Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vĩnh Phúc phải trở thành trung tâm phát triển

18:46' - 27/12/2016
BNEWS Chiều 27/12, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự hội nghị.

Với phương châm “Các nhà đầu tư là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, Đảng bộ, chính quyền các cấp của Vĩnh Phúc đã có những hướng đi mang tính đột phá, trở thành “điểm sáng” của cả nước về công tác thu hút đầu tư.

Từ một địa phương thuần nông, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là trung tâm sản xuất ô-tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 17,24%/năm; thu ngân sách tăng nhanh, từ 100 tỷ đồng năm 1997 lên trên 24.000 tỷ đồng năm 2015.

Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng những giải pháp cụ thể, quan tâm và kịp thời giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp, thông qua việc duy trì hoạt động của Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền; hoạt động của hệ thống đường dây nóng, tiếp nhận ý kiến phản ảnh, kiến nghị của doanh nghiệp; khảo sát doanh nghiệp; đối thoại doanh nghiệp; gặp gỡ doanh nhân hàng tuần. Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đặc biệt là việc thành lập cơ quan chuyên trách (Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư – IPA) nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.

Nhờ đó, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc tăng cao, năm 1998 toàn tỉnh chỉ có 8 dự án FDI và 1 dự án DDI đến nay đã thu hút được 856 dự án, gồm 227 dự án FDI với số vốn đăng ký 3,4 tỷ USD và 629 dự án DDI với số vốn đăng ký 49,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 55% dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Vĩnh Phúc ưu tiên hỗ trợ nhà đầu tư về cung ứng lao động và đào tạo nghề; hỗ trợ những hạng mục kỹ thuật trong hàng rào gồm: Hệ thống thu gom rác thải, xử lý nước thải tập trung, đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định, mức cụ thể theo quy mô diện tích cụm công nghiệp. Quy trình, thành phần hồ sơ, mẫu biểu và được giám sát giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông qua phần mềm điện tử http://motcua.ipavinhphuc.vn và được giải quyết theo cơ chế “một cửa liên thông”.

Vĩnh Phúc còn là địa phương có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn với dấu ấn của văn hóa Hùng Vương và Kinh Bắc, Thăng Long.

Tại đây có một quần thể danh lam, thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng: rừng Quốc gia Tam Đảo, thác Bản Long, hồ Đại Lải, hồ Làng Hà...

Nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh như danh thắng Tây Thiên, Tháp Bình Sơn, Đền thờ Hai Bà Trưng, Đền thờ Trần Nguyên Hãn, Di chỉ Đồng Đậu...

Vĩnh Phúc đang phấn đấu đến 2020 cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị, trở thành một tỉnh công nghiệp, là một trong những trung tâm công nghiệp dịch vụ của khu vực và cả nước.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế đều đánh giá cao tiềm năng phát triển của Vĩnh Phúc với một sức bật mạnh mẽ trong thời gian tới.

Các nhà đầu tư thành công thời gian qua trên địa bàn tỉnh cũng đánh giá cao sự quan tâm từ phía địa phương bằng những cơ chế, chính sách rất cụ thể như: Giảm giá thuê đất và gia hạn nộp thuế đất; huy động nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng nhanh tỉnh còn đẩy mạnh cải cách hành chính, sẵn sàng cung ứng lao động khi doanh nghiệp cần…

Có thể nói, chính sự thấu hiểu, chia sẻ của cơ quan chức năng địa phương đã và đang là điểm hấp dẫn, khiến các doanh nghiệp cảm thấy khá hài lòng về môi trường đầu tư tại đây.

Chiều 27/12/2016, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc 2016. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Vui mừng tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự phát triển với tốc độ nhanh của Vĩnh Phúc với mức thu ngân sách chỉ sau Hà Nội, đạt 31 ngàn tỷ đồng; có nhiều dự án FDI lớn đầu tư tại tỉnh nhà. Thủ tướng đánh giá cao môi trường đầu tư khá tốt của Vĩnh Phúc từ xếp thứ 43 năm 2012, đến nay đã lọt vào tốp 4 của cả nước.

Cho rằng, đây là một tiến bộ rất đáng mừng mà các địa phương khác phải nghiên cứu, học tập trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng chỉ rõ cả 3 điểm nghẽn kinh tế Việt Nam đó là hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế thì đều được giải quyết tốt ở Vĩnh Phúc.

Nhấn mạnh đến tiềm năng phát triển của Vĩnh Phúc còn rất lớn với tầm thế của một địa phương thuộc Vùng Thủ đô và sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, Thủ tướng cho rằng Vĩnh Phúc có những điều kiện cơ bản, mang tính nền tảng là lợi thế so sánh so với các địa phương khác đối với hoạt động thu hút đầu tư.

“Thương hiệu của một tỉnh lớn đã xuất hiện trên bản đồ Việt Nam. Tỉnh Vĩnh Phúc đáng sống đã hình thành”, Thủ tướng nhìn nhận và kỳ vọng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc sẽ vươn lên trở thành một đầu tàu kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhất, bền vững nhất trong nhiệm kỳ này.

Vĩnh Phúc phải có tầm nhìn, phấn đấu trở thành trung tâm phát triển của đồng bằng Bắc Bộ và cả nước, một thành phố công nghiệp dịch vụ, một điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách, của ý tưởng sáng tạo và Vĩnh Phúc phải được coi là nơi khởi nguồn đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp nông thôn, Thủ tướng bày tỏ.

Để đạt được mục tiêu ấy, Thủ tướng đề nghị Vĩnh Phúc tiếp tục đổi mới toàn diện mà điểm then chốt là phải xây dựng được niềm tin để các nhà đầu tư tin tưởng, đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; để người giàu, người thông minh và lao động chất lượng cao sinh sống và làm việc tại Vĩnh Phúc.

Đề cập đến vai trò của Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ cam kết ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, giữ gìn môi trường hòa bình; xây dựng Chính phủ Việt Nam liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Liên hệ tới những giải pháp cụ thể hơn, Thủ tướng gợi ý Vĩnh Phúc cần làm tốt quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, tránh để xảy ra mâu thuẫn trong tiến trình phát triển. Đi liền với đó, tiếp tục cải thiện môi trường sống, môi trường xã hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh nhà tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc việc xây dựng chính quyền liêm chính, đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư; có những cam kết công khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Đáng chú ý, Thủ tướng đặt chỉ tiêu hình thành cho Vĩnh Phúc phấn đấu đạt mục tiêu có trên 15 ngàn doanh nghiệp vào 2020, gấp đôi so với hiện nay và trở thành địa phương đi đầu trong phong trào khởi nghiệp.

Nhắc nhở địa phương coi du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn bởi đây cũng chính là gìn giữ và duy trì môi trường sống tốt của người dân trên cơ sở lợi thế về điều kiện tự nhiên, Thủ tướng đề nghị Vĩnh Phúc cần có những giải pháp cụ thể để triển khai nhiệm vụ này.

Trong tiến trình ấy, Vĩnh Phúc cũng cần hết sức chú ý đến mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, phát triển hài hòa tại địa phương để thực sự là thành phố đáng sống, thành phố thanh bình với nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn đặt lên hàng đầu.

“Các nhà đầu tư nói đi đôi với làm để chứng tỏ năng lực và quyết tâm của mình để đầu tư vào Vĩnh Phúc đem lại hạnh phúc cho đôi bên”, Thủ tướng nhắn nhủ với các nhà đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục