Thủ tướng: Đẩy mạnh cơ chế liên kết vùng trong phát triển kinh tế miền Trung

19:41' - 15/02/2019
BNEWS Trước thềm Hội nghị "Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên”, chiều 15/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị giao ban Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Hội nghị có mục tiêu đánh giá kết quả đạt được của hoạt động liên kết Vùng và thông báo kế hoạch liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong các năm 2019-2020.

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập cách đây 22 năm gồm bốn tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và sau này bổ sung tỉnh Bình Định. Diện tích tự nhiên toàn Vùng vào khoảng 27.881,7km2, chiếm 8,45% diện tích cả nước, dân số 6,5 triệu người, chiếm trên 7,0% dân số cả nước.

Khu vực này cũng có điều kiện thuận lợi để hình thành hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc-Nam và là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, nối Myanmar (Mi-an-ma), Lào, Campuchia với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương.

Đến nay, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã hình thành chuỗi bảy đô thị lớn là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Vạn Tường, Quảng Ngãi và Quy Nhơn với các trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại.

Sau khi nghe ý kiến của các thành viên Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, phát biểu tại hội nghị giao ban, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến “tinh thần tự lực, tự chủ vươn lên” đối với các địa phương miền Trung.

Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong thời gian qua, hoan nghênh một số địa phương từ chỗ tinh hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn đến nay đang vươn lên mạnh mẽ.

Thủ tướng nhìn nhận: Hạ tầng giao thông khu vực miền Trung ngày càng được hoàn thiện cả về hàng không, đường sắt, đường biển, đường bộ. Toàn Vùng đã hình thành được 11 Khu kinh tế ven biển với nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai, hứa hẹn những đổi thay to lớn trong thời gian tới.

Lưu ý đến ý nghĩa quan trọng của công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, Thủ tướng đề nghị Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung cần nghiên cứu, đề xuất những cơ chế theo hướng khắc phục tư duy cũ, không còn phù hợp để Chính phủ xem xét, giải quyết. Trên cơ sở đó, Hội đồng Vùng cần khắc phục yếu kém trong quản lý điều hành; áp dụng những biện pháp, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế xã hội.

Đề nghị các tỉnh thuộc khu vực miền Trung phải nỗ lực hơn nữa, đóng góp quan trọng hơn nữa đối với phát triển du lịch của đất nước, Thủ tướng cũng gợi ý các địa phương trong Vùng thúc đẩy hiệu quả hoạt động của những khu công nghiệp chế tạo, chế biến; ứng dụng mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa vào sản xuất.

Thủ tướng mong muốn các tỉnh miền Trung cần tận dụng tốt hơn nguồn lực đất đai, con người trong phát triển kinh tế xã hội; nhấn mạnh Nhà nước chỉ hỗ trợ, giải quyết những công trình hạ tầng quan trọng như sân bay, bến cảng. Còn những lĩnh vực khác thì các địa phương phải tự cân đối quỹ đất, tìm kiếm nguồn vốn để phát triển.

Nhắc đến phương châm hành động của Chính phủ năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh và đặt câu hỏi về sự “bứt phá” trong kế hoạch phát triển của mỗi địa phương miền Trung, lưu ý các tỉnh trong Vùng cần đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường cơ chế liên vùng trong hoạch định chính sách phát triển.

Đi sâu hơn vào vấn đề này, Thủ tướng đề nghị các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung cần chú trọng yếu tố liên kết vùng trong phát triển du lịch. Cụ thể, cần có sự phối hợp trong việc xây dựng các tour, tuyến du lịch; làm đường ven biển và nhất là nghiên cứu hình thành liên kết các cảng du lịch để phát huy thế mạnh du lịch biển. Cùng với đó là nâng cấp sân bay, mở cửa bầu trời để thu hút khách du lịch quốc tế trên cơ sở đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hóa./.

>>> Sẽ có cơ chế đặc thù về đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục