Thủ tướng: Nghiên cứu cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính thuế

16:12' - 26/02/2020
BNEWS Sáng 26/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực thuộc 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã bấm nút hòa mạng các Chi cục Thuế khu vực vào hệ thống quản lý thuế chung của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, 2 năm qua, Bộ Tài chính cắt giảm được 2.985 đầu mối đơn vị hành chính, giảm trên 2.044 công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp tổ/đội trở lên, trong đó Tổng cục Thuế giảm được 2.485 đầu mối.

Theo lộ trình đến hết năm 2020, theo Quyết định 41/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn hệ thống thuế sẽ phải hợp nhất khoảng 548 Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố của 63 Cục Thuế thành 257 Chi cục Thuế khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết quả tổ chức lại bộ máy ngành Thuế là tấm gương tốt, một việc khó nhưng ngành đã đạt được. Thành tích của ngành Thuế đã góp phần thúc đẩy các cấp các ngành nghiên cứu vận dụng để tinh giản bộ máy.

Nhấn mạnh yêu cầu chống dịch COVID-19 nhưng vẫn phải đảm bảo những nhiệm vụ thường xuyên của các cấp các ngành, Thủ tướng đánh giá, mô hình mới của ngành thuế đã gọn nhẹ hơn.

Số lượng chi cục cấp tỉnh, huyện giảm xuống từ 711 xuống 415, giảm 2.100 đội thuế, từ đó giảm mạnh biên chế. Quá trình sắp xếp lại bộ máy vẫn giữ được đoàn kết của toàn ngành, giải quyết tốt chế độ cho cán bộ, nhân viên.

Một lĩnh vực khác của ngành Thuế cũng được Thủ tướng đánh giá cao là quản lý thu, ổn định kinh tế vĩ mô tạo môi trường kinh doanh thuận lợi được triển khai tốt với kết quả năm 2019, vượt thu 9,3%.

Lần đầu tiên 63 tỉnh thành phố, các cục thuế kể cả sắp xếp và chưa sắp xếp đều thu vượt mức. Toàn ngành cũng nỗ lực và quyết liệt trong cải cách hành chính về thuế, tháo gỡ khó khăn tồn tại.

Thu thuế, nộp thuế và phương pháp tính thuế của Việt Nam có nhiều tiến bộ thông qua việc áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục. Mức độ hài lòng của người nộp thuế cũng tăng nhanh.

Đề cập đến những bất cập cần khắc phục của ngành, Thủ tướng chỉ rõ vướng mắc còn tồn đọng nhiều ở thể chế. Do dó, ngành cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng tránh gây khó khăn cho người nộp thuế. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực vẫn xảy ra; kỉ luật kỉ cương chưa được thực hiện nghiêm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức hợp nhất 711 chi cục thuế địa phương thành 415 chi cục thuế khu vực. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Thủ tướng lưu ý tuy giảm số chi cục thuế nhưng trong vận hành vẫn phải tiếp tục rút ra bài học kinh nghiệm. "Thuế phải là ngành chống được tình trạng trên nóng dưới lạnh, nợ đọng thuế, chây ì trốn thuế, chuyển giá" để đảm bảo lành mạnh cho môi trường kinh doanh, Thủ tướng nói.

Cùng với đó là việc nắm bắt nguồn thu, số thu còn chưa kịp thời; có tình trạng giao dự toán do các cục thuế chưa nắm chắc tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.

Trên tinh thần đó, giao nhiệm vụ cho ngành Thuế, Thủ tướng nhắc lại chủ trương chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19; đồng thời đề nghị ngành Thuế và Tài chính có biện pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, nhất là chủ trương hoãn, giãn, giảm nộp thuế, nhưng vẫn phải hoàn thành tốt kết quả tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2020 phấn đấu vượt thu 5%; tỷ lệ nợ đọng thuế giảm dưới 5% tổng thu ngân sách, đồng thời cho rằng, việc đảm bảo tăng thu là có cơ sở vì Việt Nam là nước chống dịch hiệu quả và có thể từ quý II trở đi là cơ hội tốt để các hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch và các hoạt động khác diễn ra mạnh mẽ. Thủ tướng yêu cầu các địa phương thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách đúng dự toán được giao.

Trong điều kiện dịch bệnh khó khăn thì sức phấn đấu càng phải quyết liệt hơn, Thủ tướng nói và đề nghị lãnh đạo ngành Tài chính, Tổng cục thuế phải quán triệt sâu sắc đến từng cán bộ công chức trong ngành, có kết quả cụ thể đến từng đơn vị để triên khai nhiệm vụ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Tổng cục Thuế. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Thủ tướng chỉ đạo ngành Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin; hiện đại hóa; mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá; giảm khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tích cực triển khai nhiệm vụ cải cách ngành thuế giai đoạn 2021-2030.

Thực hiện tốt chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo công khai minh bạch trong toàn hệ thống nhất là khi đã sắp xếp bộ máy.

Phải tìm cán bộ giỏi có đức có tài để thực hiện nhiệm vụ chính trị; khắc phục triệt để các tồn tại hạn chế để toàn ngành nhiệm vụ một cách tốt nhất, Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, ngành cần nghiên cứu các mô hình thể chế, chính sách và cán bộ của quốc tế để áp dụng vào Việt Nam, nhất là việc bao quát các nguồn thu, bảo đảm quyền đánh thuế trong chuyển nhượng vốn cổ phần thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng nêu ví dụ của du lịch "không đồng" không có nghĩa là không thu tiền, nhưng giao dịch này chủ yếu qua mạng internet nên cơ quan quản lý chuyên ngành không thu được thuế dẫn đến thất thu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu quản lý thu thuế đối với khu vực ngoài quốc doanh, nhất là trong bối cảnh sử dụng tiền mặt còn lớn, chưa triển khai được thu thuế điện tử đối với khu vực hộ kinh doanh. Công tác thanh tra kiểm tra cần tập trung vào chuyển giá, thương mại điện tử tiến tới kiểm tra thanh tra bằng điện tử.

Thủ tướng đặt vấn đề, làm sao nghiên cứu cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính thuế vì hiện nay còn đến 304 thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, có tới 188 thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4.

Thủ tướng đặt mục tiêu tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 10% thủ tục hành chính và phấn đấu 2020, nâng 50% số thủ tục hành chính cấp độ 1, 2 lên cấp độ 3, 4 trong lĩnh vực này.

Lưu ý vẫn còn tình trạng một số cán bộ ngành thuế nhũng nhiễu, thờ ơ, chưa mạnh dạn đề xuất tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: "Cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ sự thờ ơ này đối với người dân, doanh nghiệp”.

Phải kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, thoái hóa biến chất. Công tác cán bộ ở ngành thuế từ Tổng cục, Cục, Chi cục phải làm bài bản, chặt chẽ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục