Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “đặt hàng” Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam

11:29' - 27/12/2016
BNEWS Cùng với nghiên cứu khoa học cơ bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đội ngũ quản lý, nhà nghiên cứu khoa học VAST cần dành thời gian nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học vào thực tiễn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. Ảnh:Thống Nhất-TTXVN

Sáng 27/12, dự và chỉ đạo công tác năm 2017 của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 5 “đặt hàng” với đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Viện với mong muốn VAST tiếp tục có cơ chế quản trị tốt thu hút và giữ chân nhân tài, sáng tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao phục vụ người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng dự hội nghị tổng kết của cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ số một của quốc gia này còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. 

VAST là cơ quan đầu tầu trong hệ thống khoa học công nghệ quốc gia, thực hiện các hoạt động nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ một cách toàn diện, trình độ cao, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đất nước. 

Năm 2016, trong công tác nghiên cứu cơ bản, VAST đã công bố tổng cộng trên 2000 công trình khoa học, trong đó, số công trình đăng trên các tạp chí quốc tế là 996. Viện đã được cấp 28 bằng sở hữu trí tuệ, trong đó có 11 phát minh, sáng chế, 17 giải pháp hữu ích (tăng 56% so với năm 2015) và xuất bản 39 sách chuyên khảo. Cùng thời gian này, các đơn vị trực thuộc VAST đã thực hiện 1070 hợp đồng khoa học công nghệ với kinh phí trên 233 tỷ đồng (tăng gần 17% so với năm 2015), trong đó phần lớn số kinh phí đến từ doanh nghiệp. Mặc dù số lượng chưa lớn nhưng cũng thể hiện sự năng động của các đơn vị trong việc tìm kiếm các nguồn kinh phí hoạt động ngoài ngân sách và sự chấp thuận này càng tăng của xã hội đối với hoạt động khoa học công nghệ của Viện. Viện dã có 9 công nghệ được chuyển giao vào sản xuất và đời sống thông qua các hợp đồng khoa học công nghệ, trong đó, 7 công nghệ xuất xứ từ các đề tài, 2 công nghệ từ các hợp đồng khoa học công nghệ. 

Phát biểu tại buổi làm việc, biểu dương kết quả của VAST thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá số công trình khoa học công bố quốc tế về nghiên cứu cơ bản của Viện tăng cao là 1 tiến bộ đáng mừng, riêng năm 2016 có gần 800 công trình đạt tiêu chuẩn ISI.

Thủ tướng cũng ghi nhận nỗ lực của Viện trong việc chủ trì nghiên cứu xác định nguyên nhân cá chết bất thường số lượng lớn tại miền Trung vừa qua, làm rõ cơ sở khoa học góp phần chứng minh sai phạm của doanh nghiệp vi phạm. Một số nghiên cứu khác đã đóng góp trực tiếp vào việc khắc phục sự cố tại các vùng miền. Các nhà khoa học đã đoàn kết quyết tâm, một lòng theo Đảng vì sự nghiệp cách mạng của đất nước trong giai đoạn khó khăn của đất nước. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh:Thống Nhất-TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong giai đoạn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong đó có sự đóng góp to lớn của nhiều thế hệ các nhà khoa học VAST. 

“Sứ mệnh lớn nhất của VAST là phải làm sao không để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam thua kém trên sân nhà để từ đó, có thể hội nhập với những giá trị tri thức toàn cầu một cách chủ động với tinh thần phát huy cao độ lòng tự tôn dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và xu hướng của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4”, Thủ tướng nêu rõ. 

Cho rằng chưa bao giờ điều kiện phát triển khoa học công nghệ lại thuận lợi nhu lúc này, Thủ tướng cho rằng, đã đến lúc VAST cần nhìn lại, suy ngẫm và hành động theo tinh thần quan điểm nổi tiếng của nhà khoa học, nhà lý luận có bề dày hoạt động đó là đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đó là: Nhìn thẳng vào sự thật đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”, đây cũng là trăn trở của Đảng, Nhà nước ta, Thủ tướng chia sẻ. 

Chỉ rõ một số tồn tại trong công tác nghiên cứu khoa học, Thủ tướng lo lắng vì còn không ít đề tài nghiên cứu nặng lý thuyết, không gắn với thực tế. "Chúng ta cứ mải mê nghiên cứu những vấn đề cao siêu mà không để ý đến những nhu cầu ứng dụng đơn giản của thực tế để rồi doanh nghiệp Việt Nam phải chi trả những khoản tiền lớn cho nước ngoài mà những vấn đề đó không phải ta không giải quyết được", Thủ tướng trăn trở. 

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu đội ngũ quản lý, nhà nghiên cứu khoa học VAST, song song với nghiên cứu khoa học cơ bản, cần dành thời gian nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học vào thực tiễn; tạo nên mối liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu khoa học công nghệ với sản xuất, kinh doanh và khởi nghiệp. VAST cần có những nghiên cứu định tính, định lượng, xây dựng đề xuất phù hợp với Chính phủ để khoa học công nghệ thực sự là động lực của sự phát triển. Viện cần không ngừng nỗ lực để khẳng định chất lượng đào tạo trong bối cảnh cách mạng công nghệ và sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế-xã hội. 

Đặc biệt, tại buổi làm việc, Thủ tướng đã đưa ra 5 "đơn đặt hàng" đối với VAST. Theo đó, Thủ tướng đặt hàng VAST nghiên cứu và đề xuất sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý nhằm nâng cao giá trị và tránh làm lãng phí tài nguyên quốc gia; đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ cho việc theo dõi, kiểm soát và xử lý môi trường khắc phục hậu quả dưới thách thức của biến đổi khí hậu; nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hàng hóa chú trọng thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa; áp ụng khoa học công nghệ vào chế biến sâu, bảo quản lương thực, thực phẩm, mở rộng chuỗi giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam, nâng cấp vị thế của nền nông nghiệp Việt Nam ở nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng cũng đặt hàng các nhà khoa học VAST nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành lĩnh vực then chốt của quốc gia như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo, sản xuất vật liệu thế hệ mới… /. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục