Thủ phủ bánh chưng vào vụ cao điểm sản xuất lớn nhất năm

15:20' - 23/01/2025
BNEWS Thủ phủ bánh chưng Hà Nội - Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) đang vào vụ cao điểm sản xuất bánh chưng lớn nhất năm.
Mỗi ngày, làng nghề xuất xưởng hàng vạn chiếc bánh để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán 2025.

Ông Nguyễn Đăng Ngữ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tổng hợp Dịch vụ Thương mại Văn Khúc cho biết, vụ bánh chưng Tết năm nay bắt đầu từ ngày 10 tháng Chạp cho tới đến ngày 28 - 29 tháng Chạp. Trong dịp này, mỗi hộ sẽ gói từ 10.000 - 15.000 bánh chưng, ước tính sản lượng của 105 hộ đạt hơn 1 triệu chiếc cung cấp ra thị trường.

 
Theo chị Nguyễn Thị Thu (52 tuổi), một trong những cơ sở sản xuất bánh chưng lớn nhất làng nghề, cao điểm nhất là kể từ 25 tháng Chạp trở đi, có ngày nhà chị làm hơn 1 vạn chiếc bánh bán ra thị trường. Ngoài đổ cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, các tỉnh thành lân cận, bánh chưng của gia đình chị Thu còn bán vào cả trong Nam. Thậm chí nhiều khách hàng còn mua để gửi cho người thân đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài.

Chị Thu chia sẻ, để sản xuất số lượng bánh lớn trong khoảng thời gian ngắn như vậy, cách đây gần 20 năm về trước, gia đình chị Thu đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư hệ thống nấu bánh chưng bằng nồi điện để thay thế hình thức luộc bánh chưng bằng củi, than. Nhờ đó kịp thời, nhanh chóng đáp ứng những đơn hàng đột xuất, đơn đặt với số lượng lớn của các khách hàng, trong đó có nhiều cơ quan, doanh nghiệp.

Một điểm đặc biệt trong cách gói bánh của người dân làng nghề Tranh Khúc là họ không sử dụng khuôn mà hoàn toàn gói thủ công bằng tay.

“Gói bánh chưng bằng khuôn sẽ không chặt, khi luộc lên bánh dễ bị nát, nước ngấm vào khiến bánh không giữ được hương vị, không để được lâu. Với gói bánh bằng tay, trung bình 1 tiếng chúng tôi gói được từ 100 - 150 chiếc bánh” bà Bạch Thị Hòa, Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ thôn Tranh Khúc, cũng là cơ sở sản xuất bánh chưng chia sẻ.

Còn về giá bán, bánh chưng dịp Tết thường có giá cao hơn so với ngày thường một chút. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào kích cỡ của bánh chưng, nhưng hiện nay có các loại giá như: 50.000 đồng, 70.000 đồng, 80.000 đồng, 100.000 đồng... Nếu khách hàng có yêu cầu hút chân không để bánh bảo quản được lâu hơn thì giá sẽ cao hơn một chút.

Dù ở nước ta có rất nhiều làng nghề sản xuất bánh chưng nổi tiếng, nhưng bánh chưng Tranh Khúc từ xưa tới nay vẫn luôn chiếm một chỗ đứng quan trọng trên thị trường. Để tạo nên được vị thế đó, việc lựa chọn nguyên liệu để làm bánh rất khắt khe, yêu cầu phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, bánh tuyệt đối không được sử dụng chất phụ gia, không chất bảo quản và các sản phẩm đều được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; có logo, mã vạch riêng giúp khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đại diện lãnh đạo xã Duyên Hà cho biết, để đẩy mạnh và nâng cao giá trị thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc, chính quyền địa phương đã khuyến khích các hộ sản xuất bánh chưng xây dựng sản phẩm đạt thương hiệu OCOP. Đến nay, trên địa bàn làng nghề đã có 3 cơ sở sản xuất bánh chưng được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm); trong đó, có một hộ đạt OCOP 4 sao.

Nhờ có hướng đi đúng đắn đã giúp sản phẩm bánh chưng Tranh Khúc không chỉ xây dựng được thương hiệu trong nước, mà còn “xuất khẩu” ra các thị trường có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống và định cư như: Ba Lan, Liên bang Nga, Đức, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hoà Séc...

Chị Nguyễn Phương Hường (44 tuổi), người làng Tranh Khúc, hiện đang sinh sống và định cư tại Vacsava (Ba Lan) cho biết, các sản phẩm bánh Tranh Khúc do gia đình tôi sản xuất luôn được các khách hàng ở đây ưa chuộng. Thậm chí có nhiều người còn mua để gửi cho người thân ở các quốc gia lân cận như: Đức, Cộng hoà Séc, Ukraine…

Từ năm 2011, làng Tranh Khúc đã được UBND thành phố Hà Nội trao tặng bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. Năm 2023, xã Duyên Hà cũng được công nhận là xã điểm du lịch của Hà Nội.

“Với những điều kiện thuận lợi đó, UBND xã sẽ triển khai đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn theo hướng du lịch trải nghiệm, hướng tới giới thiệu mô hình sản xuất bánh chưng tới du khách trong và ngoài nước”, bà Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Duyên Hà thông tin.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục