Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiếng kêu về thủ tục hành chính rườm rà vẫn còn
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 diễn ra vào chiều 18/3, nhiều ý kiến tham luận đã được nêu ra nhằm thực hiện hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
* Tích cực trong chuyển đổi số Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thời gian qua, thành phố đã và đang nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh để tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong việc thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Đồng thời, bổ trợ, thúc đẩy thành phố phát triển nhanh và bền vững. Để đạt được mục tiêu trên, thành phố đã ban hành các văn bản mang tính chiến lược như Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, kiến trúc chính quyền điện tử, chương trình chuyển đổi số. Kết quả bước đầu cho thấy nhiều ấn tượng trong việc phát triển chính quyền điện tử thành phố, cũng như sự kết nối ngày càng tiện ích giữa nhà nước và người dân thành phố. Sự chuyển đổi về mặt nhận thức của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số trong thời gian qua là kết quả nổi bật nhất, nhất là sự thay đổi về nhận thức cho người dân thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc chuyển đổi số, đã hoàn tất việc xây dựng cấu phần quan trọng trong kiến trúc chính quyền điện tử, là nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu dùng chung. Đây là nền tảng quan trọng để bảo đảm tích hợp, liên thông hệ thống thông tin của thành phố; đưa kho dữ liệu dùng chung của thành phố đi vào hoạt động, tiến hành liên thông, chia sẻ các cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị trên địa bàn thành phố. Đến thời điểm hiện tại, kho dữ liệu đã tích hợp được các cơ sở dữ liệu, văn bản điện tử, một cửa điện tử, những nội dung liên quan đến khiếu nại tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, đầu tư công, địa chính, các cơ sở khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề… Theo ông Võ Văn Hoan, trong quá trình xây dựng và phát triển, thành phố luôn xác định chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh lấy người dân làm trung tâm để phục vụ. Việc xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh là quá trình cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.Do đó, để bảo đảm công tác triển khai hiệu quả, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phải tập trung thực hiện 39 nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình chuyển đổi số của thành phố; tập trung thẩm định, phê duyệt chương trình chuyển đổi số của từng ngành, từng lĩnh vực, triển khai các dự án liên ngành, các dự án về nền tảng công nghệ thông tin, bảo đảm tính đồng bộ khi kết nối và chia sẻ dữ liệu.
* Còn hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ Phát biểu kết luận, điểm lại những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực của các bộ, ngành, địa phương; khẳng định sự cải cách hành chính thời gian qua đã góp phần quan trọng trong sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt là kinh tế.Dẫn chứng về những tiến bộ vượt bậc sau 10 năm cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ nêu câu chuyện, trước đây sản xuất 1 thanh socola phải tốn 13 lần giấy phép. Sau khi việc cải cách điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành được thực hiện thì tất cả 13 lần xin giấy phép này đều bị loại bỏ nhưng socola vẫn được sản xuất nhiều hơn, chất lượng tốt hơn.
Theo Thủ tướng, sự nghiệp đổi mới đã khó, cải cách lại càng khó hơn. Từ đại hội XI đến Đại hội XIII của Đảng có 4 cuộc cải cách lớn là cải cách giáo dục, cải cách tiền lương, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Đây là những vấn đề quan trọng, dày công và phải tiếp tục thực hiện. Cải cách hành chính với nhiều nội dung lớn, nhiều mặt liên quan đến con người nên càng phức tạp hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tiếng kêu về thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn. Sự chậm trễ, đá bóng qua lại giữa các cơ quan, sự minh bạch và trách nhiệm của từng cơ quan từ huyện đến tỉnh, thậm chí cả bộ, ngành vẫn còn chưa chặt chẽ. Vẫn còn hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ ở một số nơi khi người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục. "Không phải Thủ tướng không biết đâu. Trong nhiều phiên họp Chính phủ tôi đã nêu những việc ở cục, ở vụ, ở một số bộ. Nhưng nay tổng kết có nhiều niềm vui nên Thủ tướng chưa nêu hết những bất cập này, điều này không có nghĩa là chúng tôi không biết một số cán bộ, công chức có ứng xử tiêu cực với công dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nêu rõ. Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, biên chế có giảm nhưng bộ máy còn cồng kềnh, đi liền là sử dụng kinh phí ngân sách còn lãng phí. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục khắc phục những bất cập, để xây dựng một nền hành chính văn minh, hiện đại, hướng về người dân.Thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn để giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, cần tăng cường, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm; tăng cường tính công khai minh bạch để sát dân, sát cơ sở, phục vụ người dân. Tiếng kêu của người dân, doanh nghiệp ít đi chứng tỏ bộ máy giải quyết công việc minh bạch, công khai.
“Chính sách, công nghệ hiện đại thế nào cũng phải hướng về người dân, doanh nghiệp, đảm bảo quốc phòng, an ninh đất nước. Công tác cải cách hành chính phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh; mọi người dân, mọi tổ chức có khát vọng phát triển, xây dựng Việt Nam hùng cường vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu”, Thủ tướng nhấn mạnh. Từ đó, Thủ tướng đề nghị các cấp cần quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: "Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo". *Sự hài lòng của người dân là thước đo chất lượng của bộ máy Yêu cầu cải cách hành chính cần tiếp tục được chỉ đạo và điều hành sát sao, có trọng tâm, bám sát với nhiệm vụ đột phá chiến lược đề ra, Thủ tướng Chỉnh phủ chỉ đạo, phải xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.Sau hội nghị, Bộ Nội vụ cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, điều quan trọng trong cải cách hành chính là hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế về tổ chức, hoạt động của nền hành chính nhà nước. "Luật phải dễ hiểu, dễ vận dụng, một luật cố gắng 2 nghị định là nhiều nhất; một nghị định không quá một thông tư; ban hành văn bản mới thì phải hủy văn bản cũ. Văn bản nhiều quá, thủ tục rườm rà, mỗi bộ ra một thủ tục", nêu những tồn tại trên, Thủ tướng lưu ý, cần quyết tâm không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật.Đặc biệt, cần hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nền kinh tế.
Thủ tướng cho rằng thể chế phải tận dụng tối đa, hiệu quả những tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế - xã hội cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước. Thủ tục là vấn đề cần quan tâm để tiếp tục đơn giản hơn, người dân và doanh nghiệp ít tiếp xúc với người giải quyết thủ tục; ít tham nhũng, tiêu cực; công khai minh bạch. Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế; tăng cường thí điểm chuyển giao một số dịch vụ công mà nhà nước không nhất thiết thực hiện sang cho doanh nghiệp, xã hội đảm nhiệm. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ, ngành xem lại mô hình tổng cục với nhiều tầng nấc hiện nay. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, muốn cải cách tiền lương thì phải tinh giản biên chế, tiết kiệm hơn. Tự chủ, tự trang trải ở các đơn vị sự nghiệp công lập là hướng phải làm; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn với quyền hạn và trách nhiệm; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Với những thành tích đạt được trong công tác cải cách hành chính 10 năm qua, có 2 tập thể vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động, 17 tập thể và 22 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động và Bằng khen tặng các tập thể, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao Bằng khen của Thủ tướng tặng các cá nhân./.Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Nhóm thủ tục hành chính thuế đứng đầu về mức độ cải cách
13:34' - 17/03/2021
Sáng 17/3, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020).
-
Kinh tế Việt Nam
Tp Hồ Chí Minh cải cách hành chính công để cải thiện môi trường đầu tư
09:39' - 07/02/2021
Cải cách hành chính luôn được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, xem đây là nhiệm vụ chính trị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở ngành, đơn vị.
-
Kinh tế Việt Nam
Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Ngành Công Thương khắc phục hạn chế về cải cách hành chính
17:25' - 19/01/2021
Bộ Công Thương đang quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như chương trình cải cách hành chính.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
20:42' - 25/11/2024
Chiều tối 25/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
20:41' - 25/11/2024
Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
-
Kinh tế Việt Nam
Phân công thành viên Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai
20:27' - 25/11/2024
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 128/QĐ-TCT ngày 25/11/2024 về phân công thành viên Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Tập đoàn Ericsson
19:46' - 25/11/2024
Chiều 25/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Borje Ekholm, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Bulgari Rumen Radev
19:40' - 25/11/2024
Chiều 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ cho hoạt động quảng cáo trên mạng internet
19:18' - 25/11/2024
Chiều 25/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
17:52' - 25/11/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25/11/2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
-
Kinh tế Việt Nam
Quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam
17:41' - 25/11/2024
Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân tại các làng nghề trong cả nước đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công truyền thống, góp phần quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Điều chỉnh quy định chữa bệnh thông tuyến trong khám bảo hiểm y tế
17:24' - 25/11/2024
Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.