Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Không để còn huyện "trắng" xã nông thôn mới

21:35' - 02/07/2020
BNEWS Chiều 2/7, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020 đã làm việc tại Kon Tum về Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, miền núi.

Chiều 2/7, tại thành phố Kon Tum, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020 do ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum.

Nội dung làm việc về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa bàn các xã khó khăn, miền núi; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) và tình hình hoạt động, phát triển hợp tác xã nông nghiệp của địa phương

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu, với hai huyện chưa có xã nông thôn mới, tỉnh Kon Tum phải dồn sức giúp mỗi huyện có 1 xã nông thôn mới để không còn huyện "trắng" xã nông thôn mới, đây là chỉ tiêu quốc gia.

Với 58 thôn, làng chưa có chỉ tiêu nào đạt chuẩn, tỉnh cần xây dựng đề án nâng cao sinh kế, lấy việc thoát nghèo cho người dân là then chốt.

Với các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu theo Chỉ thị Thủ tướng, Trung ương hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 phải đạt nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh Kon Tum cần có đề án cụ thể để đưa các nguồn đầu tư từ chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo…vào hỗ trợ nhưng, việc đầu tư cần tránh trùng lắp, chồng chéo.

Ngoài ra, tỉnh Kon Tum nên xem xét thí điểm quy hoạch khu dân cư nông thôn mới ở khu biên giới để vừa bảo đảm chủ quyền quốc gia, vừa góp phần nâng cao đời sống, ổn định dân cư. Từ đó, tiến tới nhân rộng mô hình khi triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn mới 2021 - 2025.

Đối với Chương trình OCOP, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, tỉnh Kon Tum nên tổ chức hội nghị các cấp để mọi người hiểu về ý nghĩa của chương trình, từ đó khơi dậy tiềm năng, phát triển lợi thế ở các địa phương.

Về nội dung phát triển hợp tác xã nông nghiệp, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, tỉnh Kon Tum cần xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể trong phát triển hợp tác xã và đặt mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021- 2025.

Tỉnh có thể nghiên cứu, xem xét tham gia chương trình cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm giống đến chăm sóc, thu hoạch do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai.

Theo ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã nỗ lực trong việc xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, song thực tế còn nhiều hạn chế. Nhất là trong việc huy động xã hội hóa khi cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Hiện tỉnh Kon Tum mới có 26/85 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân là 14 tiêu chí/xã. Riêng đối với các xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, toàn tỉnh mới có xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) được công nhận xã nông thôn mới.

Với các tiêu chí nâng cao, toàn tỉnh chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; chưa có thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Đối với Chương trình OCOP, đến nay, tỉnh có 19 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 4 sao cấp tỉnh và mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 138 sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, tỉnh Kon Tum mong muốn mở rộng, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, giúp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này, thay vì sản xuất theo đơn đặt hàng riêng lẻ hiện nay.

Ngoài ra, đại diện UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ xây dựng các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trong giai đoạn mới 2021-2025; trong đó, phải có cơ chế các xã vùng sâu, vùng xa…

Dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tổ chức tập huấn triển khai Chương trình OCOP khu vực miền Trung và Tây Nguyên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục