Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải Quốc tế

20:25' - 12/07/2023
BNEWS Chiều 12/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải Quốc tế (FIATA) Ivan Petrov.

Chiều 12/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải Quốc tế (FIATA) Ivan Petrov đang thăm và tham dự Hội nghị thường niên Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FIATA được tổ chức tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Liên đoàn – tổ chức đại diện cho các nhà giao nhận vận tải, logistics trên 150 quốc gia, đã hỗ trợ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội thường niên FIATA vào năm 2025. Sự kiện này là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư vào hạ tầng logistics ở Việt Nam, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam với các doanh nghiệp giao vận toàn cầu, qua đó phát huy vị thế là địa điểm trung chuyển quốc tế và khu vực của Việt Nam. Ngoài ra, sự kiện sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và quảng bá phát triển các ngành dịch vụ của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Liên đoàn trong thời gian qua đã luôn là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam với các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics trên thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển ngành logistics, qua đó giảm chi phí, giá thành, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ.

Thủ tướng đánh giá cao Liên đoàn đã hỗ trợ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội thường niên FIATA vào năm 2025 tại Hà Nội; đề nghị lãnh đạo Liên đoàn quan tâm, ủng hộ và cùng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam để tổ chức thành công sự kiện quan trọng này.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, tăng cường kết nối kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế. Việt Nam chủ trương phát triển ngành logistics hội nhập, hiện đại, trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, hạ tầng giao thông vận tải; xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ. Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế vị trí địa lý, tăng cường kết nối để sớm đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực, trong đó chú trọng phát triển vận tải biển.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Liên đoàn quan tâm tăng cường hợp tác với Việt Nam, hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, chia sẻ tầm nhìn, tư duy, tư vấn chính sách, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế, kêu gọi các nhà đầu tư vào các cảng biển lớn, hỗ trợ về đào tạo nhân lực, công nghệ, quản trị, quy hoạch, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ logistics của Việt Nam theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ngày càng tiệm cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ đồng hành cùng các đối tác trong và ngoài nước, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại - dịch vụ, trong đó có hợp tác phát triển dịch vụ logistics.

Chủ tịch FIATA Ivan Petrov chia sẻ về những ấn tượng thực tế tại thành phố cảng Hải Phòng, đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực logistics tại Việt Nam và tầm nhìn, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này, có nhiều điểm tương đồng với tầm nhìn của FIATA. FIATA mong muốn tăng cường hợp tác, hỗ trợ với Việt Nam.

Ông Ivan Petrov đánh giá Việt Nam là nơi rất an toàn, tiềm năng để đầu tư, ông cho rằng việc tổ chức Đại hội thường niên FIATA 2025, cũng như việc FIATA tăng cường hợp tác với các cơ quan phía Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy phát triển, số hóa, xanh hóa ngành logistics tại Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một trung tâm lớn hơn về logistics, vận tải liên vận…

Được biết, năm 2022, Việt Nam được xếp hạng 11 trong 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics. Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đưa đóng góp của logistics vào GDP hàng năm ở mức 4-5%; góp phần quan trọng trong việc nâng cao tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam (năm 2022 trên 730 tỷ USD)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục