Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng

20:07' - 28/10/2023
BNEWS Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu những vấn đề vướng mắc, các bộ, ngành phải phối hợp, xử lý dứt điểm, nếu vượt thẩm quyền báo cáo Lãnh đạo Chính phủ xem xét, giải quyết.
Chiều 28/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về tình hình và công tác đảm bảo điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế liên quan.

Theo Bộ Công Thương, việc cung ứng điện trong 10 tháng đầu năm 2023 về cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên trong một số thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, khu vực miền Bắc đối mặt với tình trạng thiếu điện do thủy văn khô hạn bất thường, nắng nóng cực đoan. Nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, kéo dài. Dự tính tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện năm 2023 ước đạt 280,6 tỷ kWh, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 98,6% so với kế hoạch.

Theo tính toán, để đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, việc cân đối cung - cầu điện năm 2024 có thể tăng trưởng phụ tải điện từ 6% đến 8,96%. Hệ thống điện đủ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong hầu hết các kịch bản. Tuy nhiên, ở kịch bản cực đoan, khi nhu cầu điện tăng cao và tình hình thủy văn cực đoan ở mức thấp, khu vực miền Bắc có thể thiếu hụt điện.

Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá tình hình, khả năng cung ứng điện, nguyên nhân của tình trạng thiếu điện cục bộ một số thời điểm trong thời gian qua. Đặc biệt, lãnh đạo các bộ, ngành và các Phó Thủ tướng thảo luận sâu các kịch bản; đề xuất các phương án nhằm đáp ứng đủ điện phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Trong đó, có giải pháp về vận hành cung – cầu điện; chuẩn bị đủ nguyên nhiên liệu cho các nhà máy điện hoạt động đảm bảo công suất; huy động tối đa các nguồn điện; đầu tư, xây dựng đưa vào khai thác một số công trình, dự án điện để tăng cung; có giải pháp, tuyên truyền tiết kiệm điện, nhất là vào các thời điểm cao điểm. Đặc biệt, đề xuất có cơ chế đặc thù, ưu tiên cho phát triển các nguồn điện ở khu vực phía Bắc.

Kết luận cuộc họp, trên cơ sở ý kiến các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2023 nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội không thiếu, song do điều hành còn hạn chế nên xảy ra thiếu điện cục bộ, ở một số thời điểm. Năm 2024 và thời gian tới phải xây dựng kịch bản, điều hành, giám sát, kiểm tra việc điều hành điện, trên cơ sở căn cứ nguồn điện, tải điện, phân phối điện, tình hình sử dụng điện và giá điện.

Theo đó, trong năm 2024 xây dựng kịch bản điều hành điện trong điều kiện cả nước có tối thiểu 50.000 MW và tối đa là 52.000 MW điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Để đảm bảo nguồn điện phải đảm bảo đủ nguồn nguyên nhiên liệu cho sản xuất điện bao gồm nước, than, khí...

Trong đó, phải tạo điều kiện, khai thác tối đa nguồn than trong nước, chỉ nhập khẩu than khi trong nước không đáp ứng nhu cầu. Điều tiết nước, dự trữ nước tại các hồ đập cho cả sản xuất nông nghiệp và phục vụ thủy điện. Huy động các nguồn điện năng lượng tái tạo vào hệ thống, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước; khai thác tối đa các dự án điện khí; đồng thời xem xét khả năng nhập khẩu nếu cần thiết…

“Những vấn đề vướng mắc, các bộ, ngành phải phối hợp, xử lý dứt điểm, nếu vượt thẩm quyền báo cáo Lãnh đạo Chính phủ xem xét, giải quyết”, Thủ tướng chỉ rõ.

Về vấn đề tải điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp, tháo gỡ các nút thắt, khẩn trương khởi công xây dựng đường dây 500 Kv mạch 3, thậm chí có thể xây dựng thêm đường dây để điều tiết phân phối điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhất là đối với khu vực miền Bắc.

Về phân phối, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy nhanh việc chuyển giao Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia về Bộ Công Thương; giải quyết dứt điểm những vướng mắc về pháp lý; nếu cần thì Chính phủ ban hành Nghị định bổ sung. Các bộ, ngành liên quan phối hợp cùng Bộ Nội vụ giải quyết dứt điểm.

Về sử dụng điện, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông tích cực tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.

Thủ tướng giao các bộ, ngành phối hợp nghiên cứu điều chỉnh giá điện phù hợp, căn cứ chi phí đầu tư, vận hành, phân phối và các chi phí khác, cũng như yếu tố trượt giá do lạm phát để tính toán. Đặc biệt, việc tính giá điện cần nghiên cứu có chính sách cho các đối tượng phù hợp với các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Về vấn đề mua bán điện áp mái, mua bán điện trực tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp phối hợp, tham vấn các cơ quan của Quốc hội để có phương án xử lý phù hợp, hiệu quả, kịp thời.

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị phải thực hiện đúng chỉ đạo, theo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo không thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục