Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Giảm nghèo là công việc "cả trí tuệ và trái tim"

13:43' - 11/12/2020
BNEWS Sáng 11/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các địa phương tại 63 điểm cầu trong cả nước.

* Tỉ lệ hộ nghèo giảm liên tục

Qua 10 năm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2019: 3,75%; năm 2020, dự kiến còn: 2,75%. Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 93.000 tỷ đồng.

Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Ngoài chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo có có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Người nghèo có khả năng lao động được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, có thể thấy, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.

Chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu. Thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh, quá trình đô thị hóa và di dân tự do làm nảy sinh nhiều thách thức đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người di cư, người lao động.

* Hình mẫu thế giới về xóa đói giảm nghèo

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội quan trọng hàng đầu và "mang đậm tình người". Đây cũng là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thủ tướng nhìn nhận, sau hơn 30 năm qua, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói giảm nghèo; là câu chuyện thành công truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Mặc dù còn nhiều khó khăn, Quốc hội, Chính phủ dành nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước với 21% ngân sách nhà nước dành cho phúc lợi xã hội. Đây là mức cao nhất của các nước trong khối ASEAN. Việt Nam đã hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người từ sách Nhà nước chịu tác động bởi COVID-19.

Thủ tướng nêu rõ, tỷ lệ hộ nghèo còn dự kiến dưới 3% trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. Đến nay, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 60 % thôn có điện....Đó là cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng nêu ví dụ: "Xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam ngày trước đi bộ mất 9 tiếng đồng hồ mới, đến giờ khoảng 30 phút đi ô tô", "xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, cách thành phố Tuyên Quang 40 cây số với số 7.000 người khoảng 70 % hộ nghèo đến tháng 11/20199 đã có 280 lao động ở xã làm việc cho Samsung, Thái Nguyên, Bắc Ninh, mỗi người gửi về cho gia đình từ 5 đến 6 triệu đồng...Sự chuyển đổi này cho thấy, cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước tạo ra việc làm cho người dân là giải pháp tốt nhất để xóa đói giảm nghèo bền vững.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng nhận thấy, nhiều địa phương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo 4 cấp và các hoạt động an sinh xã hội với số tiền gần 20.000 tỷ đồng; đã xây khoảng 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, nhất là trong cuộc chiến chống COVID-19, khắc phục hậu quả lũ lụt miền Trung, thắm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào. Đây là một văn hóa truyền thống đáng quý của dân tộc, tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị xã hội của đất nước.

Thủ tướng phân tích, những thành quả giảm nghèo của Việt Nam có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền Trung ương và địa phương; sự hưởng ứng nhiệt tình ủng hộ của nhân dân trong và ngoài nước. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao những địa phương vươn lên thoát nghèo với tinh thần tự cường dân tộc .

* Luôn là một thách thức lớn

Song, Thủ tướng nêu rõ, những thách thức trước mắt, nhất là đối với một quốc gia chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh như Việt Nam đối với con người vẫn còn rất nặng nề; đồng thời lại là một quốc gia chịu tổn thương lớn nhất trên thế giới từ biến đổi khí hậu và thường xuyên hứng chịu thiên tai, bão lũ.

"Công cuộc xóa đói giảm nghèo, chống tái nghèo sẽ luôn là một thách thức lớn đối với tất cả chúng ta, chúng ta phải xác định thách thức này", Thủ tướng nói.

Cùng với đó, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo. Chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 5%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Trung bình 5 hộ nghèo có 1 hộ có người khuyết tật. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có hiệu quả.

Thêm vào đó, từ đầu năm đến nay, tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19 cảnh báo những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu bền vững sẽ bị gián đoạn. Cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên. Tổ chức Oxfam ước tính COVID-19 khiến nửa tỷ người, khoảng trên 8% dân số thế giới lâm vào cảnh nghèo đói. Đây thực sự là một thử thách lớn đối với cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu, Thủ tướng quan ngại.

Nhấn mạnh, giảm nghèo trong thời gian tới là công việc "cả trí tuệ và trái tim", Thủ tướng đề nghị, nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ người nghèo, chuẩn nghèo đa chiều, ưu tiên trẻ em, người cao tuổi và đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng các chương trình, các mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội trong bối cảnh mới, tác động cực đoan của dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Nhân rộng các chương trình, sáng kiến, mô hình hiệu quả, thành công. Ưu tiên nguồn lực nhà nước lồng ghép các chương trình giảm nghèo cùng với huy động nguồn lực toàn xã hội, sự ủng hộ các tổ chức quốc tế trong công cuộc hỗ trợ người nghèo.

Thủ tướng nhắc đến giải pháp tiếp tục đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông; kết nối để tạo cơ hội giao thương việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề, tạo điều kiện thông thương - con đường căn bản để giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn lực để họ tự vươn lên.

Tất cả các địa phương phải tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong xây dựng, thực thi chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo mọi điều kiện để các mô hình cơ chế giảm nghèo từ cộng đồng có thể triển khai thuận lợi và thành công ở địa phương mình.

Thủ tướng chỉ rõ, để giải quyết đói nghèo phải đi từ sản xuất kinh doanh, để từ đó có việc làm mà trước hết là nông nghiệp dịch vụ, nhất là những chương trình tập trung cho vùng có thu nhập thấp.

Trước mắt hỗ trợ kịp thời cho người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc không để người dân không có chỗ ở, bị thiếu đói, bệnh tật, khẩn trương sửa chữa lại trường học, lớp học.

Tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn, có năng lực, động lực lớn hơn, được tự quyết nhiều hơn các mô hình giảm nghèo, từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu truyền thông, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong lĩnh vực này.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị cả nước triển khai phong trào mới. Mỗi xã, phường, mỗi thôn, bản xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình với cách làm sáng tạo hơn nữa. Giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, do đó cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Cấp ủy các cấp phải phân công đảng viên tham gia hỗ trợ người nghèo; cần phát động các phong trào thi đua thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững sáng tạo thực chất hơn.

Để hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo hiệu quả hơn, chính quyền cần hiểu được hoàn cảnh cụ thể từng trường hợp, từ đó có những biện pháp hỗ trợ. Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội các cấp, các tổ chức thành viên tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân toàn xã hội chung tay vì người nghèo. Đẩy mạnh công tác giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, phát huy dân chủ và nội lực của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục