Thủ tướng: Kiến tạo môi trường kinh doanh, khuyến khích đầu tư, thượng tôn pháp luật

16:44' - 17/05/2017
BNEWS Việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp chính là cơ sở quan trọng để Chính phủ định hình giải pháp, chương trình hành động đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp”Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Diễn ra trong gần 7 tiếng đồng hồ, từ 7 giờ 30 đến hơn 14 giờ ngày 17/5, Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2 giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đã thực sự trở thành một diễn đàn trực tiếp để “doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ trả lời”; là cơ sở để xây dựng để hoạch định những chính sách “mang hơi thở cuộc sống” nhằm khai thông bế tắc, tạo thêm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho “cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.

Củng cố niềm tin của doanh nghiệp

Với sự nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2016, Việt Nam đứng thứ 82/190 quốc gia, tăng 9 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh (từ vị trí 91/189 lên 82/190) với 5 chỉ số tăng hạng.

Trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 110.100 doanh nghiệp, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay; số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng 48,1% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 24,1%.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập tiếp tục tăng 14%.

Năm 2016, cả nước có 2.613 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 15,81 tỷ USD, tăng 23,3% về số dự án so với 1 năm trước đó.

Theo công bố của VCCI, kể từ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, trên 1.098 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước và đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt 77,4%.

Các con số nêu trên minh chứng cho niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt.

Vẫn còn những rào cản

Với tinh thần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, Chính phủ cũng nhìn nhận nhiều yếu kém, tồn tại qua một năm thực hiện Nghị quyết 35.

Theo đó, công tác tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp đã được thực hiện ở đa số các địa phương nhưng còn nặng về hình thức, chưa đi vào thực chất, chưa giải quyết dứt điểm hoặc thỏa đáng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, một “phiền hà” lớn đối với doanh nghiệp là công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu tiến hành 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra.

Điều này khiến doanh nghiệp một năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức.

Theo phản ánh của VCCI, chi phí không chính thức vẫn là một quan ngại lớn của doanh nghiệp. Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến. Các doanh nghiệp thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Cải cách thuế phí và thủ tục hải quan

Đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, các tổ chức thương mại nước ngoài cho rằng, cần tập trung vào các lĩnh vực thuế, phí và thủ tục hải quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đề xuất Việt Nam ký kết hiệp định tương trợ hải quan giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ theo hướng thành lập hệ thống thanh toán hải quan, tách việc giải phóng hàng hóa ra khỏi quy trình thuế hải quan, thuế, phí, chi phí, từ đó đẩy mạnh dòng dịch chuyển hàng hoá, giảm thiểu chi phí.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Karashima, đại diện cho 1.600 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho rằng, cải thiện thủ tục hải quan và thuế là cách tốt nhất để phát triển Việt Nam trong tầm nhìn dài hạn.

Khai thông điểm nghẽn

Đưa ra những khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đề nghị bổ sung ngành bán lẻ, bao gồm tất cả các loại hình bán lẻ vào lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, với tư cách là ngành nghề độc lập, không phải nằm trong nhóm cơ sở hạ tầng như hiện nay.

Bà Loan đề nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ chương trình khuyến thương để mở “đầu ra” cho hàng hóa nội địa.

Dẫn chiếu một vụ việc cụ thể ở Hải Phòng với quan điểm “nói lên sự thật và không nói thành tích”, ông Nguyễn Hữu Đệ, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, ở Hải Phòng có chuyện chính quyền động viên một doanh nghiệp bỏ 50 tỷ đồng đầu tư vào bến xe, sau khi đầu tư xong thì “bẻ kèo”.

Bản thân ông Đệ đã phản ánh với Chủ tịch, Bí thư Thành phố Hải Phòng, song không có hồi âm. Ông Đệ đặt câu hỏi: Nếu như vậy, “kiến tạo, phục vụ ở chỗ nào”?

Theo ông Đệ, muốn Nghị quyết 35 đạt hiệu quả cao, cần phải tăng cường hiệu quả công tác cán bộ, quản lý, giám sát công chức, viên chức; cần chọn được người tài như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Cũng ngay trong buổi đối thoại, trả lời kiến nghị của ông Nguyễn Hữu Đệ, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cung cấp thông tin: trên cơ sở các quy định hiện hành, Thành phố đang dần dần từng bước đưa bến xe Thượng Lý vào hoạt động. Hiện bến xe này đã có 90 chuyến hoạt động. Ông Thành khẳng định, thành phố luôn luôn mở cửa tiếp đón các doanh nghiệp.

Bảo vệ những cách làm sáng tạo, hiệu quả của các doanh nghiệp

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp trong phạm vi, lĩnh vực liên quan với những lời hứa, cam kết khẳng định tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Bày tỏ niềm tin vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cam kết, ngành Kiểm sát sẽ kiên quyết với tội phạm, những người làm ăn gian dối; đồng thời quyết tâm bảo vệ doanh nghiệp, người dân làm ăn chân chính, hiệu quả và đúng pháp luật.

Khẳng định Ngành Kiểm sát sẽ phấn đấu hạn chế và không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính và kinh tế, ông Lê Minh Trí nêu rõ, “chúng tôi cũng nhận thức phải có trách nhiệm bảo vệ những cách làm sáng tạo, hiệu quả của các doanh nghiệp mà pháp luật hiện hành chưa cập nhật, cần thiết kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo”.

Không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Chăm chú lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, giải đáp của các bộ, ngành, mở đầu phát biểu kết luận hội nghị vào lúc 13 giờ 19 phút cùng ngày, với tinh thần "chuyển lời nói thành hành động", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một Chỉ thị theo hướng không được tiến hành thanh tra, kiểm tra 1 năm quá một lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm không được mở rộng.

“Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13 giờ hôm nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây”, Thủ tướng nói trong những tràng vỗ tay hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị.

Tâm sự với các doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định quan điểm bám sát mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ.

Theo đó, phải tạo dựng và bảo đảm một môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao.

Một môi trường “không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp”.

Nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết 35, Thủ tướng ví von: Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”.

Theo Thủ tướng, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng so với Hội nghị lần trước tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều.

Thủ tướng cho biết, trên tinh thần Nghị quyết 35, Chính phủ đã ban hành 50 nghị định, cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Việc đôn đốc kiểm tra của các Tổ công tác đã đem lại kết quả bước đầu rất ấn tượng về số lượng doanh nghiệp, chất lượng doanh nghiệp ở trong nước và FDI.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Moody đều đánh giá Việt Nam tăng nhiều bậc về môi trường kinh doanh. Chúng ta đang phấn đấu năm nay đạt nhóm đầu của ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh.

Nói về những hạn chế, rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã nhận diện được vấn đề này.

Đó là về thể chế chính sách, chưa giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật, chính sách ban hành chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp tại buổi đối thoại, Thủ tướng tán thành quan điểm xây dựng một thể chế chính sách bình đẳng giữa công và tư, phù hợp với thông lệ quốc tế và đề nghị doanh nghiệp, các hiệp hội cần góp ý với Chính phủ trong xây dựng và tổ chức thực hiện, thực thi chính sách.

Thủ tướng cho biết rất trăn trở với vấn đề thuế, phí còn cao, không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn, doanh nghiệp. Về vấn đề này, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ có một chương trình hành động cụ thể.

Ngoài ra, Thủ tướng nhìn có hiện tượng "cò" thủ tục hành chính và vẫn tồn tại tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức... gây chậm trễ, khó khăn ở các cơ quan công quyền.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Tiếp cận tín dụng thực thi chính thức, giao dịch đảm bảo chưa tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát huy tài sản đảm bảo để thế chấp, tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, sở hữu ngầm khiến cho dòng tín dụng bị phân bổ một cách chênh lệch, xa rời tín hiệu thị trường.

Thủ tướng khẳng định, việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp chính là cơ sở quan trọng để Chính phủ định hình giải pháp, chương trình hành động đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Trên tinh thần đó, Người đứng đầu Chính phủ cam kết sẽ tập trung giải quyết hai vấn đề then chốt về môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Chính phủ sẽ tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật.

Bảm đảm môi trường chính trị và vĩ mô ổn định, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật và thực hiện có hệ thống từ Trung ương đến địa phương không được gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp.

Khẳng định mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ theo đuổi mục tiêu phát triển bao trùm một cách xuyên suốt, nhất quán trên nền tảng cải cách thể chế theo hướng cởi mở, thân thiện, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Về vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ phải kết hợp một cách tối ưu các nguồn lực và công cụ chính sách nhằm tạo những điều kiện cho kinh tế tư nhân, giảm thiểu chi phí, tăng năng suất, tăng năng lực cạnh tranh trong kinh doanh và hội nhập quốc tế.

Đi liền với đó là xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam. “Chúng ta nên tự tin chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam. Hãy chiếm lĩnh trước tiên thị trường lớn thứ 13 của thế giới”; “bỏ qua thị trường này, chúng ta thất bại”, Thủ tướng khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp.

Tâm sự với các doanh nghiệp, để hiện thực hóa những mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng cần có sự đồng lòng, đồng tâm của tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân cùng với quyết tâm của hệ thống chính trị, của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định.

"Từng công chức, từng viên chức trong bộ máy nhà nước phải thông hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, nghiêm túc thực hiện, luôn sẵn sàng đồng hành bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc; bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu và bày tỏ tin tưởng về một sự đồng hành mà trong đó, doanh nghiệp và Chính phủ, các địa phương sẽ cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng bày tỏ mong muốn đội ngũ doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường.

Các cơ quan chức năng ở các địa phương trên cả nước cần có chương trình phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Dẫn lại câu nói của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, Thủ tướng đề nghị các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp phải tự đổi mới, tự cải cách, tự phát triển trong môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang đặt ra, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển ở Việt Nam.

>>> Hội nghị Diên Hồng giữa Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục