Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các hoạt động của Hội nghị WEF

10:50' - 19/01/2017
BNEWS Trong khuôn khổ hội nghị WEF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp và làm việc với Thủ tướng Áo C. Kern, Chủ tịch WEF K. Schwab , Chủ tịch ADB T. Nakao, Chủ tịch tập đoàn Microsoft B.Smith
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab tại Davos Thụy Sĩ ngày 18/1/2017. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo Đặc phái viên TTXVN, chiều 18/1, Đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã bắt đầu tham dự các hoạt động tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 47 tại thành phố Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos).

Tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Áo Christian Kern, hai Thủ tướng đánh giá quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp; nhất trí triển khai các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2017, sớm họp Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và thương mại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Áo công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; thúc đẩy EU sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA); ủng hộ Việt Nam ứng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Tại cuộc gặp làm việc với Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab, ngài Chủ tịch đánh giá cao vai trò và tiềm năng phát triển của Việt Nam; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là theo mô hình đối tác công-tư (PPP).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị WEF duy trì tổ chức Hội nghị WEF Mê Công; hỗ trợ Việt Nam kết nối với các tập đoàn và chuyên gia hàng đầu của WEF, tư vấn chính sách trong lĩnh vực năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Sau buổi gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch Klaus Schwab dự lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai.

Việt Nam là nước đầu tiên mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP và mong muốn đây là một “mẫu hình” để triển khai với các nước khác sau này.

Theo thỏa thuận, WEF sẽ hỗ trợ Việt Nam kết nối với mạng lưới các doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Diễn đàn này; phối hợp với Việt Nam nghiên cứu và tư vấn chính sách trong những lĩnh vực Việt Nam quan tâm như tái cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia, biến đổi khí hậu...; nâng cao năng lực thông qua nhận cán bộ Việt Nam thực tập tại các cơ quan, tổ chức của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Tại cuộc gặp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tahehiko Nakao, hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020, phối hợp chuẩn bị tốt cho Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần 6 tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ADB tiếp tục hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư trong hợp tác tiểu vùng Mekong.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã mời Chủ tịch và Lãnh đạo ADB tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng và các hội nghị liên quan của APEC trong năm 2017 ở Việt Nam.

ADB mong muốn hợp tác chiến lược lâu dài với Việt Nam; cam kết Việt Nam không phải trả nợ nhanh và kéo dài cấp tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp cho Việt Nam đến năm 2019; hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án trong khuôn khổ hợp tác GMS.

Tại cuộc gặp Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bradford Smith, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập đoàn Microsoft tiếp tục đầu tư vào Việt Nam gắn với chuyển giao công nghệ cao; mời Chủ tịch tập đoàn Microsoft tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.

Tập đoàn Microsoft mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh mạng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp phần mềm.

Hội nghị WEF Davos là hội nghị lớn nhất của WEF, thu hút sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế lớn và các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Tham dự Hội nghị WEF Davos năm nay có hơn 3.000 đại biểu, trong đó có hơn 40 lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế, nhiều bộ trưởng và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn lớn, các chuyên gia, học giả hàng đầu thế giới.

Trong khuôn khổ Hội nghị năm nay sẽ diễn ra khoảng hơn 400 phiên thảo luận xoay quanh chủ đề “Lãnh đạo trách nhiệm và hành động” nhằm định hình nghị sự và chính sách của các chính phủ, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục