Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động

20:23' - 02/10/2021
BNEWS Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều 2/10, hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc giải ngân các gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kế hoạch đi lại của người dân sau khi các địa phương mở cửa trở lại, kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021, thời gian thí điểm Mobile Money… đã được lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp.

*Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động

Trả lời về việc thực hiện các gói hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, biện pháp triển khai hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động. Ngoài Nghị quyết 42 năm 2020, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68, Quyết định 23 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó là hỗ trợ gạo, túi an sinh xã hội.

Gần đây nhất, ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 03 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 116, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 28 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền 38 nghìn tỷ đồng.

Đối với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho hay, đến ngày 1/10 đã giải ngân được 15.300 tỷ đồng với 18,32 triệu đối tượng được thụ hưởng. Trong đó, nhóm chính sách về bảo hiểm là 5,09 nghìn tỷ đồng; nhóm hỗ trợ tiền mặt là 10.000 tỷ đồng; nhóm chính sách cho vay vốn đã giải ngân 461,1 tỷ đồng.

Đối với gói hỗ trợ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 116, đến ngày 1/10, đã hỗ trợ giảm đóng cho 137.826 đơn vị (số tiền hơn 3.469 tỷ đồng), số người được hỗ trợ tiền mặt là 3.570 người (số tiền hơn 10 tỷ đồng).

“Với khoản hỗ trợ theo Nghị quyết 116, chúng tôi cố gắng trong 45 ngày sẽ triển khai xong. Trong quá trình đó, chúng tôi tiếp tục theo dõi xem dịch bệnh COVID-19 tác động như thế nào đến người dân để tiếp tục có những tham mưu cho Chính phủ”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin.

Số gạo đã xuất cấp cho các địa phương là hơn 156 nghìn tấn, hỗ trợ cho hơn 2,4 triệu hộ với tổng số hơn 9 triệu nhân khẩu ở 30 địa phương.

* Khôi phục hoạt động vận tải phù hợp với từng cấp độ phòng chống dịch

Nêu ý kiến của Bộ Giao thông vận tải về việc tổ chức đi lại, giao thông của người dân khi mở cửa trở lại, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, quan điểm chung của Bộ là làm sao để tổ chức vận tải tốt, duy trì hoạt động vận tải chung để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Bộ quyết định tổ chức vận tải trong điều kiện cao điểm phòng, chống dịch và tương ứng với từng khu vực trên địa bàn cả nước.

Từ tháng 8/2021, Bộ đã ban hành hướng dẫn vận tải trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Thực tế, hiện tại vận tải hàng hóa lưu thông không  vấn đề gì, đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ cho sinh hoạt của người dân.

Riêng về vận tải hành khách, trên cơ sở điều kiện phòng, chống dịch, trong thời gian không thực hiện vận tải liên tỉnh, Bộ đã xây dựng một hướng dẫn mới cho 5 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, ban hành ngày 30/9. Hướng dẫn này Bộ lấy ý kiến của tất cả địa phương, bộ, ngành liên quan và đặc biệt là trên cơ sở của Bộ Y tế.

Hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải về tổ chức vận tải đã yêu cầu các Sở Giao thông vận tải địa phương, doanh nghiệp tổ chức vận tải thực hiện các quy định, trong đó phải tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với kiểm soát người đi lại. Quan điểm là khôi phục hoạt động vận tải phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Bộ cũng quy định riêng cho đơn vị vận tải phải làm xét nghiệm nào, kiểm tra giấy tờ gì khác ngoài hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc tổ chức vận tải theo tinh thần chung là phân cấp cho các địa phương. Việc mở cửa nới lỏng tới đâu thì đưa các phương thức vận tải phù hợp tới đó.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, sau khi có hướng dẫn thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, chắc chắc việc đi lại sẽ thuận lợi hơn, kể cả cho các phương tiện giao thông, kể cả người dân.

*Hai kịch bản tăng trưởng GDP

Về kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã trình Chính phủ 2 kịch bản, dựa trên kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2021 và triển vọng 3 tháng cuối năm.

Với kịch bản thứ nhất, nếu tăng trưởng cả năm đạt 3%, thì tăng trưởng quý IV phải đạt 7,06% trở lên. Với kịch bản thứ hai, tăng trưởng cả năm đạt 3,5%, muốn vậy tăng trưởng quý IV phải đạt 8,84% trở lên. Ông Phương cho rằng, tăng trưởng quý từ 7% trở lên trong quá khứ chúng ta đã từng đạt được. Tuy nhiên, tăng trưởng quý IV còn phụ thuộc vào đề án thích ứng an toàn COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, để đạt tăng trưởng cao, doanh nghiệp phải được hoạt động, không bị “đóng băng”. Lao động cũng được dịch chuyển. Do đó, Chính phủ cần có quy định y tế để lao động được dịch chuyển một cách an toàn.

Hàng hóa phải được lưu thông ở cả đầu vào và đầu ra mới hỗ trợ được cho tăng trưởng. Các khu vực phục hồi lại đạt được 80% công suất so với trước đây cũng là thành công lớn trong phục hồi kinh tế.

*Triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ

Trao đổi về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ (Mobile-Money) theo Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được đăng ký triển khai hoạt động mobile money của 3 đơn vị đăng ký, đó là: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT và Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển văn bản, hồ sơ lấy ý kiến thống nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, vì đây là vấn đề đòi phải hết sức chặt chẽ, đúng quy định.

“Về cơ bản, chúng tôi cũng đã thống nhất và hy vọng trong tháng 10 này, 3 bộ, ngành sẽ thống nhất hồ sơ của các đơn vị này. Khi đủ điều kiện và được sự thống nhất chung, sẽ quyết định cho cấp phép để 3 đơn vị triển khai dịch vụ này”, ông Đào Minh Tú nói.

Theo ông Đào Minh Tú, lý do 3 bộ, ngành cùng tham gia quản lý hoạt động này là do đây là hoạt  động phức tạp, đòi hỏi phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng, cho người dân, cũng như an toàn cho hệ thống thanh toán. Đây là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng công nghệ (điện thoại di động của người dân), thuận tiện cho người dân nhưng cũng đòi hỏi phải hết sức an toàn, tránh bị lợi dụng.

Đối với việc triển khai thí điểm, lúc đầu dự định triển khai tại một số địa phương; nhưng sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân nhắc, sẽ cho triển khai đồng bộ trên cả nước, thời gian thí điểm khoảng 2 năm. Sau khi thí điểm hoàn thành sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá và cho triển khai chính thức chương trình này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục