Thủ tướng chỉ rõ một số hạn chế tỉnh Hòa Bình cần khắc phục

18:52' - 13/04/2024
BNEWS Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ một số hạn chế mà Hòa Bình cần khắc phục như tăng trưởng GRDP không đạt kế hoạch; năng lực cạnh tranh chưa cao, một số dự án chậm tiến độ, quản lý đất đai còn bất cập.

Trong chương trình công tác tại tỉnh Hòa Bình, chiều 13/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao và giải đáp một số kiến nghị của tỉnh.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế.

Theo Tỉnh ủy Hòa Bình, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, nhất là nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hòa Bình đã nỗ lực, đạt những kết quả quan trọng. Năm 2023 đạt và vượt kế hoạch 15/19 chỉ tiêu; đẩy mạnh chuỗi liên kết, chuyển dịch cơ cấu cây trồng; tăng cường cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; xuất khẩu đạt gần 1,7 tỷ USD; khách du lịch đạt 3,2 triệu lượt khách. An sinh và phúc lợi xã hội được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,09%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 62% tổng số xã.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, việc làm đạt kết quả tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo.

Trong quý I/2024, các động lực đều đạt mức tăng trưởng cao, trong đó nông nghiệp tăng 4,56%, công nghiệp tăng 6,88%, dịch vụ tăng 5,06%, xuất khẩu tăng 32,05%, khách du lịch đạt 1,6 triệu lượt khách; đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, giải ngân quý I đạt 14%, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng.

Đặc biệt, đối với 12 nội dung nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm 2023, đến nay có 6 nội dung Hòa Bình đã hoàn thành, đó là, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng đường tránh dốc Cun - Quốc lộ 6; bổ sung quy hoạch 7 khu công nghiệp; hỗ trợ kinh phí để di dời và xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh tại vị trí mới; xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng CT229 (vùng an toàn khu cách mạng); giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh. Còn lại 6 nội dung đang tiếp tục thực hiện.

Hòa Bình kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, điều chỉnh một số dự án phát triển hạ tầng giao thông như các dự án đường liên kết vùng, liên vùng trên địa bàn tỉnh; sớm xem xét, phê duyệt Đề án phát triển các xã thuộc vùng CT229 của tỉnh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương báo cáo, đánh giá công tác phối hợp, triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm 2023 về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình; giải đáp các đề xuất, kiến nghị và gợi mở các nhiệm vụ, giải pháp để Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững.

Lãnh đạo các bộ, ngành cho biết, tiếp tục phối hợp với tỉnh phát triển hạ tầng; thúc đẩy phát triển du lịch gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Hòa Bình, nhất là văn hóa xứ Mường; phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; cây công nghiệp, cây ăn quả, dược liệu; công nghiệp chế biến...

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả Hòa Bình đã đạt được trong thời gian qua, với 5 điểm hơn: chuyển biến tích cực hơn về nhận thức về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; thể hiện tinh thần tự lực, tự cường nhiều hơn; kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị cao hơn; đầu tư cho phát triển tập trung hơn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên, các cấp chính quyền tốt hơn.

Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế mà Hòa Bình cần khắc phục như tăng trưởng GRDP không đạt kế hoạch; năng lực cạnh tranh chưa cao, một số dự án đầu tư chậm tiến độ, quản lý đất đai, tài nguyên còn những bất cập, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế...

Trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hòa Bình phải thực hiện hiệu quả Quy hoạch đã được phê duyệt, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển; hình thành không gian phát triển mới, tạo giá trị mới.

Trong đó, phát triển Hòa Bình theo mô hình tập trung đa cực, 2 hành lang kinh tế Đông – Tây và phía Đông và 3 vùng công nghiệp là vùng công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao; vùng không gian tăng trưởng công nghiệp mới; vùng phát triển công nghiệp mang tính địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh Hòa Bình tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh". Theo đó, “1 trọng tâm” là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới. “2 tăng cường” là tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người, xã hội và tăng cường kết nối vùng, trong nước và quốc tế. “3 đẩy mạnh” gồm: đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tỉnh Hòa Bình phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, đặc biệt là phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa; hình thành các vùng động lực làm đầu tàu phát triển; phát triển các ngành động lực để thúc đẩy tăng trưởng, tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa bản sắc…; nông nghiệp sạch, hữu cơ, chất lượng cao; tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết kinh tế, khai thác tốt vai trò kết nối vùng giữa Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hòa Bình đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, đẩy mạnh hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông các nguồn lực; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, vừa hình thành các doanh nghiệp lớn, vừa nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng; đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực cho các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số. Chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển rừng và đa dạng sinh học; phát triển bền vững hài hòa theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Chú trọng xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh về nhiệm vụ phát triển hạ tầng kết nối và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các sản phẩm OCOP.

Nhất trí giải quyết các kiến nghị của tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao đầu năm 2023 về lập hồ sơ 2 di chỉ là di tích quốc gia đặc biệt và lập hồ sơ công nhận nền Văn hóa Hòa Bình là di sản thế giới; hỗ trợ kinh phí xây dựng không gian Văn hóa Hòa Bình; thực hiện các dự án kè chống sạt lở cấp bách 2 bờ sông Đà và tăng cường khả năng thoát lũ, giảm ngập lụt cho lưu vực sông Lạng; các cơ chế, chính sách đối với Thủy điện Hòa Bình; thực hiện dự án tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đầu tư nâng cấp quốc lộ 15 đoạn Km0 - Km20 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Hòa Bình sẽ phát triển mạnh mẽ; đóng góp ngày càng tích cực vào phát triển vùng và cả nước.

* Trước đó, vào chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ khởi công Nhà máy sản xuất, chế tạo các bảng mạch in điện tử (PCB) tại Khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà, thành phố Hòa Bình – Nhà máy thứ 5 của Công ty MEIKO, Nhật Bản tại Việt Nam.

MEIKO là công ty chuyên sản xuất, chế tạo các bảng mạch in điện tử của Nhật Bản. Sản phẩm của Công ty là bảng mạch để phát triển các thiết bị ngoại vi, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, pin mặt trời, các loại chíp vi xử lý, các bộ điều khiển… MEIKO Hòa Bình giai đoạn 1 có mức đầu tư 200 triệu USD và nâng lên 500 triệu USD trong giai đoạn 2; tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động; chuyên sản xuất bảng mạch in điện tử phục vụ ngành công nghiệp sản xuất ô tô và điện thoại thông minh.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng tỉnh Hòa Bình và Công ty MEIKO đã hợp tác chặt chẽ, triển khai dự án; yêu cầu tỉnh Hòa Bình tiếp tục tạo mọi điều kiện cho Công ty xây dựng nhà máy, sớm đưa vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Công ty MEIKO “đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có hiệu quả thiết thực” trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và 3 cùng “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển”.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam thực hiện 5 cam kết: Ổn định đường lối, chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong sự vận động phát triển; thực hiện đột phá về hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả đầu tư cho các nhà đầu tư; thực hiện đột phá về hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam và phù hợp với quá trình phát triển của thế giới; thúc đẩy đột phá về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh thuận lợi, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân.

Cảm ơn MEIKO đã đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD trong 20 năm qua, Thủ tướng Chính phủ mong muốn MEIKO nói riêng và các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài nói chung cùng với sản xuất kinh doanh hiệu quả, thực hiện tốt các quy định pháp luật, bảo vệ môi trường và tham gia đảm bảo an sinh xã hội tại Hòa Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục