Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Sản xuất công nghiệp bắt đầu giai đoạn tăng trưởng tốt

18:08' - 05/08/2024
BNEWS Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 cho đến nay, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, tiếp đà đi lên, cho thấy Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Bảy diễn ra chiều 5/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 cho đến nay, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, tiếp đà đi lên cho thấy Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt.

 

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm, là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 đến nay. Sản lượng tăng mạnh do số đơn đặt hàng mới đã tốt lên tháng thứ 4 liên tiếp. Do vậy, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng Bảy tăng 0,7% so với tháng trước và tăng tới 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương, trong đó thì có một số địa phương chỉ số tăng trưởng rất là cao như là Khánh Hòa, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, có được kết quả trên là do năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã có sự chuyển biến tích cực và sẵn sàng để tận dụng những cơ hội tiếp cận những thị trường mới trong thời gian tới.

Cùng với đó, niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài đã được củng cố mạnh mẽ và tích cực từ các chính sách hỗ trợ sản xuất như sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm; kết quả thu hút giải ngân vốn FDI khả quan, giúp tăng thêm năng lực cho sản xuất trong nước…

Một nguyên nhân nữa phải kể đến là Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp nắm bắt tốt các cơ hội thị trường, phục hồi các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt trong các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, nông sản, thực phẩm…

"Nói như thế cũng không phải chúng ta không có những thách thức khi mặc dù đã được cải thiện nhiều, tuy nhiên nội lực của sản xuất trong nước còn yếu, trong khi tình hình thị trường thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp với những căng thẳng về địa - chính trị, cạnh tranh ngày càng gia tăng. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu có thể xảy ra và hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường. Cùng với đó, áp lực về các vụ điều tra phòng vệ thương mại cũng là những thách thức chúng ta phải tính toán", Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết.

Theo đó nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng cuối năm 2024, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách; tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, tập trung triển khai các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để khuyến khích đầu tư, phát triển các dự án trọng điểm, tạo đà tăng trưởng công nghiệp những năm tiếp theo.

Đối với phát triển sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản…; tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trong và ngoài nước cùng các tổ chức quốc tế thúc đẩy liên kết, nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng nội địa…

Cùng với đó, khuyến khích việc tăng cường mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nguyên liệu nhập khẩu và trong nước mà trong nước đã sản xuất được; đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục