Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng phụ trách Hiệp định CPTPP của Nhật Bản

19:53' - 09/07/2024
BNEWS Chiều 9/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Shindo Yoshitaka, Bộ trưởng của Văn phòng Nội các Nhật Bản và là Bộ trưởng phụ trách Hiệp định CPTPP của Nhật Bản.
Chiều 9/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng của Văn phòng Nội các Nhật Bản, phụ trách Khôi phục kinh tế, Khởi nghiệp, Quản lý nguy cơ từ các bệnh truyền nhiễm, Cải cách chế độ an sinh xã hội, Chính sách Tài chính - Kinh tế và là Bộ trưởng phụ trách Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Nhật Bản Shindo Yoshitaka.

Hoan nghênh Ngài Bộ trưởng thăm Việt Nam để thảo luận về tình hình triển khai Hiệp định CPTPP và các hoạt động hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện với sự tin cậy chính trị cao.

 

Năm 2023, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 600 hoạt động kỷ niệm phong phú về hình thức và nội dung. Nhật Bản tiếp tục duy trì là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thứ nhất về cung cấp vốn vay ODA, thứ 2 về lao động, thứ 3 về đầu tư và thứ 4 về thương mại.

Theo Thủ tướng, bên cạnh Hiệp định CPTPP, hai bên cũng là Thành viên của nhiều FTA và khuôn khổ hợp tác kinh tế khác như Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), và gần đây nhất là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự Thịnh vượng (IPEF). Những khuôn khổ hợp tác này đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và kinh doanh giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động hợp tác song phương giữa hai nước, Thủ tướng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Nhật Bản chia sẻ, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, chống biến đổi khí hậu, khắc phục già hóa dân số; thúc đẩy hợp tác lao động, giáo dục, đào tạo; giao lưu nhân dân, du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi phân phối toàn cầu; hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, trên tinh thần “đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có hiệu quả cụ thể, thiết thực”.

Bộ trưởng Shindo Yoshitaka cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp đoàn. Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho biết những lĩnh vực hợp tác mà Thủ tướng nêu không chỉ góp phần phát triển của Việt Nam mà cũng giúp phát triển kinh tế Nhật Bản; đề nghị Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Nhật Bản và các thành viên của CPTPP khác thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP.

Chia sẻ hiểu biết về tình hình kinh tế thế giới và định hướng phát triển kinh tế của Nhật Bản, Bộ trưởng Shindo Yoshitaka đề nghị Việt Nam phối hợp với Nhật Bản thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác bằng những chương trình, dự án cụ thể, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, giáo dục, đào tạo và lao động.

Thông qua Bộ trưởng Shindo Yoshitaka, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chúc sức khỏe tới Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và chúc mừng thành công của Nhật Bản trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua; cảm ơn Nhật Bản đã tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam đang làm việc, học tập, sinh sống tại Nhật Bản; mong muốn Nhật Bản mở rộng chính sách tiếp nhận người Việt Nam sang học tập, làm việc tại Nhật Bản.

Trên tinh thần “3 cùng”: cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp với Nhật Bản và các Thành viên CPTPP khác trong thực thi Hiệp định CPTPP, đặc biệt là hoạt động rà soát thực thi Hiệp định, nhằm nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, giúp mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời giúp nâng tầm Hiệp định CPTPP để Hiệp định đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong thương mại khu vực và toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục