống không có sự giám sát.

Để khắc phục, chính quyền địa phương quyết định, cơ quan thu gom rác thải sẽ không thu gom những túi rác không đúng chủng loại. Khu vực đấy sẽ trở nên bẩn thỉu, buộc cộng đồng dân cư ở đó phải có cơ chế tự giám sát để ngăn việc xả trộm rác thải.
Ở Nhật Bản, một số trường hợp đổ thải trộm phát sinh sau khi thực hiện hệ thống mới như việc đổ rác tại các địa điểm công cộng hay tại các thùng rác của siêu thị.

Để giải quyết vấn đề này, một số giải pháp đã được đưa ra như: không đặt thùng rác tại các địa điểm công cộng, các cửa hàng bán lẻ, tuần tra phát hiện các đối tượng đổ trộm, đặt camera quan sát hay sự giám sát của chính cộng đồng người dân. Tình trạng đổ trộm rác cũng giảm dần và kết thúc sau một vài tháng vì thực sự sẽ rất khó khăn với người dân nếu ngày nào cũng phải mang rác đi vứt trộm ở đâu đó./.
>>Bài 2: Muộn còn hơn không

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục