Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Trà Vinh cần phát triển nuôi tôm thâm canh

18:29' - 23/04/2017
BNEWS Thủ tướng gợi ý Trà Vinh đẩy mạnh nuôi tôm thâm canh để tận dụng lợi thế có diện tích lớn nhưng chưa được quy hoạch, đầu tư phát triển đúng mức để có sản lượng lớn như các địa phương lân cận.
 Chiều 23/4/2017, tại Trà Vinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh phía Đông Nam Đồng bằng Sông Cửu Long, chiều 23/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã về thăm và làm việc với tỉnh Trà Vinh – vùng đất có hệ sinh thái đa dạng giàu tiềm năng với một cộng đồng dân cư đa dân tộc (Việt, Khmer, Hoa…) nhưng hiện còn hết sức khó khăn về kinh tế.

Trà Vinh nằm giữa sông Cổ Chiên và sông Hậu, có gần 80% diện tích là đất nông nghiệp – thủy sản; 65km bờ biển, 200km ven sông. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trà Vinh tiếp tục tăng trưởng, đạt 10,26%. Tỉnh đã chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng với kết quả khá.

Đến nay tỉnh đã chuyển đổi 66,7% diện tích theo kế hoạch (6.000/9.000 ha) theo hướng giảm diện tích trồng trọt, tăng diện tích chăn nuôi, thủy sản. Nhờ đó sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 101.226 tấn (tăng 9.327 tấn); thu nhập bình quân đầu người đạt 33,4 triệu đồng.

Hạn chế của Trà Vinh thể hiện ở rất nhiều mặt. Ngoài 2 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện 30a, tỉnh có 57/106 đơn vị hành chính cấp xã khó khăn, 22 xã đặc biệt khó khăn và 7 xã bãi ngang…. Thu ngân sách nội địa đạt 1.850 tỷ đồng, nhưng chi ngân sách Nhà nước ở mức 7.822,5 tỷ đồng.

Toàn tỉnh còn 30.359 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 11,16%) và 22.784 hộ cận nghèo (tỷ lệ 8,38%); trong đó, đồng bào Khmer chiếm 59,11% hộ nghèo và chiếm 46,25% hộ cận nghèo toàn tỉnh.

Là địa phương có kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, Trà Vinh còn thường xuyên phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Năm 2016, xâm nhập mặn đã làm thiệt hại 29.067ha lúa và 1.273 ha hoa màu với 2.740 hộ bị ảnh hưởng và khoảng 18.770 hộ nông dân thiếu nước sinh hoạt.

Hạ tầng kinh tế yếu kém. Trên địa bàn tỉnh có 3 Quốc lộ: 53, 54 và 60 nhưng đều xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại và bảo đảm an toàn giao thông.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh điều kiện còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm rất thấp nhưng Trà Vinh đã nỗ lực phấn đấu đạt được một số thành tích đáng ghi nhận nhất là trong xây dựng nông thôn mới, phổ cập giáo dục tiểu học và thu hút tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Phân tích những hạn chế của Trà Vinh, Thủ tướng nhận xét, quy mô nền kinh tế còn rất nhỏ chỉ chiếm 4,7% GDP toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn rất ít với tỷ lệ 871 người dân/ 1 doanh nghiệp, quá thấp so với tỷ lệ bình quân của cả nước 140 người dân/doanh nghiệp.

Việc này dẫn đến nguồn thu ngân sách thấp, công tác giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại chỗ gặp khó khăn. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp của Trà Vinh cũng còn hạn chế; năng lực cạnh tranh của tỉnh cũng chưa đạt yêu cầu đề ra, đứng thứ 42 trong trong tổng số 63 các tỉnh, thành phố; đặc biệt, số hộ nghèo vẫn ở mức cao trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đề cập đến các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của Trà Vinh, Thủ tướng nêu rõ, nông nghiệp vẫn là hướng ra quan trọng của Trà Vinh. Cụ thể là lúa chất lượng cao, lúa cao sản, thậm chí là gạo dinh dưỡng. Nếu làm được cây gì hiệu quả hơn lúa nhưng sau đó vẫn có thể trở lại là đất lúa thì có thể chuyển đổi nhưng phải tính toán kỹ, xin phép, làm chặt chẽ và bài bản.

Bên cạnh đó, Thủ tướng gợi ý Trà Vinh đẩy mạnh nuôi tôm thâm canh để tận dụng lợi thế của tỉnh có diện tích lớn nhưng chưa được quy hoạch, đầu tư phát triển đúng mức để có sản lượng lớn như các địa phương Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, đem lại nguồn thu quan trọng cho địa phương. Thủ tướng yêu cầu Trà Vinh tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm để cho năng suất, hiệu quả cao hơn.

Gợi ý địa phương phát triển cây ăn quả bởi 1ha trồng cam sành bằng 10ha lúa, Thủ tướng yêu cầu tỉnh đầu tư, tìm hiểu các loại cây mới, giống mới để thử nghiệm và ứng dụng trên địa bàn.

Đề xuất Trà Vinh là thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi bò với thị trường lớn, tiềm năng lâu dài, Thủ tướng cũng cho rằng thủy sản là hướng ra quan trọng của Trà Vinh với quy trình khép kín cả đánh bắt, nuôi trồng, chế biến.

Cùng với đó, với lợi thế di tích, di sản, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, đặc biệt là văn hóa Khmer tại địa phương, Trà Vinh cần quan tâm gìn giữ, phát huy để thúc đẩy du lịch song song với nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội.

Nhấn mạnh đến ý nghĩa của công nghiệp đem lại nhiều việc làm cho lao động tại chỗ, và tăng nguồn thu ngân sách, Thủ tướng chỉ đạo Trà Vinh tăng cường phát triển lĩnh vực này, trước hết là công nghiệp chế biến, năng lượng sạch mà cụ thể là điện gió, điện mặt trời.

Tỉnh phải tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho phát triển thông qua việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư; tập trung xây dựng, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng; tạo nền tảng sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ ở địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Trà Vinh làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn; nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đi liền với đó là không quên nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội; không để bà con đói ăn, đứt bữa nhất là các hộ nghèo sinh sống tại các khu vực cù lao trong tỉnh.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Trà Vinh đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tập trung hoàn thành vượt mức mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017 đã đề ra, đưa Trà Vinh ngày một phát triển đóng góp vào thành tựu chung của cả nước./.

Xem thêm:

>> Thủ tướng: Sóc Trăng cần mở rộng lúa cao sản, loại trái cây lợi thế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục