Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động xây dựng kịch bản kịp thời tham mưu Chính phủ

14:24' - 04/01/2023
BNEWS Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ tiếp tục theo dõi sát diễn biến; nhận diện rõ thời cơ, thách thức; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng kịch bản để kịp thời tham mưu với Chính phủ...

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức sáng 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhận định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng tham mưu có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng".

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chiến lược, phản ứng chính sách; sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển.

Thủ tướng cơ bản đồng ý với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2023 trong Báo cáo của Bộ. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và thế giới; nhận diện rõ thời cơ, thách thức; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng kịch bản để kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành và triển khai các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động trong và ngoài nước; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện được chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nâng cao hơn nữa vai trò kiến tạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoàn thành cơ sở vật chất cho trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và tham khảo, học tập kinh nghiệm các nước về lĩnh vực này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, với nguồn vượt thu năm 2022 là 392.000 tỷ đồng, cần ưu tiên xử lý các vấn đề cấp bách, đột xuất, bất ngờ và đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược, dùng nguồn lực này để thực hiện bằng được mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng là tới năm 2025, cả nước có 3.000 km cao tốc và tới năm 2030 có 5.000 km cao tốc để tạo không gian, động lực phát triển mới cho đất nước.

Theo Thủ tướng Chính phủ, dư địa thúc đẩy hợp tác công - tư còn rất lớn để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhưng hiện nay, thể chế cho hợp tác công - tư còn hạn chế so với sự vận động, phát triển và đòi hỏi của thực tiễn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực đang quản lý; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thống kê, với quan điểm chủ đạo là thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và minh bạch, số liệu "đúng, đủ, sạch, sống"; làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách, theo tinh thần "nói được làm được", "đi vào lòng người" để tạo đồng thuận xã hội, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ truyền thông…

Báo cáo và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị khẳng định, năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư và thống kê; thường xuyên cập nhật, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế; tập trung tham mưu tổng hợp về xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp lớn; soạn thảo nhiều đề án, báo cáo quan trọng giúp Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ kịp thời chỉ đạo, điều hành bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới.

Cùng với đó, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tranh thủ thời cơ phục hồi và phát triển nền kinh tế mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ được giao, hoàn thành nhiều đề án, báo cáo lớn theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến ngày 31/12/2022, Bộ đã hoàn thành 565/565 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; trình 54/54 đề án được giao trong Chương trình công tác năm 2022 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành các văn bản quan trọng như: Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; 03 Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số địa phương, các Nghị quyết về phát triển vùng kinh tế-xã hội…; xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu và tổ chức tốt công tác triển khai, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022; xây dựng và giao kế hoạch đầu tư công năm 2023, kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025; xây dựng danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; các giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.

Nhằm hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, ngành kế hoạch và đầu tư và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trọng về xây dựng các quy hoạch; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực do Bộ quản lý; nghiên cứu, tham mưu các mô hình kinh tế mới và xây dựng các quy định về cơ chế thử nghiệm các mô hình kinh tế; đẩy nhanh hơn 3 đột phá chiến lược…

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã thảo luận làm rõ những kết quả, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong công tác của ngành kế hoạch và đầu tư và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, đồng thời nêu nhiều đề xuất, kiến nghị.

Hầu hết, các ý kiến đánh giá rất cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò "kinh tế trưởng" trong công tác phối hợp, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, với chương trình phục hồi và phát triển, đại dịch COVID-19 đã không chỉ là thách thức mà còn tạo ra những cơ hội phát triển. Với những thành tựu đã đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định xứng đáng với sự tin tưởng của Chính phủ, của các địa phương và là chỗ dựa vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục