Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri tại thành phố Hải Phòng

15:27' - 13/05/2018
BNEWS Ngày 13/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hồng Bàng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hồng Bàng. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Ngày 13/5, trước thềm Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hồng Bàng (thành phố Hải Phòng) để lắng nghe, giải đáp các ý kiến, nguyện vọng của cử tri.

Cuộc tiếp xúc cử tri mang tiếng nói, hơi thở của người dân

Cử tri Hồng Bàng bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Chính phủ về kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là những nỗ lực xuyên suốt của Thủ tướng và tập thể Chính phủ trong thời gian vừa qua đã nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp, lan tỏa trong suốt buổi tiếp xúc cư tri.

Cử tri Đỗ Việt Hưng (phường Quán Toan) bày tỏ sự quan tâm, rất phấn khởi vì những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước liên tục phát triển.

Thủ tướng và tập thể Chính phủ đã thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước và ngày càng củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư. Năm 2017, lần đầu tiên Chính phủ chỉ đạo điều hành cả nước thực hiện hoàn thành 100% các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội đã đề ra, trong đó GDP tăng 6,81% cao nhất từ năm 2011 đến năm 2017, quý I năm 2018, GDP tăng 7,38% cao nhất của quý 1 trong 10 năm gần đây.

Đồng tình và đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020.

Tuy vậy, theo Báo cáo của Chính phủ thì số lượng doanh nghiệp thành lập mới quý I năm 2018 giảm đáng kể so với cùng kỳ 2017. Cử tri Bùi Công Phú (phường Phạm Hồng Thái) đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo có những chính sách cụ thể để thúc đẩy nhanh quá trình khởi nghiệp, nâng cao số lượng các doanh nghiệp mới thành lập và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong thời gian tới.

Ngày 23/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 878/TTg-KTN đồng ý chủ trương xây dựng tuyến đường bộ ven biển đi qua các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các tỉnh phía Bắc, cử tri và nhân dân rất kỳ vọng và đồng tình ủng hộ và mong muốn dự án được đầu tư nhanh và sớm đưa vào hoạt động, nhưng hiện nay dự án còn vướng mắc về thủ tục.

Cử tri Lê Văn Mịch (phường Hùng Vương) đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm chỉ đạo giải quyết vướng mắc và ưu tiên bố trí vốn thực hiện dự án để sớm hoàn thành, phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng Duyên hải Bắc bộ và đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.

Đề cập đến vấn đề giáo dục và đào tạo, cử tri Bùi Thị Khánh (phường Hùng Vương) cho rằng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm phát triển giáo dục, coi "hiền tài là nguyên khí quốc gia", "giáo dục là quốc sách hàng đầu".

Nhiều năm qua đã thực hiện nhiều phương án đổi mới giáo dục, song kết quả chưa được như mong muốn, việc đổi mới giáo dục hiện nay là chưa phù hợp...

Đề nghị thời gian tới Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo đổi mới giáo dục một cách khoa học, thiết thực, sát với thực tiễn đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông, không tạo ra áp lực đối với học sinh, phụ huynh, nhất là trước mỗi kỳ thi chuyển cấp.

Đánh giá cao các biện pháp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt là vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong việc chỉ đạo giải quyết, xử lý nghiêm minh "Không có vùng cấm" nhiều vụ án tham nhũng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng trong năm 2017 và đầu năm 2018. Nhưng việc thu hồi tài sản từ các vụ tham nhũng gặp khó khăn và còn hạn chế.

Vì vậy, cử tri Đồng Xuân Hiển (phường Hoàng Văn Thụ) đề nghị Quốc hội khi xem sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng cần quy định toàn diện hơn, cụ thể về các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản giao dịch có giá trị lớn; việc xử lý các tài sản không chứng minh được nguồn gốc, khai báo sai, hoặc khai báo thiếu… sớm sửa đổi Luật trong năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các cử tri quận Hồng Bàng tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Thống Nhất - TXVN

Hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng khi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri và nhân dân Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng đúng dịp thành phố kỷ niệm 63 năm ngày giải phóng (13/5), Lễ hội Hoa Phượng đỏ. Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu tại buổi tiếp xúc; cho rằng các ý kiến đã đề cập tương đối toàn diện và sâu sắc đến nhiều lĩnh vực từ xây dựng pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, du lịch, khởi nghiệp sáng tạo, của đất nước và địa phương.

Nhấn mạnh đến vấn đề thời sự nhất vừa kết thúc ngày 12/5 - Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Thủ tướng cho biết đây là Hội nghị đặc biệt quan trọng, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất thông qua 3 Nghị quyết quan trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, về cải cách chính sách tiền lương, về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ.

Thủ tướng nêu rõ, phải thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ từ cơ sở; chọn cán bộ đúng người, đúng việc để phục vụ nhân dân.

Đồng thời, phải xử lý nghiêm mọi hành đồng sai trái, từ đó chúng ta có chủ trương, biện pháp về luân chuyển cán bộ, đào tào cán bộ, quy hoạch cán bộ, nhất là đổi địa bàn công tác của cán bộ, như Bác Hồ đã nói "cán bộ nào, phong trào đó".

Hướng cải cách về chính sách tiền lương, Thủ tướng nhấn mạnh, lương thấp là một trong những nguyên nhân của sự tham nhũng vặt.

Do vậy, lương phải đảm bảo cuộc sống cần thiết cho người làm công ăn lương, cho cán bộ hưu trí, cho lực lượng vũ trang, cho doanh nghiệp. Người lao động phải sống được bằng đồng lương của mình và nuôi được gia đình.

Điều này không phải thực hiện ngay được, mà phải đến thời điểm 2021. Theo đó, chúng ta phải khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Về đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Thủ tướng chỉ rõ, phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc "đóng - hưởng," "công bằng", "bình đẳng," "chia sẻ" và "bền vững".

Chúng ta phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế; củng cố niềm tin, sự hấp dẫn và hài lòng của người dân, cũng như các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội.

Làm rõ những nội dung của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV sắp tới, Thủ tướng cho biết đây là Kỳ họp có nội dung lớn liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Quốc hội xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017).

Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019.

Nói về tình hình kinh tế - xã hội cả nước 4 tháng đầu năm 2018, Thủ tướng cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm duy trì ở mức thấp, tăng 2,8%; lạm phát tăng 1,34% so với cùng kỳ năm 2017. Thu, chi ngân sách nhà nước ước đến hết tháng 4 đạt khoảng 33,8% dự toán thu và 26,9% dự toán chi, cơ bản đáp ứng nhu cầu thu, chi của Nhà nước.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cũng đang tập trung cao độ vào công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện chính sách, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, mang hơi thở cuộc sống và phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân.

Nhắc lại Chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ, phải làm sao để hệ thống chính trị, các cấp chính quyền phải đáp ứng tốt hơn nguyện vọng, tình cảm và sự tin tưởng của nhân dân. Chính vì vậy, các cấp chính quyền phải sát dân, lo cho dân để dân với Đảng, Đảng với dân gắn bó, cùng chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi trong xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các cử tri quận Hồng Bàng. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Hoan nghênh ý kiến của các cử tri về quan điểm kiên quyết trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý các vụ án trọng điểm, Thủ tướng nêu rõ, các đại biểu Quốc hội và bản thân Thủ tướng cũng rất quan tâm và lắng nghe để truyền tải vào Quốc hội, Chính phủ, tinh thần này phấn đấu đáp ứng tốt hơn nữa đòi hỏi, nguyện vọng của nhân dân Hồng Bàng, Hải Phòng và cả nước.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của Hải Phòng và quận Hồng Bàng, Thủ tướng cho rằng, địa phương đã có những tiến bộ mạnh mẽ, vươn lên về mọi mặt trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước thời gian qua.

Hải Phòng đã đạt và vượt mọi chỉ tiêu đề ra, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng GDP, đầu tư phát triển, thu ngân sách, nông nghiệp nông thôn.

Thời gian tới đây, một số công trình trọng điểm, thành phố cũng đang chuẩn bị đầu tư, đó là Trung tâm thương mại AEONMALL của Nhật Bản; cầu Tân Vũ - Lạch Huyện số 2; nhà ga hành khách số 2 tại cảng hàng không quốc tế Cát Bi và các bến tiếp theo tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng...

Chưa bao giờ Hải Phòng huy động được nguồn lực mạnh mẽ như hiện nay để dựng xây thành phố; trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện của hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài.

Đặc biệt, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường và giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Thủ tướng nhắc đến sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng Hải Phòng trong vụ bắt giữ được Nguyễn Xuân Thu (sinh năm 1982), Giám đốc Công ty TNHH Vinaca, để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Thủ tướng nhấn mạnh, trên hành trình vươn ra biển lớn, Hải Phòng càng thấm thía lời nhắc nhở của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sự thành công của việc này tất yếu nảy sinh mâu thuẫn khó khăn khác. Vấn đề quan trọng là phải nhận diện được các tồn tại, các mẫu thuẫn phát sinh để có biện pháp khắc phục, có như vậy mới phát huy được kết quả để thành phố phát triển nhanh hơn.

Vui mừng chứng kiến Hồng Bàng đang đổi thay từng ngày với hàng loạt công trình, dự án đang được triển khai, nhất là có sự hợp tác tích cực, tự nguyện và sự ủng hộ cao của nhân dân, Thủ tướng nhắc lại truyền thống lịch sử hào hùng của quân và dân Hồng Bàng trong những năm kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc và mong muốn thành phố Hải Phòng và Hồng Bàng thực hiện mạnh mẽ cuộc cách mạng 4.0, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Thủ tướng đã giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến cơ chế chính sách, giáo dục, đầu tư công, hỗ trợ kinh phí một số công trình, đặc biệt là dự án đường ven biển nối liền 6 tỉnh, thành phía Bắc, khởi nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh đây là quyết tâm lớn của lãnh đạo thành phố, Chính phủ, là dự án có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, qua đó sẽ thúc đẩy Hải Phòng không chỉ phát triển mạnh về nông, công nghiệp mà còn cả về dịch vụ, du lịch, thực sự trở thành một trung tâm của vùng kinh tế phía Bắc../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục