Thủ tướng đồng ý thành lập lực lượng phản ứng nhanh xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm
Sáng 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện Chỉ thị 13 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành. Là địa bàn vốn được coi là hết sức phức tạp về an toàn thực phẩm, buổi làm việc nhằm đánh giá tình hình, hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp Hà Nội nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất thành lập lực lượng phản ứng nhanh của Hà Nội trong xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thủ tướng thị sát chợ đầu mối
Trước đó, khoảng 4h30 sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát chợ đầu mối Long Biên, TP Hà Nội – một trong những chợ đầu mối lớn nhất ở Thủ đô.
Trực tiếp tới thăm, kiểm tra thực phẩm tại một số quầy hàng, Thủ tướng trò chuyện với các tiểu thương tại chợ và mong muốn các hộ kinh doanh phải mua bán rau quả, nông sản, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho người tiêu dùng.
Thủ tướng đề nghị bà con buôn bán cần giữ gìn đạo đức kinh doanh, không vì lợi nhuận mà mua bán những loại thực phẩm độc hại, không rõ nguồn gốc, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng và cho chính bản thân.
Cũng trong chuyến thị sát đầu giờ sáng, Thủ tướng đã tới thăm mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Văn Đức huyện Gia Lâm.
Quy trách nhiệm đến xã, phường
Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng, Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của thành phố do Chủ tịch UBND thành phố đứng đầu và Ban Chỉ đạo tại tất cả 30/30 quận huyện, thị xã trên địa bàn.
Thành phố quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cấp từ thành phố đến địa phương; chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm vấn đề này. Đáng chú ý, thành phố đề ra quy định hết sức cụ thể: Phó Chủ tịch cấp quận, huyện kiểm tra an toàn thực phẩm 1 lần/2 tuần, Chủ tịch xã, phường, thị trấn kiểm tra 1 lần/tuần; phó Chủ tịch xã, phường, thị trấn kiểm tra 2 lần/tuần.
Qua kiểm tra đột xuất gần 700 cơ sở, Hà Nội đã phát hiện 176 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và xử lý 170 cơ sở, phạt tiền trên 1 tỷ 438 triệu đồng. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng danh mục 225 cơ sở rau thịt an toàn có giấy chứng nhận đủ điều kiện toàn thực phẩm đăng tải trên trang web của sở.
9 tháng qua, Hà Nội đã kiểm tra gần 77.400 lượt cơ sở và phát hiện trên 12.370 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt tiền trên 22 tỷ 600 triệu đồng, chuyển điều tra xử lý hình sự 3 vụ.
Báo cáo thêm tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, dự kiến cuối năm, UBND thành phố sẽ tiếp nhận 5 xe chuyên dụng để xét nghiệm nhanh định tính thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ nông sản… để nhằm phát hiện và cảnh báo thực phẩm không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Số xe đặc chủng này do Tập đoàn Vingroup tài trợ.
Về khâu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, thành phố giao Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Trung tâm phân tích, chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 17025, ngoài ra, Bệnh viện Vinmec của Tập đoàn Vingroup cũng đã thành lập trung tâm xét nghiệm, thực hiện xét nghiệm miễn phí phục vụ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân thành phố.
Đánh giá kết quả triển khai Chỉ thị 13 của Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thành công lớn nhất trong nhiệm vụ này ở Hà Nội chính là sự phân công, phân nhiệm của từng cấp từng ngành và đặc biệt là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn.
Người dân chưa yên tâm với độ an toàn của thực phẩm
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, liên quan đến đời sống, sức khỏe của người dân, được xã hội đặc biệt quan tâm.
Vui mừng vì những chuyển biến ban đầu trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại Thủ đô Hà Nội – một địa bàn lớn, có số lượng dân cư đông, Thủ tướng đánh giá, nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã được nâng lên.
Thành phố đã có sự phối hợp tốt của các cấp, ngành, triển khai nghiêm túc Chỉ thị 13 và cụ thể hóa bằng những văn bản chỉ đạo, điều hành của HĐND và UBND thành phố. Đặc biệt, Hà Nội đã có sự kết hợp giữa ngành và lãnh thổ trong thực thi nhiệm vụ quản lý và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai có hiệu quả. Hà Nội cũng bước đầu kiểm soát tốt đầu vào của thực phẩm, hình thành được chuỗi liên kết cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân và tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Thay mặt Chính phủ, biểu dương và ghi nhận những kết quả ban đầu của Hà Nội, Thủ tướng cũng chỉ ra một số những tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ này. Thủ tướng cho rằng, về mặt tổng thể, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, người dân chưa hoàn toàn yên tâm với độ an toàn của thực phẩm.
Việc quản lý nguồn gốc, chất lượng của một số loại thực phẩm như thực phẩm chức năng chưa có quy chuẩn, chưa rõ ràng; việc xử lý tận gốc hoạt động xuất nhập khẩu hoặc nuôi trồng thực phẩm chưa đạt yêu cầu; việc tổ chức công bố quy định sản xuất thực phẩm và nhất là quản lý cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, việc xử phạt các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa nghiêm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Hà Nội cần tiếp tục phân công phân nhiệm các đầu mối trực thuộc để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 13 theo hướng làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị; kiên quyết không để tình trạng “cha chung, không ai khóc” trong quản lý an toàn thực phẩm.
Thủ tướng nhắc nhở thành phố sớm khắc phục yếu kém trong quản lý lò giết mổ gia súc, gia cầm, quy hoạch lại hệ thống này để đảm bảo thuận tiện cho công tác quản lý. Hà Nội cũng phải quyết liệt hơn trong quản lý thức ăn đường phố theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm cho UBND phường, xã sao cho thức ăn đường phố ở Hà Nội phải sạch sẽ, an toàn và phong phú, phục vụ tốt khách du lịch và đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Thủ tướng yêu điều tra xử lý nghiêm các chủ cửa tiệm có thực phẩm độc hại và tiếp tục thông tin mạnh mẽ, công khai các cơ sở thực phẩm không an toàn để người dân nhận biết. Tăng cường thanh kiểm tra công vụ chuyên đề; mở các đợt cao điểm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại hệ thống các các chợ, siêu thị và ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi sai phạm, tiêu cực.
Thủ tướng cũng lưu ý thành phố chú trọng đến kiểm kiểm soát an toàn thực phẩm tại các làng nghề truyền thống, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến theo từng loại thức ăn chi tiết, cụ thể.
Đối với các kiến nghị của thành phố, Thủ tướng tán thành việc để Hà Nội nhân rộng thanh tra chuyên ngành tại các quận, huyện, xã, phường; để lại 100% phí thu từ xử phạt hành chính cho hoạt động an toàn thực phẩm tại xã, phường. Thủ tướng cũng giao Bộ Quốc phòng và các lực lượng liên quan quản lý, kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu tại các khu vực biên giới.
Thủ tướng đồng ý giao thành phố nghiên cứu, thành lập mô hình lực lượng phản ứng nhanh để xử lý an toàn thực phẩm; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hà Nội xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGap để cung cấp cho người dân Thủ đô.
Với mong muốn Hà Nội làm tốt nhiệm vụ này để rút kinh nghiệm, làm gương cho cả nước, Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị thành phố tiếp tục nỗ lực, cố gắng để ngày càng đạt được kết quả cao hơn, đảm bảo tốt vệ sinh, an toàn thực phẩm, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống, sinh hoạt của nhân dân Thủ đô./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát chợ đầu mối Long Biên
10:34' - 27/09/2016
Sáng sớm 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát chợ đầu mối Long Biên, TP Hà Nội.
-
Kinh tế & Xã hội
Hai ngày 11 người chết vì ngộ độc rượu
13:03' - 24/09/2016
Trong hai ngày qua, ít nhất 11 người trong độ tuổi từ 27 đến 60 đã chết vì ngộ độc rượu ở vùng Kharkov, miền Đông Ukraine.
-
Kinh tế Việt Nam
Thu hút nguồn lực cho nông nghiệp sạch
08:26' - 24/09/2016
Nhiều mô hình sản xuất, chuỗi giá trị nông sản an toàn tuy được phát triển nhưng trên thực tế, nguồn cung thực phẩm an toàn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Quy định xuất khẩu tổ yến thô và tổ yến sạch sang Trung Quốc
18:05'
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm kiểm dịch, kiểm tra, giám sát an toàn và sức khỏe đối với tổ yến thô và tổ yến sạch xuất khẩu sang Trung Quốc và cấp chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.
-
Kinh tế Việt Nam
Hội nghị P4G Việt Nam 2025: Hơn 50 startup trong nước và quốc tế tham gia Triển lãm tăng trưởng xanh
17:57'
Triển lãm quy tụ hơn 50 startup trong nước và quốc tế cùng các tổ chức uy tín hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trên thế giới.
-
Kinh tế Việt Nam
Điều kiện để xuất khẩu cám gạo và cám gạo chiết ly sang Trung Quốc
17:56'
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần đảm bảo rằng cám gạo và cám gạo chiết ly xuất khẩu sang Trung Quốc không chứa sinh vật gây hại mà phía Trung Quốc quan tâm và các thành phần biến đổi gen....
-
Kinh tế Việt Nam
Trợ lực cho người trẻ “chạm” ước mơ an cư
17:31'
Tại Nghị quyết 46/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thành lập Quỹ nhà ở quốc gia để hỗ trợ người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà.
-
Kinh tế Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII
16:51'
TTXVN trân trọng giới thiệu Bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025
16:35'
Tổng Bí thư Tô Lâm đã có phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam năm 2025 khai mạc chiều 16/4 tại Hà Nội.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố khai mạc Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam năm 2025
16:32'
Chiều 16/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4.
-
Kinh tế Việt Nam
Cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
16:14'
Đến nay, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn thành phố Biên Hòa đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng; hầu hết người dân đã tháo dỡ nhà cửa, công trình, nhường đất phục vụ dự án.
-
Kinh tế Việt Nam
Ra mắt đoàn tàu chất lượng cao sông Lam tuyến Hà Nội - Vinh từ ngày 22/4
15:33'
Dịp này, ngành đường sắt sẽ giảm giá 20% đối với hành khách đi tàu chất lượng cao sông Lam. Thời gian khuyến mại áp dụng từ ngày 22/4 - 22/5.