Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp cùng đất nước phát triển
Tại hội nghị, lãnh đạo các ngân hàng cam kết đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy tín dụng xanh; cung cấp tính dụng cho các chương trình lớn của đất nước, nhất là các dự án hạ tầng… Trong đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Cổ phần thương mại Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, vừa qua Vietcombank tham gia nhiều dự án lớn, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh dự án hạ tầng giao thông cảng biển.
Năm 2025 và thời gian tới, Vietcombank tiếp tục dành ưu tiên cho các dự án này, đặc biệt là các dự án phát triển xanh, bền vững; cũng như các chương trình, dự án của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, cá nhân, khách hàng, hộ kinh doanh nhằm tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Vietcombank sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp nhất thị trường, cải tiến quy trình cấp tín dụng, rút ngắn thời gian phục phụ khách hàng... Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng đề xuất các giải pháp để hệ thống ngân hàng phát triển thuận lợi hơn, tham gia hiệu quả hơn trong việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; phục vụ tốt nhất yêu cầu của người dân, doanh nghiệp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hỗ trợ ngân hàng kiểm soát nợ xấu, nâng hạn mức tín dụng, ổn định lãi suất, điều hành tỷ giá linh hoạt... Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank đề nghị sửa đổi một số quy định để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để Agribank sớm tiến hành cổ phần hóa; có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu; thúc đẩy để ngân hàng tham gia triển khai hiệu quả chương trình 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đề án phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội... Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Nhà sáng lập, Phó Chủ tịch Thường trực HDBank cho biết, sau cuộc gặp gặp Tổng thống Donald Trump, hiện nay HDBank và các đối tác đang phối hợp thực hiện các hợp đồng 48 tỷ USD với các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, tạo ra gần 500 ngàn việc làm, đang thương lượng nâng giá trị giao dịch lên 64 tỷ USD; kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn; giữ ổn định lãi suất, hỗ trợ tín dụng cho các chương trình ưu tiên; điều hành tỷ giá linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu... Đại diện Ngân hàng Quốc tế VIB đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành ban hành danh mục dự án tín dụng xanh để các ngân hàng tham gia; sửa đổi quy định, cho phép ngân hàng được quyền thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo, giảm rủi ro cho ngân hàng, tăng tính dụng cho nền kinh tế... Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu giải đáp các đề xuất, kiến nghị của các ngân hàng, kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng của các đại biểu; yêu cầu Văn phòng Chính phủ và bộ, ngành liên quan tổng hợp, có thông báo, đề xuất giải quyết với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm cụ thể”. Thủ tướng trân trọng cảm ơn đóng góp của các ngân hàng thương mại trong xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt là trong bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, dột nát trên cả nước trong năm 2025, triển khai một số gói tín dụng liên quan tới nông nghiệp, nhà ở xã hội… Thủ tướng đánh giá, năm 2024 ngành Ngân hàng, trong đó có các ngân hàng thương mại đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát bội chi, nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn; chia sẻ với người dân và doanh nghiệp, giảm bớt lợi nhuận của mình để giảm lãi suất cho vay; tham gia chuyển giao bắt buộc một số ngân hàng; kiểm soát nợ xấu tốt hơn so với các năm trước; tham gia các dự án BOT, các dự án lớn của Chính phủ và doanh nghiệp. * Thực hiện 8 giải pháp cùng đất nước phát triển Bày tỏ sự mong muốn đối với một số vấn đề mà các ngân hàng cần cải thiện, cũng như các bài học trong quá trình phát triển, nhất là liên quan hệ thống ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ cho biết, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, đặc biệt phải đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, do đó, hệ thống ngân hàng phải tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ này. Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp để cùng cả nước phát triển. Trong đó, tiết giảm chi phí, tổ chức lại hoạt động lại hiệu quả hơn và đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân. Các ngân hàng phải tập trung tín dụng, góp phần làm mới các động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; có các gói tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho các ngành mũi nhọn giải quyết nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; ưu đãi cho các ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; tín dụng cho các dự án BOT, hợp tác công tư; tín dụng tháo gỡ khó khăn các dự án bất động sản…Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại phải tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai Đề án 06; triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thí điểm triển khai và quản lý ngân hàng ảo; đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, phiền hà, sách nhiễu, những biểu hiện tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động ngân hàng, giảm nợ xấu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống ngân hàng phải thực hiện quản trị thông minh, xây dựng ngân hàng thông minh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của những người làm ngân hàng vì mục tiêu chung là xây dựng đất nước, góp phần chia sẻ những khó khăn với người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hợp tác, chia sẻ và học tập kinh nghiệm quốc tế; tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa trong triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, góp ý cho việc xây dựng luật pháp, tập trung huy động nguồn lực phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ, nhà ở cho những đối tượng khó khăn; tích cực góp phần xóa nhà tạm, dột nát trên cả nước; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan trong hệ thống chính trị trên tinh thần vì sự phát triển chung, hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, đoàn kết, chung sức đồng lòng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của các cơ quan và nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng. Nhấn mạnh, các ngân hàng hoạt động kinh doanh phải có lãi nhưng ngoài lợi nhuận thì phải mang lại lợi ích chung cho đất nước, bởi “nước nổi thì bèo nổi”, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng, kéo dài gây lãng phí của các doanh nghiệp tư nhân và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì số doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng rất lớn, giải quyết nhiều việc làm. Lưu ý các ngân hàng hoạt động đúng luật, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những sai phạm vừa qua liên quan trái phiếu có phần trách nhiệm của các ngân hàng. Việc này cần rà soát, chấn chỉnh lại đạo đức kinh doanh, phải loại bỏ phần tử xấu khỏi hệ thống ngân hàng, không thể đẩy khách hàng vào hoàn cảnh khó khăn, trục lợi từ khách hàng. Cơ quan thanh tra của ngành Ngân hàng cũng cần hoạt động hiệu quả hơn. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, là điểm tựa cho người dân, doanh nghiệp, sự phát triển của đất nước; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; đồng thời sửa đổi quy định liên quan tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh với các ngân hàng thương mại cổ phần. Chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, phối hợp với ngân hàng về việc giãn nợ, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cho phù hợp, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, hoạt động ngân hàng phải rất linh hoạt, căn cứ tình hình cụ thể, nếu tình hình đặc biệt thì phải có cách ứng xử đặc biệt, phát huy văn hóa, đạo đức kinh doanh, sự tin tưởng lẫn nhau, tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong những lúc khó khăn để cùng nhau vượt qua trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và có những lúc phải hy sinh, góp phần tri ân các thế hệ đi trước, những người đã chiến đấu, hy sinh vì đất nước, vì nhân dân.Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng làm việc với các ngân hàng thương mại để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát
10:57'
Sáng 11/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khẩn trương trình đề án sắp xếp hệ thống cơ quan Thanh tra
16:54' - 10/02/2025
Chiều 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo để bàn về đề án sắp xếp hệ thống cơ quan Thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp đóng góp để đất nước phát triển
13:51' - 10/02/2025
Sáng 10/2/2025, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Bộ Công Thương xây dựng các kịch bản khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang
20:06'
Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.
-
Kinh tế Việt Nam
Thúc đẩy chuyển giao công nghệ nhằm xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái
19:58'
Những năm gần đây, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...
-
Kinh tế Việt Nam
Luật Đường sắt (sửa đổi) cần bao quát, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn của hệ thống đường sắt
19:26'
Chiều 11/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).
-
Kinh tế Việt Nam
94% diện tích đã có nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân
19:10'
Đến 15h ngày 11/2, diện tích có nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2024-2025 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 459.096 ha, đạt 94%, tăng 1,5% so với ngày 10/2.
-
Kinh tế Việt Nam
Thành lập Hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia
18:39'
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 261/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hội đồng thẩm định).
-
Kinh tế Việt Nam
Nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt phát triển khoa học công nghệ
17:44'
Để tạo ra những chuyển biến, kết quả trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần một nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có kỹ năng hiện đại, tư duy sáng tạo...
-
Kinh tế Việt Nam
Nhôm, thép Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao bởi chính sách thuế mới của Hoa Kỳ?
17:43'
Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục xuất khẩu bởi năng lực sản xuất của nhà sản xuất thép, nhôm của Hoa Kỳ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Đơn giản hóa quy định không hợp lý về kinh doanh vận tải
17:31'
Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật.
-
Kinh tế Việt Nam
Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù cho đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh
16:57'
Đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh bắt đầu xây dựng từ năm 2007, tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, không đáp ứng được nhu cầu vận tải.